Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm, dịch tả lợn châu Phi trên toàn tỉnh đã làm hơn 15 nghìn con lợn chết, phải tiêu hủy với khối lượng 590 tấn, gây thiệt hại trên 25 tỷ đồng, chiếm hơn 40% số lợn bị tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn châu Phi của cả nước. Trong đó toàn tỉnh có 06 hợp tác xã bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi, phải tiêu hủy 733 con lợn, thiệt hại hơn 2,8 tỷ đồng.
Ông Đinh Quang Xô, Giám đốc HTX Tiến Thành, thôn Nà Kén, xã Vũ Muộn (Bạch Thông) chia sẻ: “HTX chúng tôi thành lập năm 2018 với 07 thành viên, ngành nghề chủ yếu là chăn nuôi lợn. Từ đầu năm 2024 HTX đã đầu tư chăn nuôi hơn 100 con lợn, nhưng đến tháng 4 dịch tả lợn châu Phi bùng phát làm chết 30 con lợn phải tiêu hủy, thua lỗ khoảng 200 triệu đồng. Hiện tại HTX chỉ nuôi khoảng 10 con lợn để cầm chừng, đang đứng trước nguy cơ giải thể”.
Theo bà Đinh Thị Tuyết Nhung, Giám đốc HTX Nhung Lũy (Ba Bể) cho biết: “Mỗi năm HTX Nhung Lũy chăn nuôi gần 400 con lợn để chế biến và tiêu thụ. Tuy nhiên, năm nay do bị ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi nên HTX chỉ nuôi khoảng 150 con lợn. Mặc dù đàn lợn của HTX chưa bị nhiễm bệnh, nhưng HTX vẫn mong muốn ngành chức năng quan tâm đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vắc xin cho đàn lợn, tránh nguy cơ dịch bệnh tái bùng phát làm ảnh hưởng đến việc chăn nuôi của HTX”.
Đợt bệnh dịch tả lợn châu Phi vừa qua đã làm cho HTX Trần Phú (Na Rì) "lao đao". Ông Phan Văn Tuân, Giám đốc HTX Trần Phú cho biết: "Bệnh dịch tả lợn châu Phi đã làm HTX phải tiêu hủy gần 500 con lợn, thiệt hại gần 1 tỷ đồng, dẫn đến thiếu việc làm, thiếu thu nhập cho các thành viên và các hộ liên kết chăn nuôi với HTX. Hiện nay HTX chưa thể tái đàn do thiếu vốn và vẫn còn lo lắng về dịch bệnh xảy ra trên địa bàn".
Thời gian qua, theo khảo sát thị trường, giá thịt lợn ta ở Bắc Kạn ở mức cao (hiện đạt 150 – 160 đồng/kg thịt lợn ta, thịt lợn lai từ 130 – 140 đồng/kg). Đây là động lực để người chăn nuôi, các trang trại, HTX tăng đàn. Tuy nhiên để tái đàn, hiện nay các HTX đang gặp khó khăn, nhất là khi nguy cơ dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn…
Ông Trần Ngọc Quang, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh đánh giá: “Nhìn chung dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, nhất là ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, các HTX có quy mô từ dưới 100 con trở xuống... ảnh hưởng rất nhiều đến tăng trưởng ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Hiện nay một số địa bàn, một số HTX đã khống chế được dịch tả lợn châu Phi, nhưng còn nhiều tiềm ẩn rủi ro. Do vậy các hộ chăn nuôi nhỏ, các HTX chăn nuôi có quy mô nhỏ chưa tái đàn trong thời gian này mà nên chuyển chăn nuôi các con vật khác phù hợp với gia đình, đơn vị.
Để tháo gỡ khó khăn, ngành chức năng cần tạo điều kiện cho HTX hưởng các gói chính sách hỗ trợ của Chính phủ như: Khoanh nợ, giãn nợ, miễn thuế, vay vốn mới… Đặc biệt, rà soát và hỗ trợ ở những địa phương, những HTX hiện còn giữ được 50% đàn lợn so với trước khi có dịch tả lợn châu Phi. Về lâu dài, các địa phương cần chủ động trong công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, nhất là công tác tuyên truyền vận động Nhân dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong tiêm phòng vắc xin dịch tả lợn châu Phi. Tập trung hỗ trợ các HTX khâu cung ứng thức ăn, con giống, giết mổ, bảo quản... Hỗ trợ những HTX phát triển chuỗi giá trị sản phẩm của trang trại, xây dựng các cơ sở chế biến, phối trộn thức ăn, cơ sở giết mổ, mở cửa hàng để giới thiệu và quảng bá sản phẩm của HTX, xây dựng khu vực, các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh của đơn vị”./.