Nói đến phát triển mô hình HTX kiểu mới, sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng, nhiều người biết đến chị Nguyễn Thị Hồng Minh- Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Thành ở thôn Tân Thành, xã Nông Thượng (TP. Bắc Kạn).
Bén duyên với củ nghệ Bắc Kạn
Chị Nguyễn Hồng Minh sinh ra và lớn lên ở Đông Triều (Quảng Ninh), học chuyên nghiệp tại Trường Lâm nghiệp I Trung ương tại Quảng Ninh, chuyên ngành kỹ thuật lâm sinh. Như một mối lương duyên đã định sẵn, chị lấy chồng là người Dao đỏ học cùng lớp với mình quê ở thôn Tân Thành, xã Nông Thượng (TP. Bắc Kạn). Năm 2000, chị theo chồng lên Bắc Kạn sinh sống, lúc đó trong bản Tân Thành còn chưa có điện, đường giao thông đi lại khó khăn. Lên Bắc Kạn sống với đồng bào người Dao và không xin được vào làm việc đúng ngành đã học, chị xin vào dạy mầm non tại thôn Tân Thành.
Nhưng lúc đó lương thấp không đủ trang trải cuộc sống gia đình, năm 2002 chị cùng chồng chuyển vào Đắk Nông xin vào làm tại Dự án đầu tư trồng rừng kinh tế. Hai vợ chồng phụ trách kỹ thuật toàn vùng dự án và được giao cắm chốt quản lý trực tiếp vùng trồng. Trải qua không biết bao khó khăn vất vả, bằng tâm huyết và nỗ lực chị đã thực hiện thành công Dự án trồng gần 400ha rừng kinh tế, làm điểm cho toàn khu vực Tây Nguyên. Khi thành công dự án, chị Minh đuợc công ty cử đi làm tiếp các dự án ở các tỉnh như Phú Yên, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum…
Khi sinh con đầu lòng, chị quyết định học tiếp sang chuyên ngành kế toán để được làm việc gần nhà và có thời gian chăm sóc con nhỏ. Năm 2008, sau khi học xong kế toán, chị được tuyển vào làm việc tại một công ty Điện lực ở Đắk Lắk. Công việc bắt đầu ổn định, nhưng gia đình chồng ở Bắc Kạn muốn hai vợ chồng về quê. Sau đó, hai vợ chồng chị lại chuyển về Bắc Kạn sinh sống.
Về Bắc Kạn, chị Hồng Minh lại chơi vơi một lần nữa vì chưa xin được việc. Đến năm 2010 chị có cháu thứ hai. Đúng như là một định mệnh đã cho chị gắn kết với quê hương Bắc Kạn. Chị Minh được mẹ về chăm sóc, các món ăn đều được mẹ cho nghệ nếp của Bắc Kạn, như dùng nghệ vào nấu cháo xương, xào thịt lợn, xào thịt gà, nấu canh gà... Sau hơn một tháng, chị thấy các dấu hiệu rất tốt, da dẻ bắt đầu trắng trẻo và hồng hào hơn, các vết sạm nám thì mờ dần.
Lúc này chị vui mừng và thấy được tác dụng thần kỳ của củ nghệ nếp Bắc Kạn. Ấp ủ một ngày nào đó sẽ làm một việc gì đó có cây nghệ nếp của Bắc Kạn. Lúc đó chưa thể có điều kiện, chị đã dùng máy xay sinh tố để làm thủ công các sản phẩm về nghệ nếp để bản thân và gia đình mình sử dụng, chị gửi về quê làm quà biếu. Mọi người dùng thấy rất tốt thỉnh thoảng lại nhắn gửi về, tiếng lành đồn xa... Chị bén duyên với củ nghệ nếp từ đó.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tham quan gian hàng của HTX Nông nghiệp Tân Thành. |
Tạo ra sản phẩm Vàng trong làng nông nghiệp
Đến năm 2015, chị Minh kết hợp với hai người khác, thành lập tổ hợp tác, mở một nhà xưởng nhỏ và sản xuất tinh bột nghệ với máy móc còn bán thủ công. Năm 2016 mình chị đã đứng ra tự sản xuất và tuyển thêm 02 nhân viên. Chị bắt đầu đi tìm kiếm thị trường cho cây nghệ nếp Bắc Kạn, nơi nào có thị trường chị tìm đến, đến ngày 19/05/2017, HTX Nông nghiệp Tân Thành được thành lập.
Với tư cách là Giám đốc, người chèo lái con thuyền HTX, chị bắt đầu mở rộng thêm thị trường, đi học hỏi kinh nghiệm của các đơn vị bạn, lên mạng nghiên cứu tìm tòi, gặp các nhà khoa học để thu lượm kiến thức vận dụng vào sản xuất và khắc phục những nhược điểm của các đơn vị làm nghệ đi trước. Đồng thời mở rộng diện tích trồng cây nghệ nếp Bắc Kạn. Từ chỗ chỉ có 02 sản phẩm, đến nay HTX đã sản xuất được 16 sản phẩm từ củ nghệ nếp đỏ và củ nghệ nếp đen của Bắc Kạn. Từ đó sản phẩm đã được đưa đi khắp nơi, được nhiều người tiêu dùng biết đến.
Bản thân chị là một người tiêu dùng, luôn quan niệm sản xuất là luôn luôn phải đặt an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng sản phẩm lên hàng đầu, giữ lòng tin, uy tín với người tiêu dùng và các đối tác. Đồng thời liên kết với người dân trồng nghệ, tìm kiếm mở rộng thị trường. Với những nỗ lực của chị, HTX đạt bước phát triển khả quan. Năm 2017 doanh thu của HTX đạt hơn 2,3 tỷ đồng, với diện tích trồng nghệ là 35ha. Năm 2018 doanh thu đạt hơn 5 tỷ đồng, diện tích trồng nghệ 62ha. Năm 2019 doanh thu đạt hơn 7 tỷ đồng. Diện tích vùng nguyên liệu nghệ là 93,7ha, trồng theo hướng hữu cơ, tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hoá học.
Bên cạnh đó, HTX còn phát triển thêm dự án trồng cây trám nếp đen ghép 30ha. Gắn với hoạt động hiệu quả là lợi ích của các thành viên trong HTX. Đến nay HTX có 09 thành viên, tạo việc làm cho trên 20 lao động của địa phương, thu nhập đạt 5 triệu đồng/người/tháng.
Hiện nay, HTX đã mạnh dạn đầu tư máy sấy công nghiệp loại lớn và 12 máy móc thiết bị khác để sản xuất an toàn và khép kín, đảm bảo ATVSTP. HTX Tân Thành đã chủ động thiết kế bao bì cho các dòng sản phẩm và đã được bảo hộ của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Sản phẩm được mang tên Sản phẩm tinh bột nghệ nếp đen Bắc Kạn; tinh bột nghệ nếp đỏ Bắc Kạn cao cấp được đóng trong lọ thủy tinh 100gam, 200 gam, 500g, 1.000g túi bạc zipper cao cấp thuận tiện cho bảo quản, sử dụng của người tiêu dùng.
Đồng thời HTX đã sản xuất tinh bột nghệ dạng viên con nhộng, viên tinh nghệ mật ong rừng đóng gói 100 viên/hộp và sấy lát nghệ. Sản phẩm tinh bột nghệ nếp của HTX được sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn từ trồng đến chế biến, đã được chứng nhận ATTP, có đầy đủ bao bì, mã vạch theo quy định; được cấp chứng nhận Sản phẩm Ocop 3 sao vào năm 2018. Hiện tại các sản phẩm nghệ nếp của HTX đã có mặt tại các tỉnh như: Đắk Lắk, Quảng Ninh, Hà Nội, Thái Nguyên, Lào Cai, Điện Biên, Thành phố Hồ Chí Minh... được các công ty xuất nhập khẩu, người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã và giá thành sản phẩm.
Sản phẩm tinh bột nghệ nếp đỏ Bắc Kạn của HTX đã vinh dự đạt giải thưởng chất lượng Vàng nông nghiệp Việt Nam, được các cấp, ngành tặng bằng khen, giấy khen. Cụ thể: Năm 2018 được UBND thành phố Bắc Kạn tặng Giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Bắc Kạn chung tay xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2018”. Bằng khen của Liên minh HTX tỉnh Bắc Kạn vì có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng và phát triển HTX. Bằng khen của UBND tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc, đóng góp tích cực trong quá trình triển khai thực hiện Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm”. Đạt giải Vàng Nông nghiệp Việt Nam năm 2019 theo Quyết định số 123 của Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam. Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vì đã có thành tích xuất sắc trong đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể năm 2018 - 2019…
Chị Nguyễn Thị Hồng Minh chia sẻ: Đến nay, hợp tác xã luôn tạo điều kiện tốt nhất cho các thành viên, ưu tiên những hộ nghèo và hộ cận nghèo; tạo việc làm cho hơn 50 lao động tại địa phương; tăng thu nhập cho hơn 300 hộ dân liên kết vùng nguyên liệu. Năm 2019, sản phẩm nghệ nếp của HTX Nông nghiệp Tân Thành đã vươn ra 14 tỉnh, thành trong cả nước và một số bạn hàng ở nước ngoài đặt đơn hàng. Trong những năm tiếp theo, HTX sẽ chủ động thay đổi phương thức sản xuất, theo hướng chuỗi giá trị nâng cao giá trị của sản phẩm, cải tiến công nghệ chế biến để nâng cao năng suất lao động, chất lượng và giảm giá thành sản phẩm.
Với định hướng phát triển đúng đắn, cùng với các chính sách hỗ trợ kịp thời của Nhà nước, HTX dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng diện tích nhà xưởng, nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm, đáp ứng đủ các tiêu chí về kho bãi, nhà xưởng để xuất khẩu. Qua đó mở rộng diện tích vùng nguyên liệu, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân bản địa; phát triển thêm các mặt hàng nông sản của địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường bền vững./.
Bích Ngọc