6. Trợ giúp pháp lý được thực hiện trong những lĩnh vực nào?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Luật trợ giúp pháp lý năm 2017 thì “Trợ giúp pháp lý được thực hiện trong các lĩnh vực pháp luật, trừ lĩnh vực kinh doanh, thương mại.”,
Trợ giúp pháp lý sẽ được thực hiện trong lĩnh vực pháp luật sau:
- Dân sự: quyền, nghĩa vụ về nhân thân; giao dịch dân sự; hôn nhân gia đình; quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản; lao động; các hợp đồng mua bán tài sản, trao đổi tài sản, hợp đồng vay tài sản, thuê tài sản, thuê khoán tài sản, mượn tài sản, hợp đồng về quyền sử dụng đất, hợp đồng vận chuyển; trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng; thừa kế; …
- Hành chính: khiếu nại, tố cáo; khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định buộc thôi việc, danh sách cử tri…
- Hình sự: các quy định của pháp luật về hình sự về các tội phạm, trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự, hình phạt, các biện pháp tư pháp, quyết định hình phạt, thi hành bản án, xóa án tích; quy định trình tự, thủ tục tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và một số thủ tục thi hành án hình sự; khi người được trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng hình sự với tư cách người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; người bị bắt; người bị tạm giữ; bị can; bị cáo; bị hại; nguyên đơn dân sự; bị đơn dân sự; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.
- Các lĩnh vực pháp luật khác: chương trình mục tiêu quốc gia; ưu đãi người có công với cách mạng; bảo vệ môi trường; bảo vệ và phát triển rừng; bảo hiểm xã hội; phòng, chống mua bán người; phòng, chống bạo lực gia đình; luật người khuyết tật; luật người cao tuổi; bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; bình đẳng giới; dạy nghề; di sản văn hóa; giao thông đường bộ; giáo dục; hiến, ghép, lấy mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác; hiến, ghép, lấy mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác; khoáng sản; nghĩa vụ quân sự; phòng, chống ma túy; quản lý thuế; tài nguyên nước; xây dựng; nuôi con nuôi;…
7. Pháp luật quy định như thế nào về phạm vi trợ giúp pháp lý?
Phạm vi thực hiện trợ giúp pháp lý được quy định tại Điều 26 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 như sau:
- Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước thực hiện trợ giúp pháp lý thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Người được trợ giúp pháp lý đang cư trú tại địa phương;
+ Vụ việc trợ giúp pháp lý xảy ra tại địa phương;
+ Vụ việc trợ giúp pháp lý do cơ quan có thẩm quyền về trợ giúp pháp lý ở Trung ương yêu cầu.
- Tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý thực hiện trợ giúp pháp lý trong phạm vi hợp đồng.
- Tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý thực hiện trợ giúp pháp lý trong phạm vi đăng ký.
8. Khi tiếp nhận vụ việc không thuộc phạm vi thực hiện trợ giúp pháp lý, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước phải làm gì?
Khoản 1 Điều 26 Luật Trợ giúp pháp lý quy định:
“Điều 26. Phạm vi thực hiện trợ giúp pháp lý
1. Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước thực hiện trợ giúp pháp lý thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Người được trợ giúp pháp lý đang cư trú tại địa phương;
b) Vụ việc trợ giúp pháp lý xảy ra tại địa phương;
c) Vụ việc trợ giúp pháp lý do cơ quan có thẩm quyền về trợ giúp pháp lý ở Trung ương yêu cầu.”
Khi tiếp nhận vụ việc không thuộc phạm vi thực hiện trợ giúp pháp lý quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 26, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước phải chuyển yêu cầu trợ giúp pháp lý đến Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước có thẩm quyền và thông báo cho người có yêu cầu biết theo quy định tại Khoản 1 Điều 35 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017.
Cụ thể, khoản 1 Điều 35 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 quy định như sau:
“Điều 35. Chuyển yêu cầu trợ giúp pháp lý
1. Trường hợp yêu cầu trợ giúp pháp lý không đáp ứng điều kiện quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 26 của Luật này, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước chuyển yêu cầu trợ giúp pháp lý đến Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước có thẩm quyền và thông báo cho người có yêu cầu biết.”
(Còn nữa)