Khuyến khích các hình thức liên kết sản xuất bền vững

BBK - Để hình thành các vùng hàng hóa kinh tế tập trung, giúp người dân thay đổi tư duy, cách làm, vươn lên làm giàu, tỉnh Bắc Kạn luôn dành nguồn lực ưu tiên cho các cá nhân, chủ thể tham gia vào hoạt động sản xuất liên kết, chế biến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

khoai tay.jpg
Thu hoạch khoai tây trồng theo hình thức liên kết tiêu thụ sản phẩm của HTX Nam Cường (huyện Chợ Đồn) trong vụ đông xuân năm 2023-2024.

Vụ đông xuân năm 2023- 2024, HTX Nam Cường, xã Nam Cường, huyện Chợ Đồn đã thực hiện thành công dự án liên kết trồng khoai tây vụ đông. Dự án có diện tích khoảng 40ha, sản lượng bình quân đạt 15-17 tấn/ha, HTX đã thu về 600 tấn củ, giá trị mang lại hơn 3 tỷ đồng, tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn, góp phần nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích. Toàn bộ sản phẩm đều được HTX liên kết, vận chuyển tiêu thụ về Nhà máy chế biến ở Bắc Ninh, Bắc Giang.

Để có kết quả đó, dự án nhận đã được sự ủng hộ, đồng lòng từ cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia vào hoạt động liên kết sản xuất, tự nguyện góp công, tư liệu sản xuất cùng nhau thực hiện.

Tương tự như Chợ Đồn, năm 2023, huyện Bạch Thông cũng đã triển khai thành công hơn 30ha cây khoai tây vụ đông tại các xã Sỹ Bình, Mỹ Thanh theo hình thức liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm. Dự án được hỗ trợ từ 70% giống, vật tư từ chương trình MTQG phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nên đã tạo động lực để bà con tham gia. Sản phẩm sau khi trồng đã được doanh nghiệp tiêu thụ với giá 8.000 đồng/kg, nhiều hộ đã có thu nhập khá chỉ sau 3 tháng trồng. Hiệu quả từ việc liên kết trồng củ khoai tây là tiền đề giúp địa phương duy trì vùng sản xuất ở những vụ sau.

Mặc dù chưa tiếp cận nguồn vốn của Nhà nước nhưng HTX Cao Kỳ, huyện Chợ Mới chuyên về trồng, thu mua mơ đã có những cách làm phù hợp để nhân rộng vùng mơ. HTX đã tự bỏ vốn hỗ trợ giống, phân bón cho các hộ dân, mở rộng vùng liên kết trồng mơ tại xã Hòa Mục với quy mô 45ha. Hiện nay, diện tích trồng mới cây mơ đang phát triển tốt, dự kiến 2 năm nữa sẽ cho thu hoạch rộ, kỳ vọng sẽ tạo nên vùng mơ hàng hóa chất lượng cho huyện Chợ Mới nói riêng và tỉnh Bắc Kạn nói chung, qua đó khẳng định thương hiệu, giá trị của cây mơ. Vào mùa mơ năm 2024, HTX Cao Kỳ đã tiêu thụ quả mơ cho bà con đạt 300 tấn với giá thu mua bình quân 8.000-12.000 đồng/kg.

duoc lieu.jpg
Dự án liên kết trồng dược liệu của HTX Quỳnh Trang, xã Đồng Thắng, huyện Chợ Đồn hứa hẹn có nhiều triển vọng.

Có thể thấy, những năm qua, nguồn lực lớn nhất mà tỉnh dành cho các hoạt động phát triển sản xuất là Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 với 3 chương trình lớn gồm: Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.

Từ năm 2021 đến năm 2024 có 598 dự án đi vào thực hiện, trong đó có 111 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị; 487 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng. Trong số các dự án triển khai, nhiều dự án bước đầu đã mang lại kết quả, mở ra triển vọng phát triển như: Dự án liên kết trồng khoai tây ở Bạch Thông; Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị lợn bản địa của HTX Tạ Anh, xã Mỹ Phương (huyện Ba Bể); Dự án liên kết trồng dược liệu của HTX Quỳnh Trang; dự án hồng không hạt của HTX Tân Phong (huyện Chợ Đồn); Dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị dong riềng của HTX Tài Hoan, xã Côn Minh (huyện Na Rì)…

các dự án đã tạo việc làm, nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân, khích lệ các cá nhân, tổ chức mạnh dạn tham gia vào các hoạt động liên kết, liên vùng hàng hóa, phát huy được nội lực, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển.

Xem thêm

Video

Đọc báo in