Động lực thúc đẩy nâng cấp hạng sao cho sản phẩm OCOP
Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 về việc phê duyệt Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (Chương trình OCOP) giai đoạn 2018-2020 nhằm phát triển ngành nghề, kinh tế nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững trên phạm vi cả nước, Bắc Kạn đã tích cực bắt tay tham gia.
Thực tế cho thấy, từ khi xuất hiện, Chương trình OCOP đã làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu của người dân, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế ở khu vực nông thôn, phát huy tối đa sức sáng tạo của cộng đồng dân cư trong phát triển và hoàn thiện sản phẩm đặc sản địa phương. Các sản phẩm OCOP từng bước được hoàn thiện, đảm bảo tiêu chuẩn cao về ATTP, được người tiêu dùng đón nhận rất tích cực, góp phần phát triển du lịch - dịch vụ của tỉnh, đồng thời phát huy các tiềm năng, lợi thế sẵn có từ các sản phẩm truyền thống văn hóa địa phương.
Trong giai đoạn 2018 – 2020, triển khai Chương trình "Mỗi xã, phường một sản phẩm", toàn tỉnh đã có 131 sản phẩm OCOP. Trong số đó có 13 sản phẩm 4 sao, 118 sản phẩm 3 sao. Đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có 218 sản phẩm OCOP đạt từ 3 – 5 sao. Trong đó Bắc Kạn có 01 sản phẩm 5 sao là miến dong HTX Tài Hoan (Na Rì), 18 sản phẩm 4 sao (tiêu biểu như rượu men lá Bằng Phúc, miến dong HTX Yến Dương, bí xanh thơm Ba Bể, trà hoa vàng, trà nụ vối của Công ty TNHH Hà Diệp, tinh bột nghệ nếp đỏ, nếp đen, thực phẩm bảo vệ sức khỏe Vicumax nano curcumin…), 199 sản phẩm 3 sao (như mắm tép chưng thịt Khang Ninh, nấm sò tươi Minh Anh, lạp sườn Dung Dinh của HTX Dương Quang…).
Đến nay một số chủ thể đã mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư máy móc, trang thiết bị, nhà xưởng phục vụ sản xuất nhằm đưa ra các dòng sản phẩm tốt nhất ra thị trường. Trong đó Công ty Cổ phần Công nghệ Dược liệu Bắc Hà đã được công nhận đạt chuẩn GMP của Bộ Y tế; HTX Tài Hoan sản xuất an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn ISO 22000:2018; HTX Rượu men lá Thanh Tâm đạt ISO 9001: 2015; HTX men lá Bằng phúc đạt ISO 9001: 2015; HTX Tân Thành đạt ISO 22000: 2018; Công ty TNHH phát triển nông nghiệp và chế biến dược liệu Ngọc Thắng đạt ISO 22000: 2018…
Để hoàn thành mục tiêu, hằng năm Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh tổ chức các hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh, từ đó lựa chọn các sản phẩm OCOP tiