Nuôi nhộng móc vừa đơn giản, vừa cho thu nhập khá

BBK - Để tự chủ về tài chính, phù hợp với sức khỏe nhiều người cao tuổi trên địa bàn tỉnh đã lựa cho bản thân hướng phát triển kinh tế mới và mang lại hiệu quả. Ghi nhận tại mô hình nuôi nhộng móc của gia đình bà Âu Thị Gia, tổ 18, phường Sông Cầu (thành phố Bắc Kạn).

Những chậu nhựa được bọc kín xếp thành từng tầng chồng lên nhau bên cạnh nhà bếp là nơi bà Gia dành để nuôi nhộng móc. Gọn gàng, sạch sẽ nhưng lại mang lại nguồn thu nhập thường xuyên cho bà.

dsc05065-3393.jpg
Từ nuôi nhộng móc giúp bà Gia có nguồn thu nhập thường xuyên.

Vừa thoăn thoắt đôi tay chuẩn bị nguồn thức ăn để nuôi lứa nhộng mới, bà Gia chia sẻ: Trước đây, khi về quê thấy bà con lên rừng chặt cây lấy nhộng móc, mua về ăn thấy ngon nhưng giá bán khá cao, tôi nảy ra ý tưởng nuôi nhộng móc. Để thực hiện, tôi nhờ con lên mạng tìm mua giống về nuôi thử. Sau vài lần thất bại, vừa làm và rút kinh nghiệm tôi đã thành công. Tôi duy trì nuôi khoảng 2 năm nay. Thức ăn đơn giản, dễ kiếm như bột ngô, mía, chuối, đường, cùi dừa và xơ dừa. Thời gian từ lúc ủ nuôi đến khi được gỡ bán vào khoảng 30-35 ngày, phụ thuộc vào thời tiết từng mùa nếu để lâu nhộng sẽ chuyển sang kén, thành con giống.

Chia sẻ về cách nuôi bà Gia cho biết: Trộn đều những nguyên liệu với nhau theo tỷ lệ nhất định để làm thức ăn, rồi mỗi chậu cho vào khoảng 30 con bố mẹ, sau đó buộc tấm vải che lên trên, nhằm tránh ruồi, muỗi bâu vào ảnh hưởng đến quá trình sinh sản của nhộng. Hằng ngày, chỉ việc tưới nước cho đảm bảo độ ẩm. Công việc không nặng nhọc nhưng giúp tôi có thêm nhiều niềm vui bởi cứ mỗi sáng hay tranh thủ lúc nào rảnh rỗi tôi đều kiểm tra những chậu nhộng.

Với giá bán từ 250.000 – 300.000 đồng/kg nhộng đã giúp cho bà gia có nguồn thu nhập đáng kể. Khách hàng thường xuyên đặt mua, có lúc có người đặt cả 7kg. Để có nhộng bán liên tục bà Gia nuôi gối, ghi ngày tháng từng chậu nuôi và theo dõi quá trình phát triển của nhộng. Mỗi chậu thu được hơn 1kg nhộng thành phẩm.

dsc05069-2714.jpg
Nhộng móc thành phẩm được cho ăn mía để tăng độ ngọt.

Ngoài bán nhộng, bà Gia còn bán con giống cho ai có nhu cầu. Nhộng móc sử dụng nguồn thức ăn hoàn toàn tự nhiên nên được khách hàng ưa thích, dễ bán. Thấy có hiệu quả kinh tế, nhiều người đến tìm mua giống về nuôi, bà Gia nhiệt tình hướng dẫn cách nuôi.

"Những con nhộng quá thời gian bán, tôi tiếp tục nuôi thành con giống. Để phân biệt giữa con cái và con đực chỉ cần dựa vào chiếc vòi của chúng, với con cái vòi sẽ thon nhọn và dài hơn, còn con đực vòi sẽ có lông xù lên", bà Gia chia sẻ.

321-1326.jpg
Nhộng móc có giá từ 250.000 - 300.000 đồng/kg.

Theo bà Gia, nhộng móc không có nhiều người nuôi nên đầu ra khá ổn định, phù hợp với người có tuổi. Mỗi ngày có thể tranh thủ sáng sớm hay buổi tối đều làm được. Hiện, thông qua các trang mạng xã hội như Facebook và Zalo nên việc bán nhộng móc và con giống càng thuận lợi hơn, nhiều khách hàng tìm mua. Cũng nhờ kết nối, học hỏi kinh nghiệm từ bà mà nhiều khách hàng ở các tỉnh, thành phố khác đã thành công với mô hình nuôi nhộng móc, vừa có thức ăn cải thiện bữa ăn và có thêm thu nhập. Nuôi nhộng móc như một vòng tuần hoàn, không lãng phí. Sau mỗi lứa nuôi, bã được bà Gia tận dụng để làm phân bón cho rau, xô được dùng cho đợt nuôi nhộng tiếp theo.

Sức khỏe suy giảm theo tuổi tác nhưng nhiều người cao tuổi trên địa bàn tỉnh vẫn tích cực lao động sản xuất, xây dựng mô hình phát triển kinh tế phù hợp mang lại hiệu quả kinh tế, phần tạo việc làm, tăng thu nhập, tham gia công tác xóa đói, giảm nghèo của địa phương. Hiện nay, toàn tỉnh có gần 20 nghìn người cao tuổi tham gia phát kinh tế, trong đó có 932 người đạt danh hiệu người cao tuổi làm kinh tế giỏi các cấp./.

Xem thêm

Video

Đọc báo in