Phát triển du lịch Sa Pa: Hướng tới đô thị du lịch sạch Asean

BBK - Phát triển du lịch Sa Pa trở thành du lịch xanh, theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, nâng cấp cơ sở hạ tầng, tạo nên những sản phẩm mang tính đặc trưng miền núi, dân tộc, địa phương.
Quang cảnh Hội thảo.Quang cảnh Hội thảo.

Chiều ngày 5/4, tại TP Hà Nội, UBND thị xã Sa Pa phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm (TP Hà Nội) tổ chức Hội thảo “Giải pháp phát triển du lịch quốc gia Sa Pa - Đặc sắc, hấp dẫn, thân thiện, chuyên nghiệp hướng tới đô thị du lịch sạch Asean”.

Đây là một hoạt động nằm chuỗi sự kiện "Ngày hội Văn hóa Du lịch Sa Pa tại Hà Nội" với mục đích xúc tiến, quảng bá, giới thiệu văn hóa - du lịch Sa Pa tại Hà Nội. Đồng thời, là cơ hội để thị xã Sa Pa quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh về du lịch, nét văn hóa đặc trưng, riêng biệt của từng dân tộc trên địa bàn thị xã nhằm thu hút du khách trong nước, quốc tế và đặc biệt Nhân dân, doanh nghiệp Thủ đô Hà Nội đến tham quan, lưu trú trên địa bàn thị xã Sa Pa, hướng đến năm 2025, khu du lịch Quốc gia Sa Pa đón 6 triệu lượt du khách và đến năm 2030, đón 11 triệu lượt du khách.

Dự hội thảo có: Ủy viên thường trực Ủy ban Văn Hóa, Giáo dục của Quốc Hội Bùi Hoài Sơn; Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Quốc Trí; Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Sa Pa Thào A Sinh; Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa Tô Ngọc Liễn; Phó Chủ tịch thị xã Sa Pa Đỗ Văn Tân cùng đại diện lãnh đạo quận Hoàn Kiếm…

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa Tô Ngọc Liễn cho biết: Sa Pa là thị xã trẻ của tỉnh Lào Cai được nâng cấp thành thị xã từ ngày 1/1/2020 gồm: 10 xã và 6 phường với 84 thôn bản và 27 tổ dân phố, cách thủ đô Hà Nội hơn 300 km, cách trung tâm tỉnh Lào Cai 35 km về phía Tây Nam, nằm trên trục Quốc lộ 4D từ Lào Cai đi Lai Châu, là cửa ngõ giữa hai vùng Đông Bắc và Tây Bắc. Với diện tích tự nhiên 68,473ha; dân số trên 72.000 người, gồm 6 dân tộc chính (Mông, Dao, Tày, Giáy, Xá Phó, Kinh).

Sa Pa là một trong những địa danh du lịch nổi tiếng, đã có 120 năm hình thành và phát triển. Với cảnh quan thiên nhiên hùng vỹ, khí hậu đặc trưng và văn hóa dân tộc độc đáo, Sa Pa là một trong những địa danh du lịch nổi tiếng của Việt Nam và thế giới. Trong những năm qua, với sự chung tay của Đảng bộ, chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng địa phương, hoạt động du lịch của Sa Pa ngày càng phát triển cả về chất và lượng; nhiều địa danh của Sa Pa đã được đánh giá, bình chọn với những danh hiệu ấn tượng như: 1/50 thị trấn đẹp nhất thế giới; 1/14 điểm đến cần phải khám phá khi tới châu Á; 1/10 điểm du lịch hấp dẫn nhất Đông Nam Á...

Sa Pa chính thức được công nhận là Khu du lịch Quốc gia vào năm 2017 và năm 2020, chính thức chuyển từ chính quyền nông thôn lên chính quyền đô thị, đây là lợi thế lớn cho sự phát triển của Sa Pa nói chung và du lịch Sa Pa nói riêng.

Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19, từ năm 2020 đến hết quý I năm 2022, lượng khách du lịch giảm sâu. Tuy nhiên khi dịch bệnh được kiểm soát, du lịch Sa Pa đã nhanh chóng phục hồi. Kết thúc năm 2022, thị xã Sa Pa đón trên 2,5 triệu lượt khách và đến năm 2023 - năm du lịch Sa Pa tròn 120 năm tuổi, thị xã đón trên 3,68 triệu lượt khách.

Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Sa Pa Hoàng Thị Vượng giới thiệu thực trạng và tiềm năng du lịch Sa Pa tại Chương trình.

Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Sa Pa Hoàng Thị Vượng giới thiệu thực trạng và tiềm năng du lịch Sa Pa tại Chương trình.

Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Sa Pa Hoàng Thị Vượng giới thiệu về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thị xã; thực trạng du lịch Sa Pa và định hướng phát triển trong thời gian tới; cùng nhau thảo luận đưa ra các giải pháp hữu hiệu để phát triển du lịch Sa Pa bền vững, đặc sắc, hấp dẫn, thân thiện và chuyên nghiệp.

Cũng tại Hội thảo, các đại biểu, các doanh nghiệp du lịch của Hà Nội đã phát biểu đánh giá về tiềm năng thế mạnh của du lịch Lào Cai nói chung và thị xã Sa Pa nói riêng. Sa Pa là địa danh của du lịch Việt Nam, luôn là điểm đến hấp dẫn du khách trong nước, quốc tế tới khám phá, trải nghiệm. Bởi vậy, việc phát triển du lịch Sa Pa không phải chỉ có Sa Pa, Lào Cai làm mà còn là trách nhiệm của các Bộ, ngành Trung ương. Trong sự phát triển, du lịch Sa Pa bị tác động bởi đô thị hóa, cảnh quan, môi trường. Các ý kiến phát biểu cũng chia sẻ kinh nghiệm phát triển du lịch ở trong nước và quốc tế; đề xuất cần có những giải pháp để phát triển du lịch Sa Pa trở thành du lịch xanh, theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, nâng cấp cơ sở hạ tầng, tạo nên những sản phẩm mang tính đặc trưng miền núi, dân tộc, địa phương. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ trong phát triển du lịch, tăng cường kết nối, đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá…/.

Xem thêm

Video

Đọc báo in