Thạc sĩ Phạm S còn được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cấp 6 bằng Lao động sáng tạo và Cục Sở hữu công nghiệp Việt Nam cấp bằng công nhận Độc quyền giải pháp hữu ích.
Gắn bó với cây chè
Bằng Độc quyền giải pháp hữu ích được trao cho công trình nghiên cứu về kỹ thuật ghép cây chè.
Phạm S đã ghép cành (ngọn) các giống chè chất lượng cao vào gốc các giống chè có bộ rễ cọc (khả năng chịu hạn cao) trên những vùng đất dốc không có khả năng tưới nước để tạo ra cây chè ghép năng suất và chất lượng cao, khả năng chịu hạn tốt, khắc phục tình trạng chè chết hàng loạt do hạn hán.
Hội đồng Khoa học Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận đây là ứng dụng mới trong kỹ thuật nhân giống chè và cho triển khai ứng dụng nhân giống theo chương trình của Bộ.
Đề tài Lai tạo giống chè cành cao sản LĐ-97 (năng suất trên 20 tấn/ha) đã được Tổng LĐLĐVN tặng bằng Lao động sáng tạo. Đây là một trong những giống chè có chất lượng đã phát triển trên 1.000 ha tại Lâm Đồng, Gia Lai và Nghệ An.
Tổng đội TNXP 8 Nghệ An cũng đã định hướng đến 2010 sẽ trồng 1.000 ha giống chè này. Đáng lưu ý là, trong lịch sử 40 năm phát triển cây chè ở Lâm Đồng (thủ đô chè ở các tỉnh phía Nam) chỉ có 2 giống chè cao sản được công bố: Năm 1965, một kỹ sư người Pháp ở Trung tâm Nông nghiệp Pháp công bố giống chè cao sản TB 14 và bây giờ là giống LĐ-97 của nhà nghiên cứu Việt Nam.
Lạc sang thế giới các loại hoa
Trả lời câu hỏi về đề tài mới nhất của mình, nhà nghiên cứu chè khiến chúng tôi ngạc nhiên khi tiết lộ đã lạc sang thế giới của các loài hoa dại.
Hoa Thân thiện không chỉ đẹp, quý hiếm mà còn rất đa dụng: Vừa để trang trí nội thất hoặc trồng làm cây cảnh trên đường phố, công viên vừa là dạng hoa cắt cành ngắn ngày có thể canh tác nhiều vụ trong năm để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Mặt khác, cây có khả năng kháng sâu bệnh tốt, có thể canh tác ngoài đồng chứ không phải trồng trong nhà kính hay nhà lưới rất phù hợp với điều kiện tài chính của nông dân Việt Nam.
Do đó, Thạc sĩ Phạm S đã và đang tiến hành thu thập nguồn gen, nghiên cứu nhân nhanh cây giống và tạo giá thể để trồng hoa.
Anh tâm sự: Mặc dù có điều kiện khí hậu đất đai thuận lợi cho việc trồng hoa, song phần lớn hoa sản xuất hàng hóa ở Đà Lạt (Lâm Đồng) có xuất xứ nhập nội, chưa có nhiều giống hoa bản địa.
Bởi thế, chưa tạo được thương hiệu hoa đặc sắc, có giá trị thương mại cao cho vùng đất được mệnh danh là xứ sở các loài hoa của Việt Nam.
Trăn trở vì điều đó, từ năm 2004, vào dịp nghỉ lễ và những ngày cuối tuần, anh lặn lội chốn rừng sâu núi thẳm để săn những giống hoa độc đáo. Một buổi chiều tháng 5/2005, tại rừng chồi bên bờ suối, anh phát hiện loài cây có chiều cao chừng 40cm, thân thảo dạng hình xoắn tự nhiên, cành và lá hài hòa, lạ mắt.
Khi được mang về chăm sóc trong vườn nhà, cây sinh trưởng nhanh, ra hoa nhiều với cánh hoa màu trắng, nhụy màu vàng nhạt. ThS Phạm S đặt tên cho loài hoa này là Thân thiện.
Hướng dẫn chúng tôi tham quan vườn thực nghiệm, anh nói: Điểm quan trọng và khác biệt của cây Thân thiện so với nhiều loại hoa khác là trên mỗi đài hoa có nhiều hoa.
Thời gian nụ hoa đầu tiên bắt đầu nở cho đến khi nụ cuối cùng nở bung kéo dài từ 28-32 ngày. Đường kính mỗi hoa cũng khá lớn (từ 6-8 cm). Cho đến khi hàng chục đóa hoa đều héo tàn thì đài hoa vẫn duy trì màu đỏ rực tạo cho cây dáng vẻ vừa dịu dàng vừa mãnh liệt.
Sở dĩ đài hoa có thời gian tươi và đỏ kéo dài tới 60 ngày là do có hàm lượng kali và canxi cao (kết quả phân tích của Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt).
Qua nghiên cứu nhiều tài liệu về chủng loài, đa dạng sinh học, di truyền thực vật ; trao đổi trực tiếp các nhà khoa học và doanh nghiệp có nhiều giống hoa; đối chiếu với hàng ngàn giống hoa và cây cảnh đã được công bố, thạc sĩ Phạm S xác định, đây là loại cây hoàn toàn mới chưa từng được phát hiện trên thế giới.
Anh đã làm hồ sơ để bảo hộ giống cây Thân thiện và đăng ký sở hữu trí tuệ thương hiệu xuất xứ nhằm đảm bảo quyền tác giả.