Thừa nhận mình đi sau trong phát triển các mô hình trồng cây ăn quả, song nhờ tinh thần học hỏi, sự nhạy bén, mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm, cùng sự chăm chỉ, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất đã giúp ông Đinh Duy Lý ở thôn Khuổi Nằn 2, thị trấn Yến Lạc, huyện Na Rì vươn lên top đầu về thu nhập từ phát triển mô hình cây ăn quả.
Vườn cây ăn quả của gia đình ông Đinh Duy Lý. |
Ông Đinh Duy Lý ở xã Văn Lang (Na Rì). Trước đây gia đình làm nghề buôn bán nhỏ nhưng do công việc không được thuận lợi nên đến năm 1995, sau khi mua được 4.500m2 đất của người dân ở thôn Khuổi Nằn 2, cả gia đình đã chuyển đến sinh sống. Khu đất này nằm khá sâu trong rừng, chưa có đường, chưa có điện, vì thế cuộc sống vốn đã khó nay còn khó hơn. Do không có vốn để làm kinh tế nên ban đầu gia đình ông làm ruộng, trồng ngô, trồng cam, quýt rồi kết hợp với đánh bắt cá, tôm bán để mưu sinh nhưng cuộc sống vẫn rất khó khăn, thiếu thốn.
Nhận thấy chất đất phù hợp với cây cam, quýt, ông đã bắt đầu trồng quanh nhà. Nhưng những năm đầu, do chưa có kinh nghiệm, nên đậu quả ít, chất lượng không tốt, sản phẩm chỉ bán quanh ở địa phương với giá rẻ.
Không nản chí, ông tiếp tục tìm cây giống, tích cực tìm hiểu về kỹ thuật trong cách trồng, chăm sóc và vun xới cho khu vườn, bằng cách tự đi học hỏi các mô hình các tỉnh bạn cũng như tìm hiểu thêm qua các kênh thông tin như: Đọc qua sách, báo, ti vi… Những cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao. Ý tưởng chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng bắt đầu từ đó.
Ông Đinh Duy Lý trao đổi kinh nghiệm trồng cây cam Đường Canh. |
Vốn là người có niềm đam mê trồng cây ăn quả, năm 2013, qua lời giới thiệu, ông Lý được biết đến cây cam Đường Canh nên quyết định tới các nhà vườn tại tỉnh Hưng Yên để tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Mặc dù biết đây là cây trồng có giá trị kinh tế cao nhưng lại khó chăm sóc, song ông mạnh dạn mua giống về ươm trồng thử nghiệm trên mảnh đất này. Do phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng nên cây phát triển rất tốt, cho năng suất và sản lượng cao, được nhiều người tiêu dùng biết đến. Từ đó, gia đình ông tập trung đầu tư mở rộng diện tích, học hỏi kinh nghiệm từ tỉnh bạn và các phương tiện truyền thông về kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh…
Càng làm càng có thêm nhiều kinh nghiệm, sản phẩm cam Đường Canh của ông được người tiêu dùng ưa chuộng. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, đến năm 2015, ông đã đầu tư vốn để thành lập Hợp tác xã trồng cây ăn quả thôn Khuổi Nằn 2 với 4 thành viên, ông là Giám đốc Hợp tác xã. Tuy nhiên, hiện nay, Hợp tác xã gặp một số khó khăn về vấn đề nhân công và người quản lý. Với những nỗ lực không mệt mỏi trong một thời gian dài, mô hình cây ăn quả của ông Đinh Duy Lý được nhiều cơ quan, đơn vị và người nông dân trên địa bàn tỉnh đến tận nơi để tham quan, học hỏi, ông cũng sẵn lòng hướng dẫn, chia sẻ những kinh nghiệm của mình cho bà con. Hợp tác xã cũng đã có sản phẩm cam Đường Canh được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh xếp hạng 3 sao.
Những ngày cuối năm 2021, đưa chúng tôi thăm mô hình trồng cây ăn quả đúng dịp các tư thương đang tất bật thu mua cam Đường Canh, bưởi tại vườn. Ông chia sẻ: Vụ cam Đường Canh năm nay tôi bán được 35 tấn thu về khoảng 700 triệu đồng, chưa tính các cây hoa quả khác sẽ được bán vào dịp Tết Nguyên đán 2022 cũng sẽ đem lại một khoản thu nhập khá.
Ông Đinh Duy Lý nhận được nhiều Bằng khen của các cấp, ngành. |
Với tinh thần học hỏi, nhạy bén, mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm, cùng sự chăm chỉ, khoa học trong phát triển kinh tế. Ông Đinh Duy Lý đã nhận được nhiều thành tích khen thưởng như: Giấy khen của Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bắc Kạn vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua xây dựng phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2018 - 2020; Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi” năm 2020. Hợp tác xã trồng cây ăn quả thôn Khuổi Nằn 2 được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì đã có thành tích tiêu biểu trong thực hiện Đề án “Mỗi xã phường một sản phẩm” OCOP tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2018 - 2020…
Trong thời gian tới, ông chia sẻ sẽ tiếp tục chuyển toàn bộ diện tích trồng bưởi sang cam Đường Canh, bởi ông nhận thấy phần lớn người dân ưa chuộng cam Đường Canh hơn các giống cam, quýt truyền thống có vị chua, và hiệu quả kinh tế cây cam Đường Canh mang lại lớn hơn nhiều các cây trồng khác.../.
D.K