Tiềm năng du lịch hội tụ nhưng có rất ít tour, tuyến liên tỉnh trong vùng Chiến khu Việt Bắc được hình thành; liên kết trong phát triển du lịch vẫn còn rời rạc, mạnh tỉnh nào tỉnh đó làm, chưa có sự hợp tác sâu rộng để cùng bứt phá.
Năm trước, gia đình anh Bàn Thanh Nghĩa (huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn) cùng nhóm bạn dành trọn thời gian nghỉ Tết để tổ chức chuyến du lịch các tỉnh Việt Bắc. Điểm xuất phát của nhóm là từ thành phố Bắc Kạn rồi theo cung đường đi Tuyên Quang – Hà Giang sau đó sang Cao Bằng. “Chúng tôi muốn tìm chút gợi ý để tranh thủ đi hết các điểm du lịch nổi tiếng của từng tỉnh như: Tân Trào, vùng cao Hà Giang, thác Bản Giốc… Tuy nhiên, chúng tôi rất khó tìm thấy lịch trình tour, tuyến chi tiết nên đành phải tự trải nghiệm, không đi hết được các điểm do thiếu thông tin hành trình. Về chất lượng dịch vụ du lịch ở mỗi nơi một khác, trong khi Hà Giang làm dịch vụ du lịch rất chuyên nghiệp thì sang các tỉnh lân cận lại đìu hiu”, anh Nghĩa chia sẻ.
Thiên nhiên hùng vĩ và nên thơ là ưu điểm vượt trội để khai thác du lịch vùng Chiến khu Việt Bắc. Các tỉnh trong vùng cũng đang tập trung cho ngành “công nghiệp không khói” với nhiều bước phát triển mạnh mẽ trên cơ sở khai thác tiềm năng về cảnh quan, văn hóa, lịch sử… Song, điểm yếu nhất hiện nay đó là thiếu sự liên kết đồng bộ trong cách làm du lịch của các địa phương. Tình trạng "đèn nhà ai nấy rạng" đã và đang khiến cho du lịch vùng Việt Bắc thiếu chiến lược bài bản, dẫn tới khó cạnh tranh, kém thu hút du khách.
Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện nay du lịch vùng Việt Bắc nói chung vẫn còn mang tính tự phát, thiếu đồng bộ, thiếu sự liên kết chặt chẽ. Các tỉnh trong vùng chưa khai thác, phát huy hết thế mạnh của địa phương cũng như tiềm năng to lớn của vùng. Trong khi đó, việc liên kết giữa các tỉnh trong vùng là chìa khóa mấu chốt, tạo nhiều cơ hội để thúc đẩy ngành du lịch bứt phá.
PGS.TS Bùi Thanh Thủy, Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội nhận định: Liên kết du lịch vùng chiến khu Việt Bắc còn lỏng lẻo, đã “liên” nhưng chưa thật sự “kết”. Điều này thể hiện rõ qua sự phối hợp giữa các địa phương thiếu chặt chẽ, nhịp nhàng, thậm chí có sự chồng chéo, giẫm lên nhau trong xây dựng sản phẩm, thu hút khách. Liên kết chỉ có ý nghĩa khi các địa phương cùng nhau làm, cùng nhau phát triển.
Vị trí địa lý các tỉnh trong vùng Chiến khu Việt Bắc tiếp giáp cận kề, sản phẩm du lịch có thể bổ trợ, tương hỗ lẫn nhau. Cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng “núi liền núi, sông liền sông”, bản sắc văn hóa các dân tộc đậm nét, các “địa chỉ đỏ” cách mạng… là những thế mạnh riêng có của vùng. Tiềm năng và thế mạnh đều rất lớn, nếu có sự liên kết bền chặt, định hướng bài bản sẽ giúp ngành du lịch vùng phát triển một cách có hệ thống và hiệu quả.
