Nông dân Chợ Mới kiểm tra sự phát triển của cây lúa. |
Theo báo cáo từ Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện trên cây lúa, cây ngô đang xuất hiện một số sinh vật gây hại. Trong đó, phổ biến là bệnh đạo ôn, bệnh đốm sọc vi khuẩn, sâu cuốn lá... trên cây lúa; sâu keo mùa thu trên cây ngô.
Đối với cây lúa, diện tích nhiễm rầy toàn tỉnh khoảng 122ha, mật độ phổ biến 200-300 con/m2, mật độ cao 1.000 con/m2, cá biệt 7.000 con/m2. Bệnh đạo ôn nhiễm nhẹ và trung bình là hơn 8ha, tập trung tại huyện Pác Nặm, huyện Chợ Mới và thành phố Bắc Kạn, tỷ lệ hại phổ biến ở mức 1-2%, mức cao 8%. Bệnh đốm sọc vi khuẩn gây hại xuất hiện tại một số xã của huyện Chợ Mới, với diện tích nhiễm khoảng 5ha, tỷ lệ hại phổ biến 4%, cá biệt 15%. Sâu cuốn lá nhỏ gây hại cục bộ tại một số xã của huyện Chợ Mới, với tỷ lệ bệnh hại phổ biến 3%, mức cao 6%.
Trên cây ngô, sâu keo mùa thu, sâu gai tiếp tục gây hại rải rác tại các huyện, thành phố; cục bộ tại huyện Na Rì, mật độ phổ biến 30 con/m2, cao 70 con/m2, cá biệt 100 con/m2.
Một số biện pháp phòng trừ sâu bệnh gây hại trên cây lúa, ngô
-Bọ rầy: Khi thấy mật độ rầy khoảng 20 con/khóm hoặc 3 con/dảnh trở lên, tiến hành phun trừ bằng một trong các loại thuốc, như: Sachray 200WP, Patox 95SP, Gà nòi 95SP, Oshin 20WP… Những ruộng có mật độ rầy cao phun kép 2 lần, cách nhau từ 5 đến 7 ngày, dùng luân phiên các loại thuốc để tránh tính kháng thuốc của rầy.
-Bệnh đạo ôn lá: Phun trừ bằng một trong các loại thuốc, như: Bionite WP, Ketomium, Filia®525SE, Trizole 400SC, Fuji-one 40EC...
Khi cây bị bệnh đạo ôn không được bón phân chứa đạm, kích thích sinh trưởng. Những ruộng bị bệnh đạo ôn lá cần chú ý phòng trừ bệnh đạo ôn cổ bông. Chủ động phun phòng đạo ôn cổ bông khi lúa trỗ lác đác và sau khi lúa trỗ xong.
-Bệnh khô vằn: Bệnh phát sinh, ngừng bón phân, bệnh hại nặng có thể phun trừ bằng một trong những loại thuốc, như: Anvil 5SC, Daconil 75WP, Validacil 5SL ...-Bệnh đốm sọc vi khuẩn, bệnh bạc lá: Khi bệnh xuất hiện, dừng bón phân đạm, không phun các chất kích thích sinh trưởng, phân bón lá và duy trì mức nước trong ruộng ở mức 3-4cm. Những vùng có nguy cơ cao có thể phun phòng bằng một trong các loại thuốc, như: Linacin 40SL, Xanthomix 20WP, Starner 20WP, Kasumin 2L…
-Trên cây ngô: Tăng cường kiểm tra đồng ruộng, khi mật độ bị sâu gây hại cao sử dụng một trong các loại thuốc, như: Lufen extra 100EC, Enasin 32WP, Ratoin 5WG, Karuba WP, Bitadin WP... để phun trừ; phun theo hàng, ướt đều cả hai mặt lá.
Trong những ngày tới, các loại sinh vật gây hại tiếp tục phát triển, phổ biến như bọ rầy, bệnh đạo ôn, bệnh khô vằn. Ngành chuyên môn khuyến cáo bà con thường xuyên thăm đồng, chủ động phòng trừ bằng các biện pháp thủ công, sinh học. Chú ý vùng có nguy cơ cao (diện tích cấy giống nhiễm, diện tích trồng trong khe, diện tích thường xuyên bị nhiễm bệnh trong những vụ trước, năm trước...)./.