Na Rì tập trung nguồn lực xử lý “điểm nóng” về sạt lở sớm ổn định đời sống và công tác cho các đơn vị, địa phương

BBK - Bằng kinh phí hỗ trợ của tỉnh và huy động các nguồn lực khác, huyện Na Rì đang tập trung khắc phục hậu quả thiên tai, nhất là những vị trí “nóng” về sạt lở, những công trình bị hư hỏng nặng để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản và tạo sự yên tâm cho các cơ quan, đơn vị, người dân yên tâm làm việc, sinh sống.

z6012276964527-21a1f065aafe9eec0a9032e6be302c49.jpg
Đơn vị thi công khẩn trương xử lý điểm sạt lở tại thôn Khu Chợ, xã Xuân Dương.
Video thi công xử lý sạt lở thôn Khu Chợ, xã Xuân Dương.

Hơn 10 ngày qua khi đơn vị thi công đưa máy móc đến xử lý khu vực sạt lở taluy dương phía sau nhà 10 gia đình thuộc thôn Khu Chợ, xã Xuân Dương khiến bà con hết sức vui mừng. Do ảnh hưởng của nhiều đợt mưa lớn, đặc biệt là cơn bão Yagi đã khiến taluy dương phía sau các hộ dân sạt lở, đe dọa an toàn tính mạng và tài sản của người dân. Trong suốt những ngày bị ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão Yagi, cấp ủy, chính quyền địa phương yêu cầu các hộ dân di dời đồ đạc và không ngủ tại nhà.

Chị Đoàn Thị Hương, người dân thôn Khu Chợ cho biết: Sống trong nhà mà đất từ đồi sạt vào tận chân tường nên cả gia đình lúc nào cũng lo lắng, sợ hãi, việc kinh doanh, buôn bán ảnh hưởng rất nhiều. Những ngày qua đơn vị thi công đến múc đất, xử lý sạt lở, không riêng gia đình tôi mà bà con nằm trong khu vực nguy hiểm cũng thấy nhẹ cả người”.

Theo thông tin từ UBND huyện Na Rì cho biết, phương án xử lý điểm sạt lở tại thôn Khu Chợ là hót đất sạt, cắt cơ giảm tải. Kinh phí thực hiện khoảng 500 triệu đồng lấy từ nguồn dự phòng ngân sách huyện, dự kiến thi công trong 20 ngày.

di-roi2-585x439.jpg
Huyện Na Rì chọn phương án vận động, hỗ trợ các hộ dân nằm trong khu vực công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai thôn Nà Thác, xã Xuân Dương di dời đến nơi an toàn.

Ngày 26/8/2024, UBND tỉnh công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với khu vực sạt lở đất tại thôn Nà Thác, xã Đổng Xá (Na Rì). Phía sau nhà các hộ dân là taluy dương có 02 vị trí bị sạt lở khoảng 50m3 đất, đá; phía sau taluy là sườn đồi cao khoảng 100m đang trồng cây keo nhỏ, độ dốc lớn, có nhiều vết nứt rộng 30cm, có cung trượt dài trên 50m, chiều sâu vết nứt có điểm quan sát được khoảng 1m dọc theo đường khai thác gỗ do người dân tự mở giữa sườn đồi; phạm vi ảnh hưởng tính theo chiều dài khoảng 150m. Sau khi khảo sát và tính toán sơ bộ, nếu thực hiện phương án xử lý sạt lở tại chỗ thì kinh phí rất lớn nên chính quyền địa phương chọn vận động và hỗ trợ 05 hộ dân nằm trong khu vực bị ảnh hưởng di dời đến nơi ở mới. Đã có 03 hộ đồng ý di dời với nguồn lực hỗ trợ của Ủy ban MTTQ và nguồn theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, mức hỗ trợ 30 triệu đồng/hộ. Đối với 02 hộ còn lại, cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục vận động để người dân di dời đến nơi ở an toàn.

Cùng với hai khu vực trên, Trạm Y tế, trụ sở Công an xã Quang Phong, trụ sở Công an xã Cư Lễ cũng bị sạt lở với khối lượng đất đá lớn không bảo đảm an toàn trong quá trình làm việc. Ngoài ra, còn nhiều công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học và trụ sở làm việc một số xã cũng bị thiệt hại do mưa bão. Để sớm khắc phục thiệt hại, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho cán bộ, công chức, người dân, huyện Na Rì chủ động sử dụng các nguồn lực sẵn có, đồng thời đề nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí để huyện xử lý. Huyện Na Rì đang bố trí 1,5 tỷ đồng từ nguồn hỗ trợ của tỉnh để xử lý đất đá sạt lở vào Trạm Y tế, trụ sở Công an xã Quang Phong và trụ sở Công an xã Cư Lễ.

z6014768882243-dcd9f6798d7120d40ea366cd99d03f85.jpg
Điểm sạt lở trên đèo Áng Toòng (Quốc lộ 3B) thuộc địa phận xã Côn Minh (Na Rì) đang được xử lý.

Đồng chí Lương Thanh Lộc, Phó Chủ tịch UBND Na Rì cho biết: Ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi) gây thiệt hại khá nặng nề về hạ tầng thiết yếu cũng như sản xuất nông – lâm nghiệp trên địa bàn huyện. Ngay khi thiên tai qua đi, huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn và cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn huy động nhân lực, nguồn lực để khắc phục sản xuất và hạ tầng thiết yếu. Đặc biệt là đối với những khu dân cư nằm trong vùng đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai, những công trình bị hư hỏng nặng huyện ưu tiên bố trí nguồn lực để khắc phục, sửa chữa. Phương châm của huyện chỉ đạo là bảo đảm an toàn tính mạng của cán bộ, công chức, người dân, khắc phục nhanh nhưng trên tinh thần tiết kiệm, việc gì cấp thiết ưu tiên thực hiện trước. Nhờ đó, đến nay về cơ bản các điểm “nóng” về sạt lở, những công trình giao thông, thủy lợi, trụ sở làm việc của các đơn vị, địa phương, trường học đã và đang được sửa chữa, khắc phục./.

Xem thêm

Video

Đọc báo in