Tài nguyên du lịch vùng Việt Bắc có nhiều đặc thù, khác biệt, vì thế công tác xây dựng sản phẩm cần tập trung kết nối để hình thành tuyến điểm đặc trưng, nhất là kết nối các tuyến, điểm du lịch giữa các tỉnh, tạo dòng sản phẩm du lịch chung hấp dẫn và đặc trưng vùng. Mở rộng không gian du lịch, hình thành hành trình tuyến, tour du lịch hoàn chỉnh có thể khai thác liên hoàn các loại hình du lịch về nguồn cùng những loại hình phụ trợ du lịch sinh thái trải nghiệm, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng…, phục vụ nhiều đối tượng du khách, nâng cao lợi thế cạnh tranh.
Một thực tế dễ thấy là các tỉnh trong vùng đang phát triển du lịch một cách khép kín, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp, thiếu chuỗi giá trị nên hiệu quả chưa cao. Hoạt động đầu tư rời rạc, mạnh ai nấy làm, thiếu sự tương trợ, không có quy hoạch tổng thể và mới chỉ tập trung ở một số nơi có điều kiện tự nhiên đẹp. Nguồn kinh phí đầu tư cho lĩnh vực du lịch ở mỗi tỉnh khác nhau, nên tốc độ phát triển cũng như hạ tầng du lịch của các địa phương không tương đồng. Sự phân phối lượng khách du lịch giữa các địa phương trong vùng có sự chênh lệch đáng kể.
Sản phẩm du lịch của vùng chưa đa dạng và thiếu nét độc đáo riêng của từng tỉnh, từng điểm du lịch trong mỗi tỉnh do thiếu sự liên kết vùng. Do chưa xây dựng được sản phẩm du lịch đặc thù vùng nên chưa phát huy được thế mạnh từng địa phương, đôi khi có sự cạnh tranh lẫn nhau và trùng lặp về sản phẩm du lịch, nhất là sản phẩm du lịch cộng đồng. Hoạt động du lịch về nguồn cơ bản vẫn mang tính khép kín trong mỗi địa phương mà chưa hình thành chuỗi giá trị sản phẩm du lịch lịch sử vùng Chiến khu Việt Bắc.
Những năm qua, sự liên kết du lịch của các tỉnh trong vùng đã được hình thành, tuy nhiên cách làm còn rời rạc, lỏng lẻo nên hiệu quả chưa như mong muốn. Nhóm liên kết, hợp tác du lịch giữa 6 tỉnh Việt Bắc đã triển khai được 15 năm với hoạt động chủ đạo là Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc”, tổ chức lần đầu tiên tại tỉnh Hà Giang vào năm 2009. Dấu ấn của Chương trình này chủ yếu là sự quảng bá và truyền thông theo bề nổi, còn thiếu chất “keo” kết dính chuỗi sản phẩm du lịch vùng, thiếu sự tương hỗ để có sự đột phá.
Những liên kết khác trong du lịch vùng (Nhóm liên kết phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 8 tỉnh Đông Bắc; Nhóm hợp tác giữa 03 Công viên địa chất vùng Việt Bắc; Nhóm liên kết phát triển du lịch tỉnh thuộc Chiến khu Việt Bắc với các tỉnh trung tâm du lịch) cũng chỉ lồng ghép hoặc thông qua ký kết các chương trình hợp tác, thiếu trọng tâm, trọng điểm. Một số mô hình coi trọng việc đăng cai tổ chức sự kiện luân phiên, chưa thực sự chú ý đến giám sát, điều hành thực thi các nội dung liên kết. Cơ chế hợp tác chưa ràng buộc trách nhiệm của các tỉnh trong việc tham gia các hoạt động chung nên hiệu quả chưa cao.
Du lịch Bắc Kạn và các tỉnh vùng Chiến khu Việt Bắc xuất phát điểm chậm hơn so với các nơi khác trên toàn quốc. Muốn tạo sự đột phá, khai thác tối đa tiềm năng du lịch của các địa phương thì cần “cú hích” đủ mạnh từ chính sách, nhất là sự liên kết bền chặt. Một điều hết sức quan trọng ở thời điểm này là các địa phương phải có sự thống nhất để phát triển một cách bài bản, đồng bộ. Đã đến lúc du lịch vùng Chiến khu Việt Bắc cần tìm ra “nhạc trưởng” để cầm trịch, điều phối các mối quan hệ mà các bên đều có lợi, cùng “hợp” cùng “phát”./.
(Còn nữa)
Bài 3: Cùng “hợp” cùng “phát”