Kinh tế tập thể đóng góp vào giảm nghèo ở TP. Bắc Kạn

BBK - Để thúc đẩy kinh tế - xã hội, TP. Bắc Kạn đã và đang khuyến khích, tạo điều kiện để các mô hình kinh tế tập thể, mà trọng tâm là các hợp tác xã (HTX) phát triển. Thực tế cho thấy, hoạt động của các HTX đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế nói chung, công tác giảm nghèo nói riêng.

nam-linh-chi.jpg
Hoạt động của HTX Minh Anh tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 05 lao động thường xuyên và 10 lao động thời vụ (Ảnh: Khu vực trồng nấm linh chi của HTX Minh Anh).

Chị Nông Thị Biệt, Giám đốc HTX Minh Anh ở phường Xuất Hóa (TP. Bắc Kạn) chuyên sản xuất và cung ứng các loại nấm ăn và nấm dược liệu, cho biết: HTX hiện có nhiều sản phẩm chất lượng cao, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đón nhận, đánh giá cao (Mộc nhĩ khô, mộc nhĩ thái chỉ, nấm sò tươi, nấm linh chi nguyên tai, bon sai linh chi, trà túi lọc linh chi...). Trong đó, có một số sản phẩm đã đạt OCOP 03 sao cấp tỉnh. Hoạt động của HTX tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 05 lao động thường xuyên và 10 lao động thời vụ; thu nhập bình quân của thành viên HTX đạt từ 5-6 triệu đồng/người/tháng.

Xác định hoạt động của các HTX vừa đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế, vừa đóng góp gián tiếp thông qua tác động tới kinh tế hộ thành viên, thúc đẩy công tác giảm nghèo, thời gian qua, TP. Bắc Kạn đã lồng ghép các chương trình, dự án để hỗ trợ các HTX phát triển, hình thành các chuỗi liên kết hiệu quả. Trên địa bàn TP. Bắc Kạn hiện có hơn 50 tổ hợp tác, HTX đang hoạt động, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 500 người với mức thu nhập bình quân 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Thực tế, các mô hình kinh tế tập thể nói chung, các HTX nói riêng luôn được chính quyền và các ngành chức năng khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện việc phát triển. Đặc biệt là hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn, thực hiện các dự án liên kết và tiêu thụ sản phẩm, hoặc hỗ trợ ứng dụng khoa học và công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị kinh tế.

tan-dan.jpg
Tăng cường liên kết đem lại doanh thu ổn định cho HTX Tân Dân và việc làm, thu nhập cho nhiều lao động địa phương.

Là một trong các HTX được tiếp nhận kết quả nghiên cứu của dự án khoa học và công nghệ vào sản xuất, Giám đốc HTX Tân Dân, ông Bàn Văn Chiến cho biết: "Ứng dụng quy trình công nghệ vào thực tế sản xuất, HTX tạo ra sản phẩm giấm chuối, rượu chuối, chuối sấy dẻo có chất lượng tốt, được thị trường chấp nhận. Để phục vụ sản xuất, trung bình HTX tiêu thụ từ 15 đến 20 tấn chuối/tháng. Các liên kết trong chuỗi giá trị chuối tây được xây dựng, kết nối, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm từ chuối nguyên liệu tới sản phẩm sau chế biến, đem lại doanh thu ổn định cho HTX và tạo việc làm, thu nhập cho nhiều lao động địa phương".

Theo lãnh đạo UBND TP. Bắc Kạn, để các mô hình kinh tế tập thể phát triển, TP. Bắc Kạn đã lồng ghép các chương trình, dự án để hỗ trợ các tổ hợp tác (THT), các HTX. Phối hợp với các sở, ngành liên quan tập huấn, đào tạo cho đội ngũ cán bộ quản lý của các THT, các HTX về nhiều nội dung, như: Hội nhập kinh tế quốc tế; nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại; tập huấn đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản; tập huấn ứng dụng các phần mềm cho HTX nông nghiệp và chủ thể OCOP...

Theo kết quả sơ bộ rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024, số hộ nghèo giảm từ 241 hộ (1,96%) xuống còn 217 hộ (1,74%), vượt chỉ tiêu đề ra - kế hoạch năm 2024 giảm 13 hộ nghèo, tỷ lệ còn 1,86%. Kết quả này có phần đóng góp từ hoạt động hiệu quả của các THT, HTX thông qua việc tạo việc làm, thu nhập cho các thành viên, các hộ liên kết sản xuất.

cuc-chi.jpg
Khu vực trồng hoa của HTX Dương Quang, xã Dương Quang (TP. Bắc Kạn).

Lãnh đạo UBND TP. Bắc Kạn cho biết, để thúc đẩy kinh tế - xã hội nói chung, thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân, UBND TP. Bắc Kạn sẽ tiếp tục tạo điều kiện để các THT, HTX phát triển, thông qua hỗ trợ để các THT, HTX và thành viên tiếp cận nguồn vốn tín dụng với lãi suất thấp. Hỗ trợ tập huấn, đào tạo cho đội ngũ cán bộ quản lý của các THT, các HTX. Đồng thời, hỗ trợ ứng dụng khoa học và công nghệ vào hoạt động sản xuất.

Trước mắt, tập trung thực hiện tốt việc hướng dẫn các HTX nông nghiệp tham gia thực hiện các nội dung của dự án liên kết chuỗi giá trị liên kết tiêu thụ sản phẩm. Thường xuyên cập nhật, trao đổi các thông tin văn bản, quy định về hoạt động của HTX và chủ động theo dõi, quản lý và nắm bắt tình hình sản xuất của các HTX; tập trung hướng dẫn các chủ thể xây dựng hồ sơ, mô hình sản phẩm tham gia chương trình OCOP... để nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn./.

Xem thêm

Video

Đọc báo in