Nhà thơ Hoàng Trung Thông đã viết trong bài thơ Bài ca vỡ đất: “Bàn tay ta làm nên tất cả/Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Lời thơ ấy thật đúng với vợ chồng anh Đặng Phụ Hiền ở bản Nà Vài, xã Xuân La (Pác Nặm).
Từ hai bàn tay với những dụng cụ thô sơ nhất, hai vợ chồng anh đã xây dựng được công trình thủy lợi xuyên qua núi, đưa nước về đồng ruộng, giúp bản Nà Vài có cuộc sống ấm no. Vợ chồng anh thật sự là một tấm gương tiêu biểu về học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ.
Đã hơn 5 năm kể từ khi vợ chồng anh Hiền bắt tay vào khởi công công trình thủy lợi đặc biệt ở Nà Vài. Cũng đã từng ấy năm, câu chuyện của vợ chồng anh được biết tới trở thành tấm gương cho biết bao người học tập. Chúng tôi quay trở lại Nà Vài vào những ngày đầu tháng 5/2016 để chứng kiến đổi thay trên bản người Dao này từ khi có công trình thủy lợi cũng như thay đổi trong nếp nghĩ, cách làm của người dân khi chứng kiến hiệu quả, giá trị công trình thủy lợi của hai vợ chồng anh Đặng Phụ Hiền.
Trước khi có công trình thủy lợi của vợ chồng anh Đặng Phụ Hiền thì diện tích đất canh tác của cả bản không có nước, việc trồng lúa gặp rất nhiều khó khăn, phụ thuộc nước trời. Mỗi năm chỉ trông chờ vào một vụ lúa và một vụ ngô nên cuộc sống của cả bản Nà Vài luôn lam lũ, bữa no bữa đói. Còn giờ đây, dưới ánh nắng tháng 5 này, những ruộng lúa đang thì xanh tốt, hứa hẹn một vụ bội thu. Tất cả là nhờ nguồn nước từ công trình thủy lợi của vợ chồng anh Hiền. Nước về đầy ắp phục vụ sinh hoạt và sản xuất.
Những thửa ruộng bậc thang lúa nước xanh tốt nhờ có nước canh tác từ công trình thủy lợi của anh vợ chồng anh Đặng Phụ Hiền. |
Khu vực nhà anh Hiền sinh sống không có điện lưới nhưng thật kinh ngạc khi dẫn tôi lên nhà anh đã cắm điện thắp sáng. Anh cười: Điện máy phát mini sử dụng nước từ công trình thủy lợi của tôi đấy. Xung quanh nhà anh là những thửa ruộng bậc thang xanh màu lúa nước, rồi có cả một ao cá nhỏ, điều chẳng ai nghĩ ở trên triền đồi cao này lại có nước để mà nuôi cá.
Anh Hiền cho biết: Từ khi hoàn thành công trình thủy lợi, đến nay, gia đình anh và nhiều gia đình khác trong thôn đã sản xuất được hai vụ lúa/năm. Vụ xuân trung bình gia đình anh thu được 40 bao thóc; vụ mùa thu được 35 bao nhờ đó đủ ăn và có cả thóc bán để trang trải. Anh cũng đã trang bị một máy cày bừa để tăng sức sản xuất. Đặc biệt, từ khi có nước về, anh đã khai phá thêm được 12 thửa ruộng bậc thang.
Anh Hiền đã sắm một máy cày bừa để phục vụ mở rộng canh tác lúa nước. |
Anh Đặng Phụ Sơn, người dân trong thôn chia sẻ: Nhờ công trình thủy lợi của anh Hiền mà gia đình anh cũng đã sản xuất lúa được hai vụ, đời sống khấm khá hẳn lên. Trong khi đó, Trưởng thôn Triệu Văn Pu thì khẳng định chắc nịch: Học tập gương anh Hiền, sắp tới sẽ vận động bà con sống ở khu bên cạnh tiến hành đào mương dẫn nước từ công trình thủy lợi của gia đình anh Hiền về để khai phá ruộng cấy lúa nước.
Nhắc lại câu chuyện cách đây hơn 5 năm, ở bản vùng sâu heo hắt này, mặt bằng chia cắt, ruộng nương dốc đứng, nước chính là nguồn sống của bản. Bao năm trời bản Nà Vài lam lũ vì không có cách nào tìm được nguồn nước trong địa hình đồi núi như vậy. Thiên nhiên càng như thách đố vì cách đó gần 3 km có một khe suối nước chảy quanh năm, nhưng không ai nghĩ được cách nào để dẫn nước về.
