Hạt dẻ có hương vị thơm ngon, béo bùi bùi và ngọt nhẹ, là loại thực phẩm rất tốt đối với sức khỏe con người, chứa nhiều chất dinh dưỡng như: Chất béo, chất đạm, các vitamin B1, B2, C cùng một số loại khoáng chất khác. Đây là đặc sản được rất nhiều khách hàng ưa chuộng, săn tìm mua, đặc biệt là hạt dẻ Ngân Sơn.
Nhận thấy cây dẻ có giá trị kinh tế cao, cách đây gần 10 năm ông Nông Văn Cường ở thôn Quan Làng, xã Đức Vân (Ngân Sơn) đã trồng hơn 2ha cây dẻ. Đến nay gia đình ông Cường đã trồng được gần 5ha dẻ xen canh với các loại cây ăn quả khác.
Những ngày này, vào sáng sớm vợ chồng ông Nông Văn Cường và bà Nông Thị Tâm lại lên vườn để thu hoạch những quả dẻ chín rụng về tách lấy hạt. Ông Cường cho biết năm 2023, vườn dẻ đã cho thu hoạch hơn 1 tấn hạt, mang về nguồn thu nhập khoảng 100 triệu đồng. Dự kiến năm nay, sản lượng hạt dẻ sẽ tăng cao hơn.
Nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi, cây dẻ ở đây sinh trưởng và phát triển tốt. Hạt dẻ chín rộ vào tháng 8, tháng 9. Những quả dẻ ở trên cây có màu xanh biếc, nhiều gai, khi chín quả ngả màu vàng rụng xuống đất. Người dân sẽ dùng gắp để thu hoạch, về tách vỏ gai ra lấy hạt.
Đến nay, toàn huyện Ngân Sơn đã trồng được trên 190ha cây dẻ, trong đó gần 83ha cho thu hoạch, năng suất ước đạt 40 tạ/ha, sản lượng ước đạt trên 330 tấn. Cây dẻ được trồng chủ yếu ở các xã Đức Vân, Bằng Vân, Thượng Ân và thị trấn Nà Phặc. Hạt dẻ Ngân Sơn tiêu thụ khá thuận lợi với giá bán giao động từ 80.000 đến 100.000 đồng/kg. Mỗi héc-ta dẻ đến tuổi thu hoạch sẽ cho thu nhập khoảng gần 400 triệu đồng/năm, cao hơn so với nhiều loại cây trồng khác.
Hiện nay, diện tích cây dẻ cho thu hoạch tăng theo từng năm, đồng nghĩa sản lượng hạt dẻ cũng tăng. Xác định không thể làm thủ công bằng cách tách vỏ từng quả dẻ, bà Bàn Thị Ngân, Giám đốc HTX Hợp Phát (Ngân Sơn) đã đầu tư gần 50 triệu đồng để mua máy tách vỏ quả dẻ và máy tách vỏ hạt dẻ. Đây có thể coi là máy tách hạt dẻ đầu tiên tại huyện Ngân Sơn và là điểm khởi đầu cho quy trình sản xuất hạt dẻ hiệu quả hơn.
Hạt dẻ đem lại thu nhập cao cho người dân Ngân Sơn. Do đó, việc cơ giới hóa trong sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm cần được đẩy mạnh hơn nữa nhằm giảm chi phí, đem sản phẩm đến tay người dân với chất lượng cao, giá thành phù hợp.
Ông Nông Văn Hoạt, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Ngân Sơn cho biết: “Để khơi dậy tiềm năng và phát triển bền vững cây dẻ trên địa bàn, trong thời gian qua, huyện Ngân Sơn đã tập trung mở rộng diện tích để đưa cây dẻ ván trở thành cây chủ lực, đem lại giá trị kinh tế cao. Cùng với đó, huyện cũng khuyến khích người dân trồng theo hướng hữu cơ để đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Đến nay, toàn huyện đã có 5ha dẻ được trồng theo hướng hữu cơ”./.