Hàng trăm tổ hợp tác được xây dựng và phát triển từ nguồn quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD)

BBK - Trong những năm qua, tỉnh Bắc Kạn luôn cố gắng lồng ghép, kêu gọi các nguồn lực để đầu tư hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác xã. Dự án hỗ trợ kinh doanh nông hộ tỉnh Bắc Kạn (CSSP) là dự án được tài trợ từ khoản vay của Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD).

a60d057de8ff4fa116ee.jpg
Phương thức hỗ trợ là giải pháp cho hàng trăm tổ hợp tác phát triển và phát triển thành HTX.

Phương thức hỗ trợ của dự án là không hỗ trợ 100% vốn. Mỗi tổ, nhóm sẽ được hỗ trợ một khoản vốn ban đầu, số còn lại các thành viên trong tổ phải cùng nhau đóng góp để đối ứng tạo thành quỹ chung, sau đó cho vay quay vòng mở rộng quy mô sản xuất. Điều này giúp hình thành phương thức hỗ trợ “cho cần câu thay vì cho con cá”, từ đó giúp người dân tham gia hiểu và có trách nhiệm hơn với việc sử dụng vốn để sản xuất.

Đến nay dự án đã thành lập được 622 tổ hợp tác, trong đó, có 352 tổ liên kết bằng hợp đồng với các doanh nghiệp, hợp tác xã và các đầu mối tiêu thụ sản phẩm. Trong số này, có 569/622 tổ hợp tác được tài trợ từ Quỹ Tài trợ cạnh tranh cho các tổ hợp tác (CSG) với tổng số hộ hưởng lợi là hơn 7.000 hộ và hàng trăm tổ, nhóm sở thích liên kết trực tiếp với các doanh nghiệp, hợp tác xã thông qua quỹ APIF (Quỹ Xúc tiến đầu tư kinh doanh nông nghiệp).

Việc liên kết bảo đảm tính hiệu quả và bền vững cho các tổ hợp tác, tạo sinh kế, tăng cơ hội tìm việc làm cho người dân, nhất là lao động nữ, người dân tộc thiểu số. Không những vậy, dự án còn duy trì 126 tổ tiết kiệm và vay vốn với hơn 1.000 thành viên tham gia. Tính từ đầu kỳ dự án đến nay, nguồn quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển đã thực hiện tại 81 xã, phường, thị trấn, thành lập được 463 tổ tiết kiệm và vay vốn với tổng dư nợ khoảng 50 tỷ đồng.

4e1d614365c1c29f9bd0.jpg
Mô hình chăn nuôi dê tại thôn Phiêng Lủng, xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm từ nguồn quỹ hỗ trợ.

Điển hình như tại thôn Phiêng Lủng, xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm có hơn 30 hộ đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Đất canh tác ít, chủ yếu là đất núi đá cằn cỗi, chỉ hợp trồng ngô, trồng sắn, cuộc sống bấp bênh. Thiếu đất, thiếu vốn sản xuất, do vậy 100% số hộ trong thôn vẫn là hộ nghèo và cận nghèo, Dự án hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ CSSP đã hỗ trợ người dân thành lập Tổ hợp tác nuôi dê vỗ béo Phiêng Lủng với 12 hộ tham gia. Tổ hợp tác được dự án hỗ trợ 67 triệu đồng, người dân đối ứng 23 triệu đồng. Mô hình đã góp phần tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân, giúp họ thích ứng tốt hơn với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại đây.

Với sự hỗ trợ của Dự án CSSP và Hội Nông dân xã Đức Vân huyện Ngân Sơn đã thành lập 02 THT trồng dẻ ván ở thôn Nặm Làng và Phiêng Dượng, xã Đức Vân với 28 hộ dân tham gia (trong đó, có 23 hộ nghèo và cận nghèo; thành viên nữ là 16 chiếm 57% và 96% là người DTTS). Mỗi THT đã xây dựng Quỹ quay vòng với số tiền 105 triệu đồng (do CSSP hỗ trợ 75 triệu đồng cùng 30 triệu đồng do thành viên đóng góp đối ứng) để cho các thành viên có nhu cầu vay vốn trồng dẻ ván. Nhờ đó, 02 THT đã mở rộng được diện tích trồng dẻ ván từ 0,1ha lên thành 7,5ha trong năm 2018.

Chị Bàn Thị Ngân, Giám đốc HTX Hợp Phát chia sẻ: Từ nguồn vốn hỗ trợ tổ THT trồng dẻ, tôi đã kêu gọi thành viên của 02 THT cùng nhau thành lập HTX, để có tư cách pháp nhân và năng lực tốt hơn nhằm mở rộng quy mô sản xuất, phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu; mở rộng thị trường tiêu thụ không chỉ đối với hạt dẻ ván mà còn cho nhiều loại nông sản khác của địa phương như thịt sấy khô, đào, mận. Đến năm 2020, sản phẩm hạt dẻ của HTX Hợp Phát được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

bdb3d6050687a1d9f896.jpg
Tỷ lệ thành viên tại các THT, HTX là nữ chiếm khá cao.

Đến nay, HTX Hợp Phát đã mở rộng diện tích trồng dẻ ván lên thành 50ha. Trong đó, có khoảng 10ha đã cho thu hoạch với sản lượng đạt 9,5 tạ/ha và 20ha bắt đầu cho thu hoạch. Phần lớn hạt dẻ được bán buôn ngay tại vườn cho các thương nhân địa phương với giá dao động từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng/kg và bán cho du khách đến tham quan. Trong khoảng 3 đến 5 năm tới, diện tích cho thu hoạch và sản lượng hạt dẻ sẽ tăng mạnh.

Năm 2024 là năm cuối cùng thực hiện dự án sau 7 năm triển khai trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Sau khi được gia hạn, dự án tập trung hoàn thành các công trình cơ sở hạ tầng và các hợp phần khác. Ban điều phối cũng đang thực hiện các hoạt động khảo sát, đánh giá, tài liệu hóa kết quả của dự án và tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực cần thiết cho các đơn vị liên quan nhằm bảo đảm tính bền vững sau khi dự án kết thúc./.

Xem thêm

Video

Đọc báo in