Để an toàn dịch bệnh cho đàn vật nuôi

BBK -  Tác động bất lợi của thời tiết, môi trường, chăn nuôi chưa bảo đảm quy chuẩn, tiêm phòng đạt thấp và những khó khăn trong công tác thú y… đã ảnh hưởng đến hiệu quả chăn nuôi. Để phát triển đàn vật nuôi của tỉnh Bắc Kạn, vấn đề cần quan tâm hàng đầu là cần đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân tiêm phòng cho đàn vật nuôi, khuyến khích chăn nuôi an toàn.
Đàn gia súc của người dân thôn Nà Bản, xã Xuân Lạc (Chợ Đồn).

Đàn gia súc của người dân thôn Nà Bản, xã Xuân Lạc (Chợ Đồn).

Dịch bệnh vẫn xuất hiện

Năm 2022, dịch tả lợn châu Phi vẫn còn xuất hiện ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh. Từ đầu năm đến ngày 15/12/2022, dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 119 hộ, 57 thôn, 30 xã, thuộc 7 huyện của tỉnh Bắc Kạn, trong đó 10 xã có dịch kéo dài từ năm 2021 sang, buộc tiêu hủy 635 con lợn mắc bệnh với trọng lượng 22.452kg. Đến nay, 26 xã công bố hết dịch tả lợn châu Phi, 04 xã đã qua 21 ngày.

Bệnh lở mồm long móng xảy ra trên đàn trâu tại thôn Thẳm Ông, xã Thượng Ân (Ngân Sơn), làm cho 18 con trâu mắc bệnh, trong đó có 06 con nghé bị chết. Bệnh dại động vật xảy ra tại thôn Bản Lắc, xã Bằng Lãng (Chợ Đồn), làm 09 con chó bị chết, tiêu hủy. Một số địa phương xuất hiện các ổ dịch nhỏ trên đàn vật nuôi như bệnh tụ huyết trùng trâu, bò, lợn; bệnh lepto ở lợn, newcastle ở gà…

Ảnh hưởng của thời tiết, rét đậm, rét hại kéo dài, kèm theo mưa... cũng khiến người chăn nuôi trong tỉnh bị thiệt hại. Tổng số gia súc bị chết rét là 433 con, gồm: 156 con trâu, 159 con nghé, 27 con bò, 30 con bê, 04 con ngựa, 44 con dê, 05 lợn nái, 08 lợn con.

Tỷ lệ tiêm phòng đạt thấp

Trong năm 2022, toàn tỉnh đã tiêm phòng bệnh lở mồm long móng trâu, bò được 61.579 con, đạt 82% kế hoạch; tiêm phòng bệnh tụ huyết trùng trâu, bò được 61.930 con, đạt 82% kế hoạch; tiêm phòng bệnh dại chó được 34.738 con, đạt 89% kế hoạch…

Ngân Sơn là huyện có tỷ lệ tiêm phòng dịch bệnh vật nuôi đợt 1 đạt thấp, cụ thể: Tiêm vắc xin lở mồm long móng trâu, bò đạt 61%; tiêm vắc xin tụ huyết trùng trâu, bò đạt 70%; tiêm vắc xin dại chó đạt 59%. Theo ông Nông Văn Hoạt, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện: Nguyên nhân là do nhiều hộ dân chưa có ý thức phòng, chống dịch bệnh và thực hiện tiêm vắc xin cho đàn vật nuôi; việc tiêm phòng chủ yếu giao cho lực lượng thú y viên cơ sở, trong khi họ còn phải kiêm nhiệm các nhiệm vụ khác, không có trình độ chuyên môn, thậm chí có xã chưa kiện toàn được nhân viên thú y.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đỗ Xuân Việt cho biết: Tiêm vắc xin giúp vật nuôi tạo ra kháng thể, nâng hệ miễn dịch để chủ động chống lại dịch bệnh. Hằng năm, lịch tiêm phòng định kỳ cho đàn vật nuôi là 02 đợt: Định kỳ đợt 1 vào tháng 3 và 4, tiêm bổ sung vào tháng 5 và 6. Sau đợt 1 sẽ tiến hành tiêm phòng định kỳ đợt 2 vào tháng 9 và 10, tiêm bổ sung vào tháng 11 và 12. Tỷ lệ tiêm phòng định kỳ mỗi đợt phải đạt tối thiểu 80% tổng số vật nuôi thì mới phát huy hiệu quả. Hạn chế, khó khăn trong công tác thú y là việc thực hiện nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế về tổ chức đấu thầu mua vắc xin, thuốc sát trùng qua mạng. Năm 2022, Chi cục đã 03 lần tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng theo Luật Đấu thầu nhưng đều không thành công. Nguyên nhân chính dẫn đến hủy thầu là do giá thẩm định các loại vắc xin, thuốc sát trùng thấp hơn nhiều so với giá trên thị trường.

Khó khăn của thú y cơ sở

Ông Liêu Nông Thành, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Chợ Rã (Ba Bể) được phân công kiêm nhiệm công tác thú y từ năm 2019. Đến nay, ông cũng đã hoàn thành khóa học 3 tháng tại huyện và có chứng chỉ sơ cấp chuyên môn về thú y.

Ông Dương Văn Bảo, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Mỹ Phương (Ba Bể) ngoài kiêm Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã còn được giao kiêm nhiệm thêm chức danh nhân viên thú y. Theo ông Bảo, thực hiện công tác thú y thì phải thường xuyên đến các thôn bản để vận động, tuyên truyền, thực hiện tiêm phòng định kỳ... Đặc biệt là khi nhận được thông tin, phải kịp thời đến hộ dân để kiểm tra, nắm tình hình, hướng dẫn cách xử lý, tránh để dịch bệnh lây lan, gây thiệt hại đàn vật nuôi của bà con.

Thực hiện Quyết định số 151/QĐ-UBND ngày 15/02/2017 của UBND tỉnh, đến nay cơ bản các xã, phường, thị trấn của tỉnh đã được bố trí một nhân viên thú y do chức danh khác kiêm nhiệm, hoặc thú y phải kiêm nhiệm chức danh khác. Tuy nhiên vẫn còn 04 xã chưa có nhân viên thú y.

Tập huấn tiêm vắc xin phòng bệnh cho bò ở Na Rì.

Tập huấn tiêm vắc xin phòng bệnh cho bò ở Na Rì.

Nghị quyết số 13/2018/NQ-HĐND ngày 17/8/2018 của HĐND tỉnh quy định: Nhân viên thú y cơ sở kiêm nhiệm chức danh khác được hưởng phụ cấp 1,0 mức lương cơ bản; cán bộ phụ trách các chức danh khác kiêm nhiệm thú y cơ sở được hưởng phụ cấp 0,6 - 0,7 mức lương cơ bản, tùy từng địa phương. Với mức phụ cấp hỗ trợ như vậy, cộng với việc bố trí cán bộ phụ trách thú y tại các xã không ổn định, dẫn đến một số nhân viên thú y không tâm huyết, bỏ việc, chuyển việc, ảnh hưởng đến công tác phát triển chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi ở cơ sở. Do đó, tỉnh cần sớm quan tâm xem xét bố trí đủ nhân viên thú y cơ sở có trình độ chuyên môn theo quy định của Luật Thú y; đồng thời xem xét, điều chỉnh tăng mức phụ cấp để thu hút nhân lực, sớm tháo gỡ những khó khăn trong công tác thú y cấp cơ sở tại địa phương.

An toàn dịch bệnh

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, tổng đàn vật nuôi toàn tỉnh năm 2022 (bao gồm số hiện có và xuất chuồng) có 85.672 con đại gia súc (trâu, bò, ngựa), đạt 99% kế hoạch; đàn lợn 388.971 con, đạt 105% kế hoạch; đàn dê 36.855 con, đạt 109% kế hoạch; đàn gia cầm gần 4.428.000 con, đạt 98% kế hoạch.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững, khuyến khích quy mô tập trung theo giai đoạn; phương án phòng, chống rét cho vật nuôi vụ đông xuân 2022 - 2023...

Ông Sằm Phương Nái, thôn Nà Bản, xã Xuân Lạc (Chợ Đồn) chăm sóc vật nuôi của gia đình.

Ông Sằm Phương Nái, thôn Nà Bản, xã Xuân Lạc (Chợ Đồn) chăm sóc vật nuôi của gia đình.

Khuyến khích phát triển chăn nuôi an toàn dịch bệnh sẽ đem lại hiệu quả kinh tế, giữ gìn vệ sinh môi trường. Theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, người chăn nuôi cần giữ đàn vật nuôi trong môi trường được bảo vệ, chăn nuôi xa khu dân cư, hạn chế tối đa người lạ ra vào; thường xuyên, định kỳ tiêu độc khu vực chăn nuôi; chất thải chăn nuôi phải được thu gom và xử lý bằng các biện pháp thích hợp; chăm sóc, quản lý tốt đàn vật nuôi thông qua việc cung cấp đầy đủ thức ăn chất lượng tốt, nước uống sạch, chuồng nuôi đảm bảo quy cách, mật độ nuôi hợp lý, tiêm phòng định kỳ cho vật nuôi; nắm vững lai lịch, nguồn gốc, tình trạng dịch bệnh của vật nuôi mới nhập và phải cách ly theo quy định. Khi phát hiện vật nuôi có dấu hiệu mắc bệnh, người chăn nuôi không được tự ý chữa trị mà phải thực hiện đúng quy tắc ”5 không”: Không dấu dịch, không bán chạy, không ăn thịt, không vận chuyển, không vứt vật nuôi bị bệnh ra môi trường./.

Hà Thu

Xem thêm

Video

Đọc báo in