“Chây ì” giảm giá xăng

Mập mờ!

Theo ông Nguyễn Ngọc Lự (Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM): Khi giá dầu thế giới tăng thì tất cả người dân đều chia sẻ khó khăn với các công ty kinh doanh xăng dầu, nay giá thế giới xuống thì giá xăng dầu trong nước cũng phải xuống mới hợp lẽ. Nếu tính theo giá dầu thô trên thị trường thế giới ngày 16.10 là 70 USD/thùng, thì giá xăng trong nước phải giảm ít nhất là 4.500 đồng.

Các doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu nói chưa giảm là do lượng xăng dầu nhập khẩu thời điểm giá cao còn tồn. Nhưng thử hỏi ngược lại, lúc các DN nhập khẩu giá thấp mà sau đó xăng dầu trên thế giới tăng giá ào ào thì sao? Lúc đó, các DN nhập khẩu xăng dầu với khối lượng bao nhiêu, giá bao nhiêu người dân đâu có biết, nhưng vẫn chấp nhận tăng giá xăng dầu khi giá thế giới tăng. Người dân cũng đâu có ai hỏi các DN còn tồn lượng xăng dầu nhập với giá thấp hay không? Đành là kinh doanh thì phải có lời, nhưng phải ở mức sao cho thích hợp chứ mập mờ là không được. Các DN kinh doanh xăng dầu cần công bố cho người tiêu dùng biết giá dầu trên thị trường thế giới hiện nay tương đương với bao nhiêu tiền một lít xăng, dầu trong nước.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Ô tô vận tải VN cũng không đồng tình với cách giảm giá xăng dầu nhỏ giọt: "Mỗi lần giảm chỉ giảm được một tí, như vậy không giải quyết vấn đề gì về giá cước. Ví dụ: xăng giảm 500 đồng/lít (giảm 3%), giá thành vận tải chỉ giảm được 1,5% cũng chẳng được bao nhiêu. Trong khi đó, thủ tục giảm giá cước rất phiền hà, lằng nhằng, đặc biệt là xe taxi phải kiểm định lại đồng hồ; xe khách phải in lại vé, chi phí đội theo rất nhiều. Tôi đề nghị mỗi lần giảm phải giảm tối thiểu 10% giá hiện tại thì mới đủ sức kéo giá cước".

Ông Hùng nói thêm: Vấn đề chống lạm phát hiện nay liên quan rất mật thiết với giá xăng dầu. Giá xăng dầu không chỉ tác động đến ngành vận tải mà còn các ngành kinh tế khác. Xăng dầu giảm giá, lập tức các mặt hàng khác giảm rất nhanh. Nhà nước phải có sự điều tiết rất cụ thể. Việc các DN bù lỗ như thế nào, Nhà nước phải giám sát, kiểm tra chặt chẽ, kiểm toán phải vào cuộc. Giá xăng dầu do DN quyết định phải minh bạch, chứ không thể theo kiểu "ù ù, cạc cạc".

Chưa thực sự cạnh tranh

Ông Lương Hoài Nam, Tổng giám đốc Jetstar Pacific nhận xét: Thời gian qua, Nhà nước chưa thực sự kiểm soát được chi phí đầu vào thực của các nhà nhập khẩu xăng dầu, kể cả giá mua các lô hàng của họ ở nước ngoài và sự tuân thủ nguyên tắc FIFO (First In - First Out) trong kiểm soát chi phí đầu vào, xác định giá đầu ra. Với cơ chế quản lý trong thời gian qua, các nhà nhập khẩu xăng dầu có thể "trộn lẫn" các lô hàng nhập khẩu có chênh lệch giá đầu vào rất lớn, mà cơ quan quản lý Nhà nước khó có thể đối chiếu được chi phí đầu vào và giá đầu ra.

Để có thể giải quyết được tận gốc tình trạng này trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, thị trường phải có cạnh tranh thực sự, chứ không phải cạnh tranh hình thức như hiện nay.

Về cạnh tranh trong lĩnh vực xăng dầu, ông Nguyễn Mạnh Hùng nói: "VN có 11 DN đầu mối nhập khẩu xăng dầu do Nhà nước quản lý. Để tránh việc các DN liên kết lại có giá độc quyền, theo tôi cần thiết phải mở rộng các DN nhập khẩu mới đủ sức cạnh tranh. Vừa rồi, các DN nhập khẩu lý giải nguyên nhân chưa giảm giá do tồn kho, lỗ quá nhiều, tôi cho rằng DN đã kinh doanh phải tính toán chứ? Anh kinh doanh sai lầm, bắt người tiêu dùng chịu là không được, rất là vô lý. Quan điểm của tôi là Chính phủ phải quy định chặt chẽ việc này, không để ngành xăng dầu lợi dụng".

Còn TS Nguyễn Quang A, Viện trưởng Viện IDS đánh giá: "Chỉ cần 3 hoặc 4 DN nhập khẩu xăng dầu có hệ thống bán lẻ cạnh tranh nhau thực sự, sẽ không có chuyện chờ nhau giảm giá. Các DN vin vào mua ở lúc giá đắt để không hạ giá cho dân. Theo tôi, vấn đề ở đây là cơ cấu hệ thống cung cấp năng lượng của mình không ổn.

Nhà nước nói để giá xăng dầu cho thị trường quyết định, trong khi lại mâu thuẫn vô cùng với cạnh tranh. Những DN nào chiếm trên 1/3 thị phần thì DN đó bị Nhà nước điều tiết. Vậy tại sao Nhà nước không đứng ra điều tiết đi. Nếu để cho thị trường điều tiết phải có ít nhất là 3 ông thị phần sàn sàn như nhau, không có ông nào vượt quá 1/3 cả thì lúc đó mới lành mạnh. Ở đây, một ông chiếm 60% thị phần, Nhà nước chẳng có ý kiến gì".

Xem thêm

Video

Đọc báo in