Hoàn thiện quy định về chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt

BBK- Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 37, chiều 26/9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

Quang cảnh phiên họp cho ý kiến về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) chiều 26/9. (Ảnh: DUY LINH)
Quang cảnh phiên họp cho ý kiến về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) chiều 26/9. (Ảnh: DUY LINH)

Sau 16 năm thực hiện, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần định hướng sản xuất, tiêu dùng, ổn định nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, qua tổng kết, đánh giá, bên cạnh kết quả đạt được, nhiều quy định của Luật hiện hành đã bộc lộ những bất cập, hạn chế.

Việc sửa đổi, bổ sung Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm đáp ứng những yêu cầu từ thực tiễn phát sinh, tạo môi trường pháp luật thống nhất và đồng bộ áp dụng trong nền kinh tế, khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành; phù hợp với xu hướng cải cách thuế tiêu thụ đặc biệt của các nước.

Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) gồm 4 Chương, 12 Điều, bám sát theo 7 nhóm chính sách.

Mục đích ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) là nhằm hoàn thiện quy định về chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt để mở rộng cơ sở thu (như bổ sung vào đối tượng chịu thuế đối với nước giải khát có đường, áp dụng thuế hỗn hợp đối với thuốc lá, tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia...), bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện luật nhằm góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản lý thuế trong phòng, chống trốn thuế, thất thu và nợ thuế, bảo đảm thu đúng, thu đủ vào ngân sách nhà nước, bảo đảm ổn định nguồn thu ngân sách nhà nước.

Việc sửa đổi, bổ sung những quy định tại luật cũng là để góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, môi trường và điều tiết tiêu dùng của xã hội phù hợp xu hướng cải cách thuế của các nước cũng như thực hiện cam kết quốc tế./.

Xem thêm

Video

Đọc báo in