Luật Căn cước 2023 thay thế cho Luật Căn cước công dân 2014. Đầu tiên là thay đổi tên từ Luật Căn cước công dân đổi thành Luật Căn cước. Từ sự thay đổi tên của Luật, “thẻ căn cước công dân” đổi tên thành “thẻ căn cước” để phù hợp, thống nhất với tên gọi của các loại thẻ nhận dạng thông tin công dân của các nước trên thế giới (Idencity Card - Thẻ căn cước hay thẻ nhận dạng cá nhân).
Thẻ căn cước công dân đã được cấp trước ngày 01/7/2024 vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được ghi trong thẻ. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước. Thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15/01/2024 đến trước ngày 30/6/2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/6/2024. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân vẫn giữ nguyên giá trị sử dụng.
Luật quy định từ ngày 01/01/2025, chứng minh nhân dân sẽ hết thời hạn sử dụng. Lý do có sự thay đổi này là vì hiện nay đã xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, mọi hoạt động thực hiện thủ tục hành chính hoặc giao dịch của người dân đã ứng dụng công nghệ số nên việc bỏ chứng minh nhân dân giấy là cần thiết để đồng bộ dữ liệu, thuận tiện trong quá trình sử dụng thẻ căn cước.
Ngoài ra, Luật bổ sung một số quy định mới đối với người được cấp căn cước. Luật cũ quy định công dân từ đủ 14 tuổi trở lên thì sẽ làm thẻ căn cước. Luật Căn cước 2023 mở rộng hơn, công dân dưới 14 tuổi có thể được cấp thẻ nếu có nhu cầu.
Tại Điều 23 quy định về cấp thẻ căn cước cho người dưới 06 tuổi. Người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước cho người dưới 06 tuổi thông qua cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng định danh quốc gia. Không thu nhận thông tin nhận dạng và sinh trắc học đối với người dưới 6 tuổi.
Luật bổ sung một đối tượng áp dụng là người gốc Việt Nam nhưng chưa rõ quốc tịch, đang sinh sống, làm việc trên đất nước Việt Nam, sẽ được cấp giấy chứng nhận căn cước. Đây là giấy tờ tùy thân chứa đựng thông tin về căn cước của người gốc Việt Nam, chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam từ 6 tháng trở lên; có giá trị trong thực hiện các giao dịch, quyền và lợi ích hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam.
Một điểm mới đáng chú ý là thông tin trên thẻ căn cước có sự thay đổi. Trên thẻ căn cước sẽ không có thông tin quê quán, nơi thường trú, vân tay, đặc điểm nhận dạng; thay vào bằng thông tin nơi đăng ký khai sinh và nơi cư trú. Điều này tạo thuận lợi hơn cho công dân trong quá trình sử dụng thẻ căn cước, bảo đảm tính riêng tư.
Về cấp căn cước điện tử, mỗi công dân Việt Nam được cấp 01 căn cước điện tử. Cơ quan quản lý căn cước Bộ Công an tạo lập ngay sau khi công dân hoàn thành thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 02 (VNeID). Căn cước điện tử sử dụng để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác.
Luật Căn cước cũng bổ sung quy định thu thập thông tin sinh trắc học. Theo đó, thu nhận thông tin sinh trắc học mống mắt đối với công dân từ đủ 06 tuổi trở lên khi thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước. Thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp khi thực hiện thủ tục cấp căn cước.
Thẻ căn cước sẽ tích hợp các thông tin bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác. Người dân đề nghị tích hợp thông tin vào thẻ căn cước khi có nhu cầu hoặc khi thực hiện việc cấp thẻ căn cước.
Luật Căn cước 2023 quy định rõ không bắt buộc người dân phải đổi từ thẻ căn cước công dân sang thẻ căn cước. Người dân sử dụng thẻ đang còn thời hạn, nếu không có nhu cầu đổi thẻ thì vẫn tiếp tục sử dụng thẻ căn cước công dân bình thường; khi đến hạn mới phải đổi thẻ. Vì vậy, Luật Căn cước có hiệu lực từ ngày 01/7/2024 sẽ không có xáo trộn đáng kể trong việc cấp và quản lý thẻ căn cước.
Hiện nay, tỉnh Bắc Kạn đang tích cực ứng dụng dữ liệu về dân cư, căn cước công dân, định danh và xác thực điện tử trên các lĩnh vực. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền Luật Căn cước đến người dân trên địa bàn. Hầu hết các ngân hàng đều đã sử dụng chức năng tích hợp thông tin cá nhân thông qua mã QR code trên căn cước công dân (CCCD) của khách hàng để đối chiếu thông tin cá nhân. Ngành Y tế triển khai mô hình "Khám chữa bệnh sử dụng CCCD và VNeID". Tính riêng tháng 5, có gần 30.900 lượt công dân sử dụng CCCD gắn chip thay bảo hiểm y tế trong khám, chữa bệnh. Công an tỉnh và Công an các huyện, thành phố đã rà soát và cấp CCCD cho 100% học sinh học lớp 9, lớp 12 để ứng dụng CCCD, dữ liệu lịch sử thường trú phục vụ thi tốt nghiệp THCS, THPT, tuyển sinh đại học, cao đẳng...
Với những ưu việt, Luật Căn cước 2023 là một bước đột phá trong đổi mới quản lý dân cư, nâng cao hiệu quả, giá trị sử dụng của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thẻ căn cước vào công tác quản lý nhà nước, cải cách thủ tục hành chính, đáp ứng tiến trình chuyển đổi số./.