Hội thảo tìm giải pháp triển khai phân loại, xử lý chất thải rắn

BBK - Chiều 12/11, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo trao đổi về công tác triển khai phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Hướng tới mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường.

22.jpg
Đồng chí Nguyễn Văn Minh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường phát biểu khai mạc hội thảo.

Tham dự hội thảo có đại diện Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường); đại diện một số sở, ban ngành của tỉnh; các đơn vị trực thuộc sở; lãnh đạo phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thành phố.

11.jpg
Hội thảo đã dành thời gian để các đại biểu thảo luận, đóng góp ý kiến.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh phát sinh khoảng 154 tấn chất thải rắn sinh hoạt/ngày, trong đó: Đô thị khoảng 74 tấn/ngày; nông thôn khoảng 80 tấn/ngày. Chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, vận chuyển đi xử lý tại 08 khu xử lý được đầu tư từ ngân sách nhà nước. Công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay chủ yếu là công nghệ đốt kết hợp chôn lấp hợp vệ sinh, chế biến phân bón vi sinh, tái chế phế liệu. Tuy nhiên, hiện nay các khu xử lý ở một số địa phương cơ sở hư hỏng lò đốt, không thể xử lý được.

33.jpg
Quang cảnh buổi hội thảo.

Theo Khoản 7, Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, quy định đến ngày 31/12/2024, chất thải rắn sinh hoạt phải được phân loại tại nguồn thành 03 loại: (1) Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; (2) Chất thải thực phẩm; (3) Chất thải rắn sinh hoạt khác.

Tại hội thảo các đại biểu đã tham gia ý kiến đóng góp trong đó tập trung vào những nội dung, giải pháp cụ thể như: Sớm tham mưu để cấp có thẩm quyền ban hành định mức mức kinh tế - kỹ thuật việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt để làm cơ sở cho các địa phương định giá tối đa áp dụng đối với chủ đầu tư, cơ sở thu gom, vận chuyển và xử lý, định giá cụ thể đối với cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, cụm công nghiệp, hộ gia đình, cá nhân ... để tổ chức thực hiện. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến các tổ chức, cá nhân để nâng cao nhận thức, chủ động và chấp hành việc phân loại rác, xử lý chất thải rắn đúng quy định./.

Xem thêm

Video

Đọc báo in