Cuối năm 2023, qua rà soát, bình xét, gia đình chị Hà Thị Vân, thôn 2 Khau Cưởm, xã Sỹ Bình (Bạch Thông) đã ra danh sách hộ nghèo. Kết quả này là nỗ lực vươn lên của gia đình và nguồn lực hỗ trợ Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN (Chương trình MTQG). Khi gia đình chị Vân đăng ký thoát nghèo, cấp ủy, chính quyền địa phương giao cho các hội, đoàn thể và lãnh đạo thôn theo dõi giúp đỡ phát triển kinh tế, ưu tiên tham gia các mô hình sản xuất theo chuỗi và cộng đồng. Theo đó, năm 2023, gia đình chị được hỗ trợ tham gia chuỗi giá trị trồng khoai tây, vay vốn Ngân hàng CSXH 70 triệu đồng để mở rộng diện tích trồng hồi, cải tạo hồi đã già cỗi. Thoát khỏi danh sách hộ nghèo, gia đình chị Vân vẫn tiếp tục được Nhà nước hỗ trợ nuôi trâu sinh sản trong năm 2024 để tạo lực cho gia đình vươn lên thành hộ khá.
Huyện Bạch Thông có dân số hơn 32.000 người, trong đó đồng bào các DTTS chiếm 87%. Để tạo sinh kế bền vững và giúp người dân giảm nghèo, huyện sử dụng các nguồn lực từ các chương trình MTQG đầu tư kết cấu hạ tầng, hỗ trợ thực hiện các chuỗi liên kết giá trị từ cây trồng, vật nuôi có thế mạnh của địa phương. Nhờ đó, số hộ nghèo đa chiều của huyện giảm nhanh, cuối năm 2021 còn 30,9% (nghèo 20,6%, cận nghèo 10,3%) đến hết năm 2023 còn 20,15% (nghèo 11,98%; cận nghèo 8,17%), bình quân mỗi năm giảm 5,3%.
Đồng chí Nông Văn Nguyên, Bí thư huyện uỷ Na Rì khẳng định: Chăm lo toàn diện các mặt đời sống vùng đồng bào DTTS&MN luôn được các cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm thực hiện, trong đó có công tác giảm nghèo. Kết quả là từ năm 2019 đến nay, bình quân hằng năm huyện giảm được trên 3% hộ nghèo. Trong thời gian tới huyện sẽ tiếp tục nỗ lực trong giảm nghèo với những giải pháp cụ thể, cùng sự vào cuộc tích cực hơn của cả hệ thống chính trị.
Được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự nỗ lực của các đơn vị, địa phương, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Từ năm 2022 đến nay, tỉnh đã phân bổ vốn để đầu tư xây dựng 54 công trình cơ sở hạ tầng tại các huyện nghèo; hỗ trợ triển khai 263 dự án phát triển sản xuất với 6.193 hộ, trong đó hộ nghèo, cận nghèo chiếm trên 73%; tổ chức 115 lớp đào tạo nghề cho lao động với 3.849 người; hỗ trợ đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết và các thủ tục để đi làm việc ở nước ngoài cho 324 lao động; tổ chức 75 phiên giao dịch việc làm, ngày hội việc làm, hội nghị tư vấn giới thiệu việc làm, trong đó 223 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, cơ sở đào tạo đăng ký tham gia và tuyển dụng lao động, 2.504 lao động được hỗ trợ tư vấn, định hướng nghề nghiệp…
Không chỉ có nguồn vốn từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững mà nguồn lực từ Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới cũng đóng góp quan trọng vào công tác giảm nghèo ở mỗi địa phương. Các cấp, ngành tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; thực hiện hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho các hộ nghèo có khó khăn về nhà ở cho 3.111 hộ, kinh phí hỗ trợ hơn 137 tỷ đồng. Với nhiều giải pháp chính sách đồng bộ và sự cố gắng nỗ lực của các cấp, các ngành, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 27,37% năm 2020 xuống còn 21,95% vào năm 2023, giảm bình quân 2,3%/năm; công tác giảm nghèo tại các huyện nghèo đạt bình quân 2,35%/năm; tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS năm 2022 giảm 2,6%, năm 2023 giảm 3,45%.
Phát biểu tại Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Bắc Kạn lần thứ IV tổ chức vào ngày 19/10 vừa qua, đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nhấn mạnh: Công tác dân tộc, chính sách dân tộc đã góp phần nâng cao mọi mặt đời sống của đồng bào các DTTS tỉnh Bắc Kạn, củng cố niềm tin của đồng bào với Đảng, Nhà nước. Điều này được dẫn chứng qua những số liệu cụ thể, trong đó có tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh trung bình 2,3%/năm. Kết quả này sẽ là cơ sở, động lực để toàn tỉnh tiếp tục thực hiện tốt hơn công tác giảm nghèo, cũng như chăm lo đời sống cho người dân vùng đồng bào DTTS&MN trong thời gian tới./.