Hưởng ứng ngày Thế giới phòng, chống đái tháo đường 14/11 năm 2024

Nâng cao nhận thức về bệnh đái tháo đường

BBK - Ngày Thế giới phòng, chống đái tháo đường được thành lập bởi Liên đoàn Đái tháo đường Quốc tế (IDF) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Ngày này được khởi xướng tổ chức lần đầu tiên vào 14-11-1991. Từ đó, hằng năm, IDF và WHO lấy ngày 14-11 hưởng ứng ngày đái tháo đường thế giới, nhằm nâng cao nhận thức toàn cầu về đái tháo đường, các biến chứng.

z6030500282099-5a0cb1ca589f38b898a8b67f784bde2a.jpg
Khám, tư vấn, chăm sóc sức khỏe cho người dân tại Trung tâm Y tế huyện Chợ Mới

Ngày Đái tháo đường thế giới còn đánh dấu ngày sinh của Sir Frederick Banting - thiên tài đằng sau việc phát hiện ra insulin vào năm 1921 cùng với Charles Best. Đó một phương pháp điều trị cứu sống bệnh nhân đái tháo đường vào năm 1922.

Năm 2024, chủ đề của Ngày thế giới phòng, chống đái tháo đường là: “Hiểu nguy cơ của bạn để phòng bệnh”. Thông điệp nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiểu rõ nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, từ đó có những biện pháp phòng ngừa kịp thời.

Theo WHO bệnh đái tháo đường là một trong những bệnh mạn tính phổ biến nhất trên thế giới, đang gia tăng nhanh chóng và trở thành một vấn đề sức khỏe chung của cộng đồng cần đặc biệt quan tâm. Theo số liệu của Liên đoàn đái tháo đường thế giới, năm 2021 số người mắc bệnh đái tháo đường trên toàn cầu ở con số 537 triệu người. Dự đoán số người mắc bệnh sẽ tăng lên 643 triệu vào năm 2030 và tới mức 783 triệu vào năm 2045.

Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, nước ta có khoảng gần 7 triệu người mắc đái tháo đường, trong đó có 55% bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 đã xuất hiện biến chứng về tim mạch, về mắt, thần kinh và về thận. Biến chứng đái tháo đường không chỉ làm gia tăng chi phí y tế mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống...

Tại Bắc Kạn, hằng năm các đơn vị y tế trong tỉnh, đã tổ chức khám, sàng lọc, tư vấn kiến thức cơ bản của bệnh đái tháo đường và các biến chứng có thể xảy ra do mắc bệnh đái tháo đường, nhằm phát hiện sớm, quản lý, điều trị kịp thời cho người bệnh ngay tại cộng đồng.Theo số liệu của Sở Y tế Bắc Kạn, hiện số người mắc bệnh đái tháo đường đang được quản lý, điều trị tại các cơ sở y tế là trên 3.000 bệnh nhân. Riêng trong 10 tháng đầu năm 2024, ngành Y tế đã tổ chức khám sàng lọc trên 63.000 người có yếu tố nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, phát hiện số bệnh nhân mới tiền đái tháo đường là 715 bệnh nhân; số bệnh nhân bị mắc mới đái tháo đường là 381 bệnh nhân.

z6030502662170-b9bf9fba668c1b0659189eaf5edb2e43.jpg
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh kiểm tra, hướng dẫn triển khai mô hình quản lý bệnh đái tháo đường tại trạm y tế xã trên địa bàn huyện Chợ Mới.

Đái tháo đường ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và thiệt hại đến kinh tế của mỗi gia đình và toàn xã hội. Với mục đích kêu gọi mỗi gia đình, mỗi người dân cần thường xuyên quan tâm kiểm tra sức khỏe; có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, rèn luyện thể lực phù hợp để bảo vệ và nâng cao sức khỏe. Việc kiểm tra phát hiện sớm bệnh đái tháo đường có ý nghĩa rất quan trọng nhằm kịp thời tư vấn, hướng dẫn chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp để giảm tiến triển đến đái tháo đường.

Để phòng ngừa bệnh đái tháo đường, mỗi người dân hãy tìm đến bác sĩ hoặc các cơ sở y tế gần nhất để tầm soát bệnh qua kiểm tra đường huyết. Nếu không may mắc bệnh thì hãy tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ. WHO gửi thông điệp đơn giản để phòng ngừa bệnh đái tháo đường đó là: Không hút thuốc lá; ăn nhạt, nhiều rau xanh, đủ lượng kali, nhiều cá, ít mỡ động vật; hạn chế uống cà phê, bia rượu hoặc các đồ uống có cồn; duy trì cân nặng chuẩn BMI; rèn luyện thể lực mức độ trung bình (30 phút mỗi ngày như: đi bộ nhanh, đi xe đạp, chạy, chơi bóng bàn, bơi, khiêu vũ...)./.

Xem thêm

Video

Đọc báo in