Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến giữa Bộ Tài chính với các địa phương về tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài những tháng đầu năm 2024 và các biện pháp tăng cường giải ngân, được tổ chức chiều 21/5. Dự tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn có đồng chí Đinh Quang Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.
Năm 2024, các địa phương được giao tổng kế hoạch vốn là hơn 24.172 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư công là trên 9.456 tỷ đồng (53/63 địa phương), vốn vay lại là 14.716 tỷ đồng (51/63 địa phương). Tính đến 15/5/2024, tỷ lệ kế hoạch vốn các địa phương đã phân bổ và nhập Tabmis cho các dự án đối với vốn đầu tư công ngân sách Trung ương (NSTW) là 91,7% kế hoạch vốn được giao, vốn vay lại là 84,2% kế hoạch vốn được giao. Lũy kế giải ngân vốn nước ngoài của các địa phương tính đến 15/5/2024 là 5,7% kế hoạch vốn được giao (tính cho cả kế hoạch vốn cấp phát và vay lại), cao hơn cùng kỳ năm 2023 là 4,9%. Mới có 5/53 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 15%, 28/53 địa phương chưa giải ngân vốn NSTW cấp phát bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương. Tỉnh Bắc Kạn giải ngân đạt 5,24/90,38 tỷ đồng, bằng 5,8%.
Phát biểu tham luận tại Hội nghị, đồng chí Đinh Quang Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã báo cáo tiến độ giải ngân của tỉnh Bắc Kạn; những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân giải ngân vốn vay nước ngoài chậm. Đồng thời đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, tham mưu cho cấp có thẩm quyền quy định đơn giản hóa các thủ tục rút vốn nước ngoài để đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn. Tạo điều kiện, cho phép tỉnh Bắc Kạn trả nợ gốc trước hạn năm 2024 để tỉnh triển khai các dự án đã ký kết hiệp định và còn dư địa để xây dựng kế hoạch năm 2025.
Hội nghị đã đề xuất một số giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân, trong đó các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư sẽ tháo gỡ các vướng mắc kịp thời, hỗ trợ các địa phương tối đa về các thủ tục. Về phía các địa phương, cần tiến hành rà soát, đánh giá chi tiết, cụ thể về khả năng giải ngân của từng dự án, đặc biệt lưu ý các dự án có năm lập kế hoạch là năm giải ngân cuối cùng để đảm bảo đủ vốn cho các dự án, tránh việc phải gia hạn giải ngân, gia hạn thời gian thực hiện, phát sinh nhiều thủ tục hành chính./.