Tuyến đường BOT Thái Nguyên - Chợ Mới sau 7 năm đưa vào khai thác đã phát huy hiệu quả đầu tư, tạo diện mạo mới về phát triển kinh tế cho địa phương. |
Từ năm 2016 trở về trước, Bắc Kạn chỉ có Quốc lộ 3 đi qua huyện cửa ngõ Chợ Mới để kết nối với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước. Đường hẹp, quanh co, lưu thông kém, các phương tiện giao thông thường xuyên xảy ra tai nạn. Sự trắc trở về giao thông đã cản trở tăng trưởng kinh tế và động lực đổi mới trên nhiều lĩnh vực. Việc đầu tư tuyến đường mới hạ tầng tốt hơn với mục tiêu phân phối giao thông trên QL.3, nối Bắc Kạn với trung tâm kinh tế lớn của cả nước như Hà Nội và các tỉnh lân cận là yêu cầu hết sức cấp bách. Đáp ứng nguyện vọng đó của Bắc Kạn, được sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, năm 2016 tuyến đường BOT Thái Nguyên - Chợ Mới chiều dài 40km sau một thời gian thi công đã hoàn thành đưa vào khai thác.
Nhiều cơ sở chế biến gỗ góp phần phát triển công nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm rừng trồng, tạo việc làm cho người dân. |
Huyết mạch giao thông mới mở ra tạo xung lực cho nền kinh tế địa phương. Tuyến được thiết kế chạy song song với Quốc lộ 3 cũ, xuyên qua trung tâm xã Quảng Chu nối về xuôi là ước mơ, khát vọng bấy lâu của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Bắc Kạn. Con đường đã giải tỏa sự quá tải của tuyến Quốc lộ 3 đã tồn tại bấy lâu nay, đáp ứng nhu cầu kết nối giao thông, giao thương, tạo động lực phát triển trên nhiều lĩnh vực.
Nếu ai đã từng đến Quảng Chu khoảng 6-7 năm về trước, giờ có dịp quay trở lại có lẽ rất khó để có thể nhận ra. Nơi đã từng nghèo khó nhất nhì của huyện Chợ Mới nay đã và đang “thay da đổi thịt” từng ngày. Từ một xã nằm sâu trong thung lũng biệt lập với đường lớn, muốn vào xã chỉ có con đường nhỏ với nhiều “ổ voi, ổ gà”; dọc theo dòng sông Cầu, mùa mưa nước dâng có những đoạn không thể qua, chỉ có cách đi bằng bè, mảng. Thiếu đường lớn nên khó khăn trăm bề, nông sản, gỗ rừng trồng bà con làm ra không có người mua, tư thương ngại vào do đường vận chuyển xa.
Một số thôn, bản của Quảng Chu, người dân trước đây rất ít khi bước chân ra tới quốc lộ. Nay con đường đi qua, nhiều hộ được đền bù, có vốn làm nhà cửa khang trang ra mặt đường để phát triển kinh tế. Cụm công nghiệp Quảng Chu có diện tích 74,4ha, do Công ty Cổ phần Onsen Fuji Bắc Kạn làm chủ đầu tư đang trong quá trình triển khai xây dựng ngay cạnh tuyến BOT Thái Nguyên – Chợ Mới (cách sân bay Nội Bài khoảng 90km, cách cửa khẩu Tà Lùng (tỉnh Cao Bằng) khoảng 192km), tới đây sẽ đi vào hoạt động, hứa hẹn góp phần thay đổi thêm diện mạo cho vùng quê này.
Xã Quảng Chu hiện có trên 2.800ha rừng trồng, đây là địa phương có tiềm năng rất lớn về vùng nguyên liệu gỗ, hiện nay đã thu hút được gần 20 doanh nghiệp, HTX và cơ sở sản xuất, chế biến gỗ đầu tư. Nhờ đó, không chỉ giải quyết đầu ra cho gỗ rừng trồng mà còn tạo việc làm ổn định cho khoảng 300 lao động địa phương. Từ một xã thu ngân sách rất khó khăn, chỉ vài chục triệu đồng/năm, nay số thu tăng lên trên 3 tỷ đồng/năm bao gồm thu tại xã và thu hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp.
Đồng chí Lưu Văn Duyên, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Chu phấn khởi: “Kinh tế phát triển, việc làm ổn định đã tạo cho người dân xã Quảng Chu có nguồn thu nhập dồi dào, đời sống Nhân dân khấm khá, nhà mới khang trang mọc lên ngày càng nhiều thay thế nhà tranh tre vách nứa, nhà tạm. Năm 2022, thu nhập bình quân của xã đạt mức 30 triệu đồng/người/năm. Năm 2023 đã nâng lên mức 37 triệu đồng/người/năm, vượt chỉ tiêu đề ra. Số hộ nghèo của xã trước đây luôn ở mức trên 50%, nay còn 16%. Riêng năm 2023 giảm được 34 hộ.
Nhiều hộ dân của xã Quảng Chu trước đây chỉ biết sản xuất nông, lâm nghiệp nay đã chuyển đổi sang kết hợp kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. |
Hai vợ chồng anh Triệu Hữu Thành, dân tộc Dao, thôn Đồng Luông, trước đây nhà ở sâu trong khe núi, bao năm là hộ nghèo. Khi con đường được mở, gia đình anh trong diện đền bù, giải phóng mặt bằng, còn ít đất làm nhà ra mặt đường mở điểm dừng nghỉ bán hàng. Sau vài năm đã thoát nghèo. Trước đây gỗ rừng trồng bán mãi không ai mua, nay tư thương đánh xe vào tận nơi thu mua, tạo động lực để gia đình đầu tư, chăm sóc tốt rừng trồng.
Anh Lưu Anh Tuấn, thôn Đèo Vai 1, chủ xưởng gỗ ván dăm Tuấn Thành là người dân địa phương. Trước đây nhà anh có xưởng gỗ bóc, mỗi khi vận chuyển hàng ra vào rất khó khăn, phải “tăng bo” qua một số đoạn xe ô tô không vào được. Nay đường lớn đã mở, xưởng của anh ra sát mặt đường, xe trọng tải lớn chỉ cần ghé vào là có thể bốc được hàng, giúp chi phí vận chuyển giảm đi rất nhiều. Đầu năm 2023, gia đình anh đầu tư gần 06 tỷ đồng dây chuyền máy băm, bóc vỏ gỗ. Toàn bộ gỗ nguyên liệu là rừng trồng của bà con địa phương sau khi chế biến xuất đi các tỉnh như Quảng Ninh, Bắc Giang. Xưởng của anh thường xuyên tạo việc làm cho khoảng 20 lao động địa phương với mức lương từ 7-8 triệu đồng/người/tháng.
Người dân địa phương mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất, chế biến gỗ. |
Ông Hoàng Nguyễn Việt, Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới cho rằng: Chợ Mới có nhiều cơ hội thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, du lịch sinh thái, khám phá thiên nhiên, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp sân golf, du lịch thể thao… Các dự án giao thông huyết mạch như: Tuyến BOT Thái Nguyên - Chợ Mới đã được đầu tư khai thác và tới đây chuẩn bị khởi công tuyến cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn… chắc chắn sẽ tạo thế và lực mới cho huyện. Để khai thác tối đa lợi thế đó, huyện chỉ đạo quyết liệt việc triển khai các cơ chế chính sách góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, thân thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh trên địa bàn.
Tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông là chủ trương, chiến lược lớn của tỉnh trong giai đoạn này. Chỉ trong 05 năm tới, khi các tuyến giao thông trọng điểm, cao tốc được hình thành đưa vào khai thác chắc chắn sẽ tạo sự bứt phá, phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội ở nhiều địa phương của tỉnh./.
Phương Thảo