Bạch Thông nhân rộng cánh đồng lúa chất lượng cao

Những năm gần đây, nhờ thực hiện canh tác lúa áp dụng giống mới, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất, hỗ trợ liên kết tiêu thụ sản phẩm nên sản lượng lúa hàng hoá của huyện Bạch Thông đạt cao, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Doanh nghiệp thu mua thóc HDT10 theo cam kết.
Doanh nghiệp thu mua thóc HDT10 theo cam kết.

850kg thóc phơi khô là thành quả mà gia đình bà La Thị Nga, thôn Bản Lạnh, xã Tân Tú thu được trong vụ xuân này khi gieo cấy 1.500m2 lúa HDT10. Hơn 20 hộ dân trong thôn cùng gieo cấy giống lúa trên với diện tích 3,7ha, đa số đều được mùa. Tham gia mô hình liên kết trồng lúa chất lượng cao, các hộ dân Bản Lạnh được hỗ trợ 70% giống, phân bón, tập huấn kỹ thuật. Từ lúc cấy đến thu hoạch, gia đình bà Nga chỉ phun một lần thuốc trừ rầy nâu, trong khi năng suất, chất lượng gạo của giống lúa HDT10 cao hơn các giống lúa thuần khác. Toàn bộ nông sản của các hộ dân tham gia mô hình được doanh nghiệp thu mua theo cam kết với giá 5.500 đồng/kg ngay sau khi mang lên từ ruộng. Đây là vụ thứ 4 liên tiếp, gia đình bà Nga và nhiều hộ dân trong thôn cùng sử dụng giống lúa chất lượng cao thay cho những giống lúa thuần vẫn hay gieo trồng trước đó. Không đơn thuần vì được hỗ trợ từ huyện, năng suất, chất lượng gạo được bảo đảm, giá bán cao, ít sâu bệnh là ưu điểm để người dân lựa chọn giống lúa chất lượng cao.

Bà La Thị Nga khẳng định: "Vụ xuân năm tới và những năm tiếp theo, dù có được hỗ trợ hay không thì gia đình tôi vẫn lựa chọn các giống lúa Nhật J02 hoặc HDT10 để gieo trồng vì hiệu quả kinh tế mang lại rõ nét".

Nhà có 5.000m2 đất trồng lúa, vụ xuân những năm trước gia đình ông Đàm Đình Hưng, thôn Bắc Lanh Chang, xã Lục Bình thường canh tác bằng giống lúa Khang dân. Được sự vận động của thôn, vụ xuân vừa qua, ông Hưng đã tham gia mô hình sản xuất lúa hàng hóa HDT10. Ngoài ít sâu bệnh hơn, ưu thế về năng suất, phẩm chất gạo cũng dễ dàng được ông Hưng nhận thấy khi đối chứng với những thửa ruộng khác cấy giống lúa Khang dân. Trong 28ha lúa vụ xuân của thôn Bắc Lanh Chang, cơ cấu giống lúa Nhật J02 và giống lúa thuần HDT10 chiếm khoảng 70 - 80%. Riêng đối với giống lúa Nhật J02 dù không còn chính sách hỗ trợ nhưng nhiều hộ dân vẫn lựa chọn làm giống lúa chủ lực cho vụ xuân. Điều này cho thấy sự tin tưởng và thay đổi nhận của người dân nơi đây trong việc hướng tới sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao.

Năm 2021, huyện Bạch Thông có hơn 81ha lúa được hỗ trợ về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật với 460 hộ dân tham gia, giống lúa sử dụng là J02 của Nhật. Qua đánh giá, các diện tích này phát huy hiệu quả, sản lượng đạt 95 tạ thóc tươi/ha. Bên cạnh đó, năm 2021 hơn 33ha diện tích đất của 159 hộ dân ở 2 xã Vi Hương, Nguyên Phúc cũng được hỗ trợ 70% kinh phí mua phân lân nung chảy Văn Điển, kali clorua, men vi sinh để cải tạo đất trồng lúa. Những diện tích đất được cải tạo đã cho năng suất lúa vượt trội hơn với những diện tích khác.

Vụ xuân năm 2022, huyện Bạch Thông tiếp tục khảo nghiệm nhiều giống lúa mới chất lượng cao.Trong ảnh: Mô hình trồng khảo nghiệm giống lúa St25 tại xã Tân Tú.

Mô hình trồng khảo nghiệm giống lúa ST25 tại xã Tân Tú.

Bước sang vụ xuân năm 2022, huyện Bạch Thông triển khai mô hình lúa hàng hóa HDT10 tại các xã Lục Bình, Tân Tú, Vi Hương, Cẩm Giàng, Quân Hà và thị trấn Phủ Thông với diện tích 60ha. Qua triển khai mô hình cho thấy lúa HDT10 khá phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng của địa phương, cây lúa phát triển tốt, ít sâu bệnh, năng suất trung bình đạt 62 tạ/ha. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu mua thóc của người dân, cơ quan chuyên môn của huyện, các xã, thị trấn đã phối hợp doanh nghiệp tư nhân lên lịch cụ thể, tổ chức thu thóc cho người dân ngay sau khi thu hoạch, với giá 5.500 đồng/kg. Thành công từ mô hình gieo cấy lúa hàng hoá HDT10 trong vụ xuân là cơ sở để các xã, thị trấn tiếp tục mở rộng diện tích gieo cấy giống lúa này trong các vụ tiếp theo, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.

Ông Lăng Văn Thụy- Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bạch Thông cho biết: Những năm qua, việc thực hiện cải tạo đất, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sử dụng giống lúa mới, bao tiêu sản phẩm đã được huyện Bạch Thông đẩy mạnh thực hiện. Quá trình tổ chức thực hiện có sự hưởng ứng tham gia nhiệt tình của người dân trong huyện. Việc hỗ trợ của Nhà nước thông qua các mô hình, dự án đóng vai trò "tạo đà" để người dân tiếp cận với các giống lúa chất lượng cao, thay đổi nhận thức và tập quán canh tác. Với diện tích đất trồng lúa khoảng 1.200ha vụ xuân và 1.700ha vụ mùa, nếu bà con áp dụng tốt khoa học kỹ thuật, thâm canh các loại giống lúa chất lượng cao sẽ là cơ sở để bảo đảm an ninh lương thực, hướng mạnh hơn đến sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân./.

X.N

Xem thêm

Video

Đọc báo in