Hiệu quả từ Nghị quyết 08 ở Chợ Mới

Năm 2019, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Tại huyện Chợ Mới, thông qua chính sách hỗ trợ, một số dự án được triển khai bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, tăng tính liên kết, tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

Nhờ được hỗ trợ theo Nghị quyết 08, HTX Linh Ngọc, xã Cao Kỳ bước đầu ổn định đầu ra cho sản phẩm gia cầm.
Nhờ được hỗ trợ theo Nghị quyết 08, HTX Linh Ngọc, xã Cao Kỳ bước đầu ổn định đầu ra cho sản phẩm gia cầm.

Với những lợi thế về nông - lâm nghiệp và chăn nuôi, huyện Chợ Mới xác định đây là lĩnh vực quan trọng trong phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế tập thể, hợp tác xã. Bên cạnh việc phát huy nội lực của người dân, Nghị quyết 08/2019/HĐ-HĐND của HĐND tỉnh (gọi tắt là Nghị quyết 08) về hỗ trợ sản xuất nông nghiệp ở Chợ Mới bước đầu mang lại hiệu quả.

Là một trong 04 hợp tác xã được hỗ trợ theo Nghị quyết 08, đến nay Hợp tác xã Linh Ngọc, xã Cao Kỳ có bước phát triển khả quan. Đây là HTX được thành lập từ năm 2019 với 2 sản phẩm chính là mật ong rừng và gà thả đồi. Ban đầu, khó khăn nhất của HTX là khâu tiêu thụ, giải quyết đầu ra. Tuy nhiên, nhờ liên kết trong chăn nuôi, xây dựng thương hiệu sản phẩm, đến nay HTX đã mang lại thu nhập ổn định cho các thành viên. Khi mô hình có kết quả khả quan, trong năm 2021, HTX này đã được hỗ trợ hơn 270 triệu đồng theo Nghị quyết 08 để tiếp tục nâng cao hiệu quả của chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. 

Bà Nông Thị Liệu- Giám đốc Hợp tác xã Linh Ngọc cho biết: Nhờ được hỗ trợ từ Dự án liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm gia cầm nên việc đầu tư cũng như tiêu thụ sản phẩm của HTX bước đầu ổn định, phát triển sản xuất, tạo ra sản phẩm bán ra thị trường. Đến nay, việc chăn nuôi gà thả vườn đã tạo nên hoạt động sinh kế ổn định và có nguồn thu nhập khá.

Theo báo cáo của UBND huyện Chợ Mới, đến nay trên địa bàn huyện đã thực hiện 04 dự án liên kết theo chuỗi, lựa chọn dựa trên nhu cầu, tiềm năng và khả năng của các đơn vị làm chủ đầu tư và các thành viên liên kết như: Liên kết, tiêu thụ mơ vàng, mướp đắng rừng. Ngoài ra, huyện cũng đang hoàn thiện hồ sơ hỗ trợ các sản phẩm sản xuất theo chuỗi liên kết và tiêu thụ như vịt bầu cổ xanh. Khác với một số chính sách trước đây, khi tham gia mô hình, dự án, người dân hay các HTX sẽ được cấp kinh phí, con giống mà chưa quan tâm đến vấn đề tiêu thụ, thì Nghị quyết 08 sẽ chỉ hỗ trợ sau khi các mô hình đã triển khai và chủ yếu hỗ trợ cho khâu tiêu thụ sản phẩm. Đây là cách làm phù hợp, đảm bảo tính bền vững trong phát triển nông - lâm nghiệp, đồng thời phát huy được nội lực, tinh thần trách nhiệm của người dân với nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước.

Sau hơn 03 năm triển khai nghị quyết trên ở Chợ Mới, bước đầu đã có kết quả tích cực. Tuy nhiên, thực tế vẫn có những khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến lập hồ sơ và định mức hỗ trợ của dự án.

Trong 3 năm (2021 - 2023), HTX Thanh Mai, xã Thanh Mai sẽ nuôi khoảng 15.000 con vịt bầu cổ xanh theo Dự án "Liên kết chăn nuôi gắn với tiêu thụ sản phẩm vịt bầu cổ xanh bản địa”.

Trong 3 năm (2021 - 2023), HTX Thanh Mai, xã Thanh Mai sẽ nuôi khoảng 15.000 con vịt bầu cổ xanh theo Dự án "Liên kết chăn nuôi gắn với tiêu thụ sản phẩm vịt bầu cổ xanh bản địa”.

Đồng chí Nguyễn Văn Hùng- Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới cho biết: Bên cạnh những kết quả đạt được thì trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 08 ở địa phương còn gặp những khó khăn, vướng mắc nhất định như: Định mức hỗ dự án cho phát triển chăn nuôi gia súc rất thấp, trong khi quy định quy mô lớn, vì vậy định mức hỗ trợ 300 triệu đồng/dự án là không phù hợp. Việc thực hiện lập hồ sơ dự án của các chủ đầu tư còn nhiều lúng túng, chất lượng tư vấn hồ sơ chưa cao; văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị quyết còn nhiều nội dung chưa thống nhất, dẫn đến việc chỉ đạo triển khai thực hiện còn nhiều vướng mắc. Dịch bệnh Covid-19 cũng là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng đến đầu ra của sản phẩm theo chuỗi liên kết... Huyện đã kiến nghị điều chỉnh bổ sung và nâng mức hỗ trợ cho việc mua máy móc thiết bị chế biến nông sản công nghệ cao, đặc biệt là hỗ trợ chăn nuôi gia súc theo hướng giảm quy mô và tăng mức hỗ trợ cho các dự án này.

Với sự năng động, linh hoạt trong cách nghĩ, cách làm, đến nay sản xuất nông - lâm nghiệp và chăn nuôi của huyện Chợ Mới đã có nhiều khởi sắc, từng bước khẳng định là trụ cột, tạo động lực phát triển kinh tế ở địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh việc phát huy nội lực, người dân, các HTX cũng cần sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa từ các chương trình, dự án được đầu tư bài bản, đúng cách, đúng nhu cầu thực tiễn đặt ra. Từ đó, mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn./.

Lý Dũng

Xem thêm

Video

Đọc báo in