Phát huy phẩm chất của bộ đội Cụ Hồ, sau khi rời quân ngũ trở về địa phương lao động, sản xuất, CCB Phùng Văn Chung, thôn Nà Oóc, xã Bình Trung (Chợ Đồn) đã xây dựng mô hình nuôi chim bồ câu. Khởi nghiệp từ những khó khăn về thiếu vốn, kinh nghiệm nhưng ý chí vươn lên cùng đam mê đã giúp anh Chung thành công, duy trì mô hình được 5 năm nay. Doanh thu hằng năm đạt gần 1 tỷ đồng. Hiện nay, trang trại của anh Chung đang duy trì khoảng 2.000 cặp bồ câu sinh sản, có tháng xuất bán hơn 1.500 con chim thương phẩm, với giá bán 80.000 đồng/con.
Anh Chung chia sẻ: Chim bồ câu Pháp phát triển nhanh, diện tích chuồng nuôi không rộng, không kén thức ăn, ít bị dịch bệnh nếu trong quá trình nuôi chú ý khâu chăm sóc và phòng bệnh. Một năm mỗi cặp chim bố mẹ đẻ từ 8 - 10 lứa. Nếu nuôi chim bán giống thì tách chim non khỏi chim mẹ khi chúng được 30 ngày tuổi; nuôi chim bán thịt thì tách khi được 20 - 22 ngày tuổi; trọng lượng chim thương phẩm trung bình từ 0,4 - 0,6kg/con. Đa số chim được các thương lái đến tận trang trại thu mua và chở đi một số tỉnh, thành phố. Ngoài ra, phân chim bồ câu được thu gom rồi rắc vôi bột, ủ với chế phẩm sinh học khoảng 6 tháng sử dụng bón cho cây ăn quả, cây hoa màu.
Hội CCB tỉnh Bắc Kạn hiện có trên 16.400 hội viên, sinh hoạt tại 1.082 chi hội. Thời gian qua, các cấp Hội đã chỉ đạo hội viên đa dạng hóa các hình thức phát triển kinh tế, từng bước nâng cao đời sống. Phối hợp với các ngành chuyên môn mở lớp tập huấn về trồng trọt, chăn cho hội viên. Tỉnh Hội đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội để hội viên vay vốn phát triển sản xuất.
Đến nay, Hội CCB quản lý 298 tổ tiết kiệm vay vốn, tổng dư nợ hơn 500 tỷ đồng cho gần 8.000 hộ vay. Quỹ Hội do hội viên đóng góp đạt hơn 12 tỷ đồng, nguồn quỹ này do các chi hội quản lý, chủ yếu cho hội viên vay không có lãi hoặc lãi suất thấp. Nhờ đó, nhiều hội viên mạnh dạn đầu tư vào chăn nuôi gia súc, gia cầm, kinh tế trang trại V.A.C, trồng rừng, kinh doanh dịch vụ. Hiện toàn tỉnh có 1.112 mô hình sản xuất kinh doanh các loại do hội viên CCB làm chủ, trong đó doanh nghiệp vừa, nhỏ có 20; 18 hợp tác xã; 19 tổ hợp tác; gia trại là 648; 389 mô hình kinh doanh dịch vụ…
Ông Hà Đức Nghiên, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh cho biết: Dựa trên lợi thế của từng nơi, các cấp Hội đã động viên hội viên đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế; vận động họ thay đổi nếp nghĩ, cách làm, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào thực hiện những mô hình sản xuất mới.
Các cấp Hội CCB thường xuyên kiểm tra, đánh giá thực trạng đời sống của hội viên, đồng thời phát động nhiều phong trào thi đua và xây dựng tiêu chí phấn đấu ở mỗi đơn vị cơ sở, chi hội và gia đình hội viên. Thông qua đó tạo sự lan tỏa, phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, khơi dậy ý chí vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và làm giàu.
Phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” đã khơi dậy được tình đồng chí, đồng đội, ý chí, nghị lực, thế mạnh của hội viên trong xây dựng, nhân rộng các mô hình kinh tế mới, cho hiệu quả, thu nhập cao. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống, thúc đẩy kinh tế và xây dựng nông thôn mới ở Bắc Kạn ngày càng phát triển./.