Việc chịu khó tìm tòi, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi lợn với quy mô khép kín đã giúp gia đình chị Đặng Thị Hoa ở thôn Cốc Lùng, xã Đông Viên (Chợ Đồn) có thu nhập cao mỗi năm.
Chăn nuôi lợn theo hình thức khép kín đã mang lại thu nhập ổn định cho gia đình chị Hoa. |
Tận mắt chứng kiến gia trại chăn nuôi lợn của gia đình chị Hoa mới thấy được sự nỗ lực và ý chí vươn lên trong phát triển kinh tế của người phụ nữ này. Nhiều năm làm nông nghiệ, “chạy chợ” và chăn nuôi lợn nhỏ lẻ cũng chỉ giúp gia đình chị Hoa đủ ăn chứ không khấm khá được. Năm 2015, vợ chồng anh chị bàn nhau đầu tư chăn nuôi lợn quy mô lớn hơn. Có trong tay chỉ có 50 triệu đồng tiền tiết kiệm, anh chị đã đầu tư 40 triệu đồng để xây dựng chuồng trại khép kín, kiên cố. Số tiền còn lại gia đình chị mua lợn giống về nuôi. Sau một năm, 2 lứa lợn đã được xuất chuồng với sản lượng 8 tấn, trừ hết chi phí, gia đình chị Hoa có lãi 70 triệu đồng.
Thành công ban đầu đã giúp chị Đặng Thị Hoa tiếp tục mạnh dạn mở rộng quy mô chăn nuôi. Để chủ động có nguồn giống lợn con đảm bảo, gia đình chị Hoa đầu tư nuôi 6 con lợn nái. Toàn bộ lợn con sinh ra đều được giữ lại để nuôi, chỉ khi nào vượt quá công suất chuồng trại chị mới bán lợn giống. Hiện, ngoài 6 con lợn nái, trong chuồng của gia đình có gần 50 con lợn thịt từ 15-35kg. Cứ 2 năm nuôi được 5 lứa, trừ chi phí gia đình chị Hoa thu về số tiền gần 200 triệu đồng.
Để có kỹ thuật trong việc chăm sóc phòng và chữa bệnh cho đàn lợn, chị Đặng Thị Hoa đã đăng kí tham gia học nghề chăn nuôi lợn do Hội Nông dân tổ chức ngay tại địa phương, tìm hiểu qua các phương tiện thông tin đại chúng để tích lũy thêm kinh nghiệm cho chăn nuôi lợn. Chị Hoa cho biết: Hiện tại việc phòng bệnh và chữa bệnh cho đàn lợn đã chủ động và khoa học hơn trước. Theo chị nuôi lợn không quá khó, điều cần thiết nhất là phải thực hiện tốt công tác vệ sinh, giữ cho nhiệt độ chuồng nuôi hợp lý, tránh để chuồng trại ẩm thấp, dễ phát sinh mầm bệnh… Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, gia đình chị Hoa đã xây dựng hầm khí biogas, lấy khí đốt phục vụ sinh hoạt và nguồn phân bón chăm sóc lúa, cây ăn quả.
Với quy mô hệ thống chuồng trại rộng, đảm bảo vệ sinh, thức ăn cho lợn được chế biến đúng kỹ thuật, phù hợp theo từng tháng tuổi của lợn nên đàn lợn của gia đình chị Hoa luôn khỏe mạnh, tăng trọng nhanh. Tính toán tránh rủi do trong chăn nuôi, chị Hoa lựa chọn loại cám chăn nuôi tại những công ty có thương hiệu, uy tín về chất lượng kết hợp thêm ngô, sắn, rau, thân chuối làm thức ăn chăn nuôi. Chất lượng thương phẩm tốt, nên việc tiêu thụ lợn của gia đình chị rất thuận lợi, được thương lái tìm đến tận nhà để thu mua.
Xác định chăn nuôi lợn là hướng phát triển kinh tế phù hợp với gia đình, trong thời gian tới ngoài việc duy trì tổng đàn như hiện tại, gia đình chị Đặng Thị Hoa sẽ tìm hiểu và đưa các giống lợn có hiệu quả kinh tế cao vào chăn nuôi; nhân thêm đàn lợn nái để cung cấp lợn giống cho thị trường. Dám nghĩ, dám làm, chị Hoa đã thành công với mô hình chăn nuôi lợn khép kín, từ tự cung ứng con giống đến nuôi lợn thương phẩm, là điển hình trong phát triển kinh tế để người dân địa phương tham khảo, học tập./.
Hà Nhung