Đoạn qua hầm xuyên đồi đã được xây dựng cửa thu nước dẫn qua ống thép dài 60m. |
Anh Hiền là người luôn trăn trở, rồi quyết định vận động bà con chung sức đào đắp công trình thủy lợi dẫn nước về. Nhiều đoạn phải đào sâu hàng mét, men theo sườn núi, những đoạn trũng thấp phải gánh đá ở chỗ khác về đắp; có đoạn vướng đá núi không đào được phải bắc máng dẫn bằng thân cây móc vòng qua.
Sau một tháng, bà con trong bản bỏ cuộc, vợ chồng anh cũng định bỏ cuộc theo. Nhưng nghĩ đến cảnh gia đình không đủ ăn, hai vợ chồng lại động viên nhau kiên trì đào đắp bằng đôi bàn tay với dụng cụ thô sơ.
Đặc biệt, tuyến mương chạy xuyên qua một quả đồi với chiều dài khoảng 60 mét. Chỉ riêng đoạn hầm này đã phải mất hơn 3 tháng mới có thể đào thông. Chưa có công trình thuỷ lợi nào ở Bắc Kạn lại đặc biệt như ở đây: Không có thiết kế và bản vẽ, mương thuỷ lợi hơn 2,5km và một đường hầm thuỷ lợi đào xuyên đồi chỉ bằng xà beng và cuốc xẻng. Cả bản ngỡ ngàng khi dòng nước xối xả chảy về, cánh đồng khô khát Nà Vài bật lên sức sống mới.
Anh Hiền nhớ lại: Công trình này tự mình thiết kế và đào đắp. Khó nhất là đoạn đào xuyên quả đồi. Để đào hầm từ hai đầu quả đồi vào mà không bị lệch nhau anh đã kỳ công vắt dây định hướng trên đỉnh đồi xuống rồi đào theo.
Hệ thống mương dẫn nước bằng đất đắp trước đây đã được kiên cố hóa bằng bê tông. |
Đổi thay rõ nhất bên cạnh những thửa ruộng bậc thang xanh lúa nước là chính sự thay đổi ở công trình thủy lợi của anh Hiền. Toàn bộ mương dẫn đã được bê tông hóa, dòng nước trong mát quanh năm. Đoạn qua đường hầm xuyên đồi nay đã được lắp đặt ống thép. Đập dâng nước cũng được xây dựng chắc chắn. Hình ảnh những đoạn thân cây móc dẫn nước vòng tránh đá núi đã được thay bằng ống dẫn kiên cố. Đồng chí Triệu Thị Chầm – Chủ tịch UBND xã Xuân La cho biết: Từ nguồn vốn 3PAD, công trình thủy lợi của anh Hiền đã được kiên cố hóa theo đúng tuyến mà anh đã thi công. Nhờ đó, nước về nhiều hơn và không bị thất thoát giúp bà con thôn Nà Vài yên tâm phát triển sản xuất.
Anh Hiền không nói văn hoa về công trình thủy lợi của mình. Nhưng những lời anh nói chắc nịch như con dao chém vào thân gỗ rắn khó rút khó lay. Khi cả bản đã bỏ cuộc thì vợ chồng anh vẫn quyết tâm làm để có được kết quả như ngày hôm nay. Anh thật sự là một điển hình về học tập và làm theo lời Bác.
Phó Bí thư Đảng ủy xã Xuân La, Dương Văn Chung chia sẻ: Chúng tôi coi công trình thủy lợi của anh Hiền là công trình "lịch sử" ở xã Xuân La này. Tinh thần, nghị lực của vợ chồng anh được đánh giá cao và đã được nhiều cấp biểu dương, khen thưởng. Từ công trình thủy lợi của anh Hiền, khó khăn trong sản xuất của người dân thôn Nà Vài đã giảm hẳn. Thông qua các cuộc họp, sinh hoạt tổ chức đoàn thể, đảng ủy xã luôn chú trọng chỉ đạo tuyên truyền về người thật, việc thật của gia đình anh Hiền để mọi người học tập noi theo.
Chúng tôi rời bản Nà Vài. Con đường ra trung tâm xã vẫn còn nhiều gập ghềnh nhưng lòng tràn đầy niềm tin. Bởi nơi bản xa xôi này có tấm gương sáng của vợ chồng anh Đặng Phụ Hiền cho chúng ta thấy nghị lực và sức mạnh của con người, khi đã gắn bó với thiên nhiên, với nơi mình định cư, họ sẽ vượt qua khó khăn để xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Vợ chồng anh Đặng Phụ Hiền đã chứng minh: “Bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”./.
Tuấn Sơn