Hợp tác xã thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP

BBK - Là địa phương giàu tiềm năng về nông, lâm nghiệp, các HTX ở Chợ Mới luôn chú trọng phát triển các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là các sản phẩm OCOP từ Chương trình "Mỗi xã, phường một sản phẩm". 
Chợ Mới tăng cường nâng cao chất lượng sản phẩm chè.

Chợ Mới tăng cường nâng cao chất lượng sản phẩm chè.

Hiện nay trên địa bàn huyện Chợ Mới có 69 hợp tác xã, trong đó có 55 HTX nông nghiệp, 14 HTX phi nông nghiệp. Các HTX nông nghiệp chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi.

Những năm qua, huyện đã tạo điều kiện cho các HTX hoạt động, tiếp cận với những chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa của tỉnh và của Chính phủ; định hướng phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng liên kết. Khuyến khích các tổ hợp tác, hợp tác xã thực hiện liên kết sản xuất để kết nối bao tiêu sản phẩm, từ đó mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên HTX và Nhân dân trên địa bàn.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới cho biết: Để nâng cao chất lượng các sản phẩm nông nghiệp, mở rộng quy mô vùng nguyên liệu, tạo ra các sản phẩm nông sản sạch, chất lượng... huyện đã lựa chọn HTX Thanh niên Như Cố thực hiện Chương trình cải tạo và sản xuất 10ha chè theo hướng VietGap theo chương trình của Sở Khoa học công nghệ; lựa chọn HTX Thanh niên Như Cố và HTX An Thịnh thị trấn Đồng Tâm thực hiện mô hình ứng dụng công nghệ cao, xây dựng nhà lưới trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp từ nguồn vốn Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, do Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh chủ trì.

Bên cạnh đó, HTX Hợp Thành, xã Thanh Vận được Dự án CARE Quốc tế và tổ chức ADC - Đại học Nông lâm Thái Nguyên hỗ trợ kỹ thuật, máy móc, trang thiết bị, nhà xưởng và kết nối thị trường. Hợp tác xã nông nghiệp Thái Lạo, HTX Chè Shan tuyết Bản Cháo – Yên Cư, Tát Vạ - Yên Hân được Dự án CHIASE hỗ trợ về kỹ thuật, nhà xưởng, máy móc, thiết bị sao sấy chè. HTX Mai Lạp được hỗ trợ máy móc thiết bị chế biến măng khô. HTX Đoàn Kết được hỗ trợ máy sấy mơ. HTX Nông nghiệp sạch Tân Sơn được hỗ trợ nhà sấy năng lượng mặt trời...

Chú trọng chỉ đạo phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, các cây trồng chủ lực để xây dựng thương hiệu sản phẩm, tham gia Chương trình OCOP... đến nay huyện Chợ Mới có 22 sản phẩm OCOP đạt 3 sao, trong đó có các sản phẩm chủ lực, đặc hữu của huyện như: Chè Shan tuyết, hoa hồi sấy khô, ô mai mơ, mướp đắng rừng, gạo nếp nương, măng khô, mật ong, bún khô, chè xanh... Những sản phẩm OCOP đã đạt được chỉ đạo duy trì, nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô sản xuất để tạo ra sản phẩm với số lượng lớn, đáp ứng yêu cầu thị trường.

Thực hiện Nghị quyết 08 và Nghị quyết 01 của HĐND tỉnh, huyện Chợ Mới triển khai thực hiện 04 dự án liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Trong đó, Dự án phát triển chăn nuôi gắn với liên kết bao tiêu sản phẩm gia cầm, do HTX Linh Ngọc làm chủ trì dự án thực hiện trong 03 năm (2020 - 2022), đến nay duy trì tổng đàn trung bình từ 2.500 - 3.000 con gia cầm/lứa. Dự án liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm mướp đắng rừng, do Hợp tác xã Thanh Niên Như Cố chủ trì thực hiện trong 03 năm (2021 - 2023), hiện duy trì diện tích và thương hiệu sản phẩm OCOP trà mướp đắng rừng.

Dự án liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm mơ vàng, do HTX Đoàn kết chủ trì thực hiện năm 2021 để cải tạo và thâm canh 20ha cây mơ vàng. Hiện nay HTX duy trì 02 sản phẩm OCOP chế biến từ quả mơ. Dự án Liên kết chăn nuôi gắn với tiêu thụ sản phẩm vịt bầu cổ xanh thương phẩm, do Hợp tác xã Thanh Mai chủ trì thực hiện trong 03 năm (2021- 2023), duy trì tổng đàn 3.000 con vịt/năm.

Từ sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền, huyện Chợ Mới đã vào tốp những địa phương có nhiều sản phẩm OCOP trong tỉnh. Hầu hết các sản phẩm OCOP của huyện đều có chỗ đứng trên thị trường, từng bước góp phần phát triển ngành nông nghiệp bền vững, tạo việc làm cho hàng trăm thành viên HTX và người lao động tham gia sản xuất nông nghiệp./.

Xem thêm

Video

Đọc báo in