Những năm qua, huyện Pác Nặm đã được hỗ trợ, tạo điều kiện triển khai các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Trong đó, dự án Hỗ trợ sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, người dân tự đối ứng một phần kinh phí, đã và đang phát huy hiệu quả rõ nét.
Gia đình anh Hoàng Văn Bình, thôn Khâu Đấng, xã Bộc Bố là một trong những hộ cận nghèo được hỗ trợ từ Chương trình 30a tham gia dự án mua trâu, bò vỗ béo, với phương thức người dân tự mua, Nhà nước nghiệm thu thanh quyết toán theo định mức hỗ trợ. Anh Bình đã đối ứng 10 triệu đồng để mua 3 con trâu về nuôi theo hình thức nuôi sinh sản và đầu tư chuồng trại, trồng cỏ để có nguồn thức ăn. Theo anh Bình, sau hơn một năm nuôi, đàn trâu sinh trưởng và phát triển tốt, sang năm đã có thể có bán được.
Nhờ được hỗ trợ, nhiều hộ gia đình ở thôn Tân Hợi, xã An Thắng đã đầu tư, phát triển đàn trâu, bò. |
Tương tự, anh Hoàng Văn Vè, thôn Tân Hợi, xã An Thắng cũng được hỗ trợ 10 triệu đồng để mua trâu. Sau khi bàn với gia đình, anh quyết định đến chợ bò xã Nghiên Loan chọn con trâu có thân hình và vóc dáng có thể lớn nhanh để nuôi theo hình thức vỗ béo. Ngoài phần hỗ trợ, anh phải đối ứng thêm gần 10 triệu đồng để mua con trâu có giá trị gần 20 triệu đồng. Anh Vè cho biết: Hơn 1 năm nay, gia đình đã thực hiện được nhiều lứa, chỉ nuôi khoảng 3 tháng là xuất bán và nuôi lứa mới, bình quân từ 3 đến 5 con/lứa, mỗi con cũng được lãi từ 1 đến 1,5 triệu/tháng. Từ hình thức chăn nuôi trâu vỗ béo gia đình đã có thêm thu nhập, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Pác Nặm, từ năm 2015 đến nay, thông qua các chính sách hỗ trợ sản xuất của Chương trình 135, 30a, huyện đã hỗ trợ mua trâu, bò giống sinh sản cho gần 1.700 hộ nghèo và cận nghèo; thực hiện 47 dự án cải tạo đàn trâu, bò sinh sản và 23 dự án vỗ béo trâu, bò với gần 1.000 hộ dân hưởng ứng tham gia. Qua theo dõi, hầu hết các hộ tham gia dự án có tinh thần trách nhiệm cao, thực hiện đúng cam kết ban đầu, sử dụng nguồn vốn hỗ trợ đúng mục đích. Đặc biệt, ngoài nguồn hỗ trợ của dự án, các hộ tự góp vốn đối ứng mua giống, xây chuồng trại, mua thức ăn chăn nuôi với số tiền hàng trăm triệu đồng. Để tránh rủi ro trong chăn nuôi, trước khi mua trâu, bò, các hộ tham gia dự án đều được tập huấn kỹ thuật làm chuồng, trồng cỏ, chọn giống, tiêm phòng cho gia súc, cách chế biến, bảo quản thức ăn…
Đồng chí Dương Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Công Bằng chia sẻ: Trong 5 năm qua, trên địa bàn xã đã thực hiện hỗ trợ người dân mua trâu, bò sinh sản và vỗ béo với số tiền đã thực hiện hỗ trợ gần 5 tỷ đồng từ các Chương trình 30a, 135, xây dựng nông thôn mới… Người dân cũng phải đối ứng một phần do định mức hỗ trợ cho hộ nghèo không quá 15 triệu/hộ, cận nghèo không quá 12 triệu/hộ. Như vậy, để mua một con trâu, bò, ngựa tốt, có khả năng sinh trưởng, phát triển nhanh thì bà con phải đối ứng, tùy khả năng của từng hộ. Thông thường, các hộ đối ứng từ 2 - 5 triệu. Việc hỗ trợ này đã góp phần đưa nhiều hộ thoát nghèo, những hộ cận nghèo tiếp tục có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế.
Theo đánh giá của lãnh đạo huyện Pác Nặm, việc đối ứng và tự đối ứng trong hỗ trợ giảm nghèo là cách làm hay, hiệu quả góp phần nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống cho người dân. Ngoài ra còn khắc phục được tư tưởng trông chờ, ỷ lại của người dân vào sự hỗ trợ của Nhà nước; huy động được các nguồn lực của người dân, từ đó có trách nhiệm hơn trong việc phát triển con giống, đầu tư chăm sóc để đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hộ, từ chỗ được hỗ trợ nay đã vươn lên và tự tổ chức chăn nuôi có quy mô và duy trì đàn vật nuôi có chất lượng.../.
Văn Lạ