Bắc Kạn: Tiềm năng từ mô hình nuôi cá trong lồng bè

BBK - Tận dụng lợi thế về diện tích ao hồ, sông suối… một số hộ dân trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã phát triển mô hình nuôi cá trong lồng bè đem lại nguồn thu nhập cao.

long be.jpg

Anh Ma Thế Toán, ở thôn Phiêng Chì, xã Thượng Giáo (huyện Ba Bể) nuôi cá diêu hồng trong lồng bè từ năm 2020 trên sông Năng, đến nay đã được gần 4 năm. Hiện anh có 2 lồng bè với diện tích mỗi lồng khoảng 40m2, mỗi năm từ số lồng này cho khai thác khoảng 3 tấn cá, trừ chi phí thu được hơn 100 triệu đồng.

Theo anh Toán, thiết kế lồng bè không quá cầu kỳ, chỉ cần đầu tư lưới, khung sắt, phao nổi là có thể nuôi cá. Giống cá diêu hồng sức đề kháng tốt, ăn khỏe, phù hợp môi trường, khí hậu ở địa phương, loại thức ăn chính chủ yếu là cám công nghiệp, thi thoảng kết hợp thức ăn xanh. Nuôi trong môi trường tự nhiên, cá chóng lớn, trọng lượng mỗi con đạt từ 0,8 lạng đến hơn 1kg sau 6 tháng nuôi. Thị trường tiêu thụ chủ yếu trong tỉnh, các quán ăn, trường học… Với anh Toán, đây là mô hình chăn nuôi thủy sản cho hiệu quả kinh tế khá.

Cũng nuôi cá trong lồng bè tại sông Năng thuộc địa phận xã Thượng Giáo từ vài năm nay, anh Hoàng Văn Ngọc nhận định: Nuôi cá trong lồng bè dễ quản lý dịch bệnh, chủ động việc chăm sóc. Trong 7 tháng nuôi, cá có thể đạt trọng lượng hơn 1kg, cá thương phẩm ngon, thịt chắc nên dễ bán, giá thành cao, 1kg bán được từ 70.000-80.000 đồng.

nuoi con gi.png

Bắc Kạn có diện tích hồ chứa thủy lợi, thủy điện khoảng 382ha (gồm 39 hồ chứa thủy lợi, thủy điện, trong đó có 12 hồ chứa lớn vừa có tiềm năng phát triển nuôi cá lồng, 27 hồ chứa nhỏ phát triển nuôi theo hình thức thả trực tiếp vào lòng hồ).

Phát huy lợi thế của địa phương, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Kạn đã phối hợp với một số huyện triển khai thành công các mô hình, dự án nuôi cá trong lồng bè. Bằng các giải pháp ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, nhiều mô hình bước đầu mang lại những kết quả rõ rệt.

Năm 2020, Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai 80m2 lồng cá diêu hồng tại xã Thượng Giáo (Ba Bể), sản lượng thu về 3 tấn; năm 2021, nuôi quy mô là 84m2 tại xã Kim Lư (Na Rì), sản lượng thu được trên 4 tấn. Từ thành công của các mô hình đã khuyến khích các địa phương nhân rộng. Tại xã Thượng Giáo, ban đầu chỉ có 5-7 hộ nuôi với 07 lồng thì đến nay đã có 18 hộ nuôi với 29 lồng trên sông Năng. Tại xã Kim Lư, huyện Na Rì ban đầu chỉ có 02 hộ nuôi với 04 lồng thì nay có 03 hộ tham gia nuôi với 06 lồng, bao gồm các loại cá như diêu hồng, trắm cỏ, rô phi, chép, nheo Mỹ…

Nuôi cá trong lồng bè có ưu điểm không tốn quá nhiều diện tích, chi phí đầu tư ban đầu thấp, việc quản lý thức ăn và dịch hại cho cá dễ dàng, năng suất cao hơn so với nuôi truyền thống. Tuy nhiên nhược điểm là vào mùa nước lũ dâng, nguy cơ lồng bè trôi, nước đục gây khó khăn khi cho cá ăn, môi trường nước lũ ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng của cá. Do vậy ngành chuyên môn khuyến cáo bà con hạn chế thả cá giống vào mùa nước lũ để đảm bảo quá trình nuôi đạt hiệu quả cao./.

Xem thêm

Video

Đọc báo in