Dự án được triển khai nhằm tăng khả năng kết nối giao thông giữa các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc với trung tâm Hà Nội và cửa khẩu Trung Quốc.
Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2020, tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng (CT.07) theo quy hoạch dài khoảng 227km, hiện đang được khai thác đoạn Hà Nội - Chợ Mới (Bắc Kạn), đoạn Chợ Mới - Bắc Kạn đã được Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1676/QĐ-BGTVT ngày 14/9/2021. Đoạn Bắc Kạn - Cao Bằng dài 90km được bổ sung vào Quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo quy hoạch đường cao tốc phải có tầm nhìn dài hạn, tổng thể tiêu chuẩn hoàn thiện tối thiếu 04 làn xe ô tô, đủ làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 80-100km/h; tuyến thẳng nhất có thể, hạn chế tối đa đi qua khu dân cư, quân sự, qua sông bắc cầu, qua núi, qua đồi thì làm hầm và qua đồng bằng thì đắp đất, đổ cát. Có kế hoạch đầu tư hoàn thiện đúng tiêu chuẩn cao tốc, không đầu tư cao tốc quy mô hạn chế làn xe, gây lãng phí nguồn lực và thời gian nâng cấp, mở rộng. Tại Thông báo số 29/TB-VPCP ngày 15/02/2023 và Thông báo số 333/TB-VPCP ngày 18/08/2023, Thủ tướng giao UBND các tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng theo chức năng, nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và cơ quan liên quan nghiên cứu, thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư Dự án cao tốc Bắc Kạn – Cao Bằng theo quy định của pháp luật, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực. UBND tỉnh Bắc Kạn và Cao Bằng tích cực triển khai các bước nghiên cứu tiền khả thi, hình thành những ý tưởng ban đầu về tuyến cao tốc trọng điểm này.
Hiện nay đơn vị tư vấn thiết kế đã phối hợp với chủ đầu tư làm việc với UBND các huyện Bạch Thông, Ba Bể, thành phố Bắc Kạn, nơi tuyến cao tốc đi qua và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh để xin ý kiến, thống nhất được phương án tuyến.
Phương án đường cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng được thiết kế có tiêu chuẩn kỹ thuật đường cao tốc theo TCVN 5729:2012, vận tốc thiết kế 80-100km/h. Điểm đầu ở Km0+000, giao với cao tốc đoạn Chợ Mới - Bắc Kạn thuộc địa phận thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn. Điểm cuối là Km62+500, tại ranh giới giữa tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Cao Bằng ở huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn.
Đường đi qua địa phận TP. Bắc Kạn và 03 huyện Bạch Thông, Ba Bể, Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn với chiều dài 60km, đoạn từ Bắc Kạn lên Cao Bằng dài 30km. Có 03 phương án tuyến được đưa ra để tính toán lựa chọn sao cho phù hợp nhất, trong đó có phương án bố trí nhánh tách, nhập làn để kết nối với QL3B và tuyến Bắc Kạn - hồ Ba Bể. Tận dụng nhánh bên trái tuyến là phần nền đường của cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn đã được đầu tư xây dựng trong dự án riêng. Xây dựng thêm nhánh kết nối phía phải tuyến để kết nối với QL3B và tuyến Bắc Kạn - hồ Ba Bể. Bố trí thêm hầm chui dân sinh để nhánh này chui qua dưới cao tốc.
Qua phân tích, phương án hướng tuyến này có chiều dài nhỏ, giá trị xây dựng thấp. Tuyến đi sát địa phận TP. Bắc Kạn cần chi phí GPMB cao nhưng khả năng tiếp cận thi công và kết nối dân cư thuận lợi, giúp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trên tuyến dự kiến bố trí 43 công trình cầu, tổng chiều dài khoảng 11,3km. Trong đó bố trí 14 công trình cầu vượt sông, suối với chiều dài khoảng 2,73km; 29 công trình cầu vượt địa hình với chiều dài khoảng 8,57km; 02 công trình hầm với tổng chiều dài khoảng 1,18km. Tổng diện tích GPMB cho toàn bộ dự án khoảng 459ha, trong đó quy hoạch đất ở khoảng 5,4ha, đất quy hoạch trồng lúa khoảng 62ha, đất quy hoạch rừng sản xuất khoảng 369ha, đất sản xuất, kinh doanh khoảng 22ha. Tổng mức đầu tư khoảng trên 18.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Kế hoạch năm 2024-2025 triển khai công tác chuẩn bị đầu tư; từ năm 2025-2027 giải phóng mặt bằng, tái định cư; từ năm 2025-2029 thi công xây dựng.
Dự án cao tốc Bắc Kạn – Cao Bằng được đầu tư với mục tiêu sẽ phát huy tối đa hiệu quả nguồn lực, đảm bảo hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh xuất nhập khẩu cho các tỉnh có tuyến đường đi qua và khu vực miền núi phía Bắc. Đồng thời, góp phần bảo vệ vùng chiến lược trọng yếu về quốc phòng và an ninh, phát huy hiệu quả liên kết vùng, từng bước nâng cao đời sống của Nhân dân.
Tỉnh Bắc Kạn đang rà soát các phương án để sớm hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình Thủ tướng Chính phủ trong thời gian sớm nhất./.