Thịt lợn là món ăn phổ biến trong bữa ăn hằng ngày của mọi gia đình, thế nhưng từ khi xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, cùng với tình trạng kinh doanh, vận chuyển lợn không rõ nguồn gốc diễn ra hằng ngày khiến người tiêu dùng không khỏi lo lắng, e ngại khi mua. Trước thực trạng đó, nhiều người đã chuyển sang ăn thịt bò, trâu, gà, cá, trứng… thay vì ăn thịt lợn hằng ngày vì lo mua phải thịt lợn bệnh.
Chị Vũ Thị Kim Oanh, ở tổ 17, phường Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn cho biết: "Gần mười ngày nay, gia đình tôi chưa ăn thịt lợn vì sợ mua phải lợn dịch, chủ yếu chuyển sang ăn cá, gà, dê, thịt bò, trứng… tăng cường ăn nhiều rau xanh”.
Tại chợ Đức Xuân, trung tâm TP. Bắc Kạn những ngày này, các hộ kinh doanh cho biết tốc độ tiêu thụ thịt lợn giảm hẳn, một số hộ phải tạm dừng kinh doanh vì lấy thịt về bán sợ ế, tồn. Điều này hoàn toàn đúng với tâm lý hiện tại của phần đông người tiêu dùng. Ai ra chợ cũng mong muốn tìm hàng thịt lợn "chuẩn", nhưng chỉ có thể quan sát bằng mắt thường hoặc gửi gắm niềm tin vào người bán.
Là chủ hộ kinh doanh giò chả, nem chua ở tổ 12, phường Sông Cầu, chị Lê Thị Tươi, chủ cơ sở giò chả Tươi Tuyền cho biết: “Mỗi ngày chúng tôi phải sử dụng hàng tạ thịt lợn về làm giò chả nên cũng rất thận trọng trong việc lựa chọn nguyên liệu. Chúng tôi chủ yếu lấy thịt từ nơi có uy tín, nguồn gốc rõ ràng. Theo tôi thịt lợn ngon là khi cầm lên không có mùi, màu sắc thịt đỏ tươi, không thâm, bạc màu”.
Theo những người kinh doanh thịt lợn lâu năm, khâu chọn lợn để giết mổ rất quan trọng. Theo đó cần quan sát chọn con lợn khỏe mạnh, phàm ăn, di chuyển linh hoạt, đuôi thường xuyên ngoe nguẩy, kêu to khi đói. Còn lợn ốm do dịch tả lợn châu Phi sẽ ủ rũ, bỏ ăn, phân có mùi hôi.
Cách phân biệt lợn khỏe mạnh và lợn bệnh
Với lợn khỏe, khi mổ ra, màu sắc thịt sắc đỏ tươi, mỡ trắng sáng, không mùi hôi, hoi, da không có đốm, các vết khác thường.
Còn đối với lợn bệnh, thịt có màu lạ như thâm xám, đỏ thâm, xanh nhạt, nếu chạm tay thấy nhớt đó là lợn ôi hoặc đã mắc bệnh. Ngoài ra người dân có thể kiểm tra độ đàn hồi của thịt, lấy ngón tay ấn vào miếng thịt không bị lõm, không bị dính hay rỉ nước thì đó là lợn khỏe mạnh.
Mặc dù lợn dịch tả châu Phi tái bùng phát mạnh nhưng với tinh thần “Không ngăn sông, cấm chợ”, hoạt động mua bán, vận chuyển, tiêu dùng thịt lợn sạch vẫn phải tiến hành nhằm phục vụ nhu cầu ăn uống, phát triển kinh tế của người dân. Tuy nhiên cần có sự kiểm soát, quản lý chặt chẽ của ngành chức năng về các hoạt động mua bán, vận chuyển, hoạt động giết mổ.
Người mua thực phẩm cần nâng cao ý thức, thông thái trong việc lựa chọn thực phẩm an toàn, ăn chín uống sôi, mua lợn thịt có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng; lên án, tố cáo các hành vi cố tình vận chuyển lợn ốm, lợn bệnh đi tiêu thụ, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng./.