Chủ động ứng phó với lũ quét, sạt lở đất

Mới đầu mùa mưa nhưng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã có đợt mưa to, dông lốc trên diện rộng, gây ra tình trạng sạt lở đất, đá ở nhiều địa phương, vùi lấp hoa màu, nhà ở, công trình hạ tầng, ảnh hưởng lớn đến việc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Điển hình như đợt mưa to kèm dông lốc vừa qua ở huyện Ngân Sơn, Ba Bể, Chợ Đồn, Chợ Mới gây thiệt hại năng nề về tài sản của Nhà nước và Nhân dân. Hàng trăm ha cây lúa, ngô, thuốc lá của người dân bị vùi lấp, bị ngập úng phải gieo cấy lại; nhiều diện tích bị vùi lấp không thể khắc phục. Cùng với đó, nhiều vị trí sạt lở trên các tuyến đường giao thông đến nay vẫn chưa khắc phục xong. Đặc biệt, nhiều khu vực dân cư có nguy cơ sạt lở đang cần được khắc phục ngay.

Qua kiểm tra, rà soát trước mùa mưa bão năm 2022, thống kê của Chi Cục Thủy lợi cho thấy: Toàn tỉnh hiện có 407 điểm sạt lở; 2.154 hộ nằm trong vùng có nguy cơ thiên tai lũ quét, sạt lở đất, ngập úng. Trong đó có 837 hộ nằm trong vùng có nguy cơ cao; 199 hộ nằm trong vùng nguy cơ rất cao.

Tảng đá lăn từ trên núi xuống làm sập 1 góc nhà của anh Hồ Văn Âm, thôn Nà Khoang, TT. Nà Phặc, huyện Ngân Sơn
Tảng đá lăn từ trên núi xuống làm sập 1 góc nhà của anh Hồ Văn Âm, thôn Nà Khoang, TT. Nà Phặc, huyện Ngân Sơn

Tại thôn Nà Khoang, TT. Nà Phặc, huyện Ngân Sơn, một tảng đá ước chừng 3 tấn, bất ngờ lăn từ trên núi cao xuống gây sập một góc nhà của anh Hồ Văn Âm. Trưởng thôn Nà Khoang Nông Văn Bính cho biết: Tảng đá lăn xuống vào buổi trưa, mọi người đang ở trong nhà nhưng may mắn hòn đá lại lăn chéo vào góc nhà nên lực đi giảm chứ nếu chính giữa nhà thì nguy hiểm còn cao hơn.

Mới đây, sau khi kiểm tra, xem xét thực tế hiện trường khu vực sạt lở, nguy cơ sạt lở tại thôn Thôm Tà, xã Thuần Mang và tổ dân phố Nà Khoang, thị trấn Nà Phặc (Ngân Sơn), đồng chí Đỗ Thị Minh Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự; Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tỉnh (Ban Chỉ huy về phòng chống thiên tai tỉnh) đã đánh giá khu vực đã xảy ra sạt lở này có nguy cơ mất an toàn rất cao, có thể tiếp tục sạt lở gây nguy hiểm trực tiếp, không đảm bảo an toàn cho người và tài sản đối với 07 hộ dân sinh sống phía dưới tiếp giáp với các điểm có nguy cơ sạt lở, có các vết rạn nứt đất trong khu vực.

Kiểm tra, xem xét hiện trường khu vực xảy hiện tượng đá lăn có đường kính lớn tại cụm dân cư gồm 04 hộ thuộc tổ dân phố Nà Khoang, thị trấn Nà Phặc, đồng chí Phó Chủ tịch tỉnh đã chỉ đạo chính quyền địa phương tổ chức thực hiện phương án đảm bảo an toàn cho người và tài sản các hộ dân ở khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng do sạt lở, đá lăn, bố trí ngay các biển cảnh báo nguy hiểm; cảnh báo, di dời các hộ dân phù hợp, đảm bảo an toàn, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người và tài sản khu vực này; thường xuyên theo dõi diễn biến, nguy cơ sạt lở, đá lăn, mất an toàn đe có biện pháp chỉ đạo, xử lý kịp thời; hướng dẫn các hộ dân đào rãnh ở vị trí phù hợp ngăn chặn nguy cơ đá lăn. Về lâu dài hướng dẫn người dân trồng hàng rào tre tạo rào chắn, ngăn chặn đá lăn xuống khu sản xuất và nhà ở.

Hiện nay, mới là giai đoạn bắt đầu mùa mưa nhưng Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn dự báo tình hình thời tiết diễn biến hết sức phức tạp. Dự báo tình hình mưa, bão vẫn tiếp tục xảy ra. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng thấp. Cảnh báo cấp độ rủi ro cao do thiên tai do mưa lớn, lốc, sét và sạt lở đất.

Để chủ động ứng phó với mưa lớn, sạt lở đất, lũ quét có thể xảy ra trên địa bàn tỉnh, các đơn vị, địa phương khẩn trương rà soát nhà dân, cơ sở hạ tầng có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng lũ quét, sạt lở đất, các hộ sinh sống ven sông, suối. Kịp thời phát hiện những biểu hiện bất thường, các sự cố, cắm biển cảnh báo nguy hiểm, bố trí lực lượng kiểm soát, cương quyết không để người dân ở lại những khu vực đã xác định có nguy cơ lũ quét, sạt lở cao. Triển khai các phương án phòng chống lũ quét, sẵn sàng nhân lực, phương tiện, vật tư, trang thiết bị theo phương châm "4 tại chỗ”, đảm bảo kịp thời ứng cứu khi có tình huống xảy ra.

Ngoài ra, các cơ quan truyền thông, chính quyền các cấp ở địa phương cần tăng cường thông tin dự báo, cảnh báo tình hình mưa lũ đến người dân để chủ động phòng tránh.

Để giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản do sạt lở đất, đá, ông Đới Văn Thiều- Quyền Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết: Các địa phương cần có tổ xung kích thường xuyên quan trắc, kịp thời phát hiện dấu hiệu sạt lở đất, xác định rõ khu vực trọng điểm để chủ động phòng, chống. Đặc biệt, mỗi người dân cần nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác đối với việc phòng, chống sạt lở đất, lũ quét, chuẩn bị sẵn sàng phương án di chuyển và tuyệt đối tuân thủ sự chỉ đạo của chính quyền địa phương khi có sự cố xảy ra./.

Phan Quý

Xem thêm

Video

Đọc báo in