Thực tế cho thấy, việc đảm bảo an ninh, an toàn và bảo mật dữ liệu khách hàng ngày càng khó khăn do những nguyên nhân như: Tình trạng lộ, lọt thông tin và dữ liệu khách hàng, rao bán thông tin cá nhân gia tăng; sự thiếu đồng bộ của các quy định pháp lý hiện hành liên quan về giao dịch điện tử, chữ ký, chứng từ điện tử, việc định danh và xác thực khách hàng điện tử, việc chia sẻ dữ liệu và bảo mật thông tin khách hàng, quy trình nghiệp vụ với thực tiễn ứng dụng công nghệ số trong hoạt động ngân hàng.
Theo đó, các tổ chức tín dụng, trung tâm trung gian thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán đẩy mạnh nghiên cứu, triển khai công nghệ để chống các đối tượng lừa đảo giả mạo khách hàng với mục đích chiếm đoạt tài sản, đảm bảo khớp đúng với dữ liệu sinh trắc học được lưu trong chip của thẻ căn cước công dân của khách hàng do cơ quan Công an cấp.
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2024/NĐ-CP, ngày 15/5/2024 quy định về thanh toán không dùng tiền mặt. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024 và thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP, ngày 22/11/2012. Đây là một trong những biện pháp hạn chế thanh toán truyền thống, đặc biệt là việc thanh toán những món tiền lớn và giao dịch ở xa.
Trong hơn 11 năm triển khai thực hiện, Nghị định số 101/2012/NĐ-CP đã tạo lập khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM); thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần đem lại chuyển biến tích cực trong hoạt động thanh toán của nền kinh tế, đưa thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt đi vào cuộc sống.
Theo Ngân hàng Nhà nước, kết quả phát triển thanh toán không dùng tiền mặt đã được thể hiện thông qua những con số tăng trưởng ấn tượng. Đến hết 2023 cả nước đã có hơn 182 triệu tài khoản thanh toán của khách hàng cá nhân, tương ứng với 87,08% người trưởng thành có tài khoản tại ngân hàng, nhiều ngân hàng đã có trên 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số, tỷ lệ khách hàng sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán điện tử đạt khoảng 50%.
Tuy nhiên, trước sự phát triển nhanh, mạnh mẽ của công nghệ thông tin, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xu hướng hội nhập quốc tế và nhu cầu của thực tiễn, một số quy định tại Nghị định số 101/2012/NĐ-CP cần được nghiên cứu bổ sung, chỉnh sửa để hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và thực tiễn cuộc sống đặt ra. Việc hoàn thiện quy định pháp lý cho tiền điện tử tại Nghị định 52/2024/NĐ-CP sẽ góp phần ngăn ngừa, loại trừ các phương tiện thanh toán không hợp pháp do các tổ chức không được phép phát hành, hỗ trợ các cơ quan có thẩm quyền trong việc ngăn ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền điện tử. Bổ sung quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng đối với doanh nghiệp cung ứng dịch vụ công ích để phù hợp nhu cầu thực tiễn cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức cung ứng dịch vụ, nâng cao hiệu quả vai trò quản lý nhà nước.
Nghị định số 52/2024/NĐ-CP ngày 15/5/2024 của Chính phủ quy định về thanh toán không dùng tiền mặt là văn bản pháp lý quan trọng về lĩnh vực thanh toán, có ảnh hưởng rộng đến nhiều lĩnh vực, đối tượng, tổ chức, cá nhân liên quan; góp phần tạo lập khuôn khổ pháp lý cơ bản, vững chắc cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và tạo thuận lợi cho chuyển đổi số ngành Ngân hàng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới, tiện ích, an toàn với chi phí hợp lý. Đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, mạnh mẽ của công nghệ thông tin, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu hướng hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng trong lĩnh vực thanh toán. Đây cũng là nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thực hiện Quyết định số 2345/QĐ-NHNN ngày 18/12/2023 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng./.