Sau khi rời quân ngũ trở về địa phương, phát huy lợi thế về diện tích đất đồi anh Cao Thịnh Hữu, thôn Bản Vén, xã Đôn Phong (Bạch Thông) cùng gia đình tích cực trồng rừng. Đến nay, gia đình anh sở hữu 10ha rừng trồng nhiều lứa tuổi. Để nâng cao giá trị kinh tế từ rừng và góp phần tạo việc làm cho người dân địa phương, năm 2021 anh Hữu đứng ra vận động thành lập Hợp tác xã (HTX) Hữu Son, với 7 thành viên. Khi mới thành lập, HTX tập trung sản xuất hạt cườm, tạo việc làm cho 15 lao động địa phương. Hết năm 2023, HTX thống nhất chuyển đổi ngành nghề kinh doanh sang chăn nuôi hỗn hợp gồm nuôi dúi và nuôi gà.
Anh Cao Thịnh Hữu, Giám đốc HTX Hữu Son cho biết: Việc liên kết sản xuất sẽ giúp cho nhiều hộ dân trên địa bàn có việc làm, thu nhập. HTX cung cấp con giống, hỗ trợ tập huấn khoa học kỹ thuật và bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Hiện, HTX đang liên kết với 15 hộ trên địa bàn xã nuôi khoảng 1.000 con dúi. Giai đoạn này, các hộ chủ yếu tập trung gây giống, nếu thuận lợi sau vài tháng HTX có dúi thương phẩm cung cấp ra thị trường. Tháng 9/2024, HTX cũng cung cấp 3.600 con gà giống cho 16 hộ nuôi liên kết, dự kiến trong năm 2025 HTX sẽ có sản phẩm gà trống thiến. Qua thăm nắm, bà con tham gia liên kết nhiệt tình, đây sẽ là 02 sản phẩm chủ lực của HTX.
Là một trong những hộ liên kết nuôi dúi với HTX Hữu Son, chị Lý Thị Yên Thương, thôn Nà Pán, xã Đôn Phong (Bạch Thông) cho biết: Là năm thứ 2 tôi đầu tư nuôi dúi, ban đầu chỉ nuôi thử nghiệm. Qua quá trình nuôi, tôi thấy nguồn thức ăn của dúi khá đơn giản, dễ tìm như tre, ngô, mía. Đặc biệt, dúi phát triển đàn nhanh. Liên kết với HTX, gia đình tôi rất yên tâm về đầu ra của sản phẩm. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục mở rộng, nhân đàn để nâng cao nguồn thu nhập.
Sau 6 năm tham gia quân ngũ, từng có mặt tại chiến trường Campuchia khốc liệt, năm 1989 ông Hoàng Văn Thường, thôn Bản Phố, xã Cao Kỳ (Chợ Mới) hoàn thành nghĩa vụ trở về quê hương, xây dựng gia đình. Nhận thấy để phát triển kinh tế phải dựa vào lợi thế đất đồi rừng, ông đã cùng gia đình mua đất, trồng rừng. Hiện tại, gia đình ông có hơn 20ha cây lâm nghiệp, trong đó chủ lực là quế. Ngoài ra, ông còn trồng 12ha mơ. Sau 5 năm trồng, đến nay gần 5.000 gốc mơ bắt đầu cho thu hoạch. Từ việc chú trọng phát triển các mô hình nông lâm nghiệp, mỗi năm gia đình ông có doanh thu hàng trăm triệu đồng.
Không chỉ nỗ lực trong phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống, năm 2022, ông vận động người dân địa phương thành lập HTX Cao Kỳ, thu hút được hơn 40 thành viên tham gia, chủ yếu phát triển kinh tế rừng trồng. Các thành viên HTX hiện có 120ha mơ và các loại cây ăn quả, hơn 700ha cây lâm nghiệp.
Ông Hoàng Văn Thường chia sẻ: Các thành viên của HTX đa phần trồng quế, còn lại trồng mơ và cây lâm nghiệp khác. Chúng tôi phấn đấu tạo thành vùng nguyên liệu cây quế và mơ tại địa phương. Qua đó, nâng cao giá trị kinh tế từ rừng, giúp các thành viên HTX cuộc sống ngày càng ổn định, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Đến nay, toàn tỉnh có 15 HTX và 01 tổ hợp tác do hội viên Hội Cựu chiến binh làm chủ, nhờ đó đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.
Để tạo động lực cho hội viên có nguồn vốn phát triển kinh tế, các cấp Hội đã làm tốt công tác ủy thác với Ngân hàng Chính sách Xã hội. Hiện, tổng dư nợ nguồn vốn vay hơn 600 tỷ đồng với trên 8.000 hộ vay. Trong 5 năm (2019 – 2024) các cấp Hội phối hợp tổ chức tập huấn chăn nuôi, trồng trọt cho trên 3.000 lượt hội viên.
Ông Triệu Văn Ngô, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Bắc Kạn: Với phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, hội viên Hội Cựu chiến binh trong tỉnh đã vượt khó, vươn lên phát huy tiềm năng, thế mạnh, tranh thủ nguồn lực và chính sách hỗ trợ của Trung ương, địa phương để xây dựng, phát triển mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp, có hiệu quả kinh tế cao.
Tiếp tục phát huy kết quả đạt được, các cấp Hội Cựu chiến binh phối hợp với ngành chuyên môn tổ chức nhiều lớp tập huấn cho hội viên về kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi ngành nghề phù hợp để phát triển sản xuất. Tuyên truyền, vận động hội viên áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ theo hướng sản xuất hữu cơ, chất lượng, an toàn. Đặc biệt là huy động nhiều hình thức vay vốn để giúp hội viên đầu tư phát triển kinh tế, giảm nghèo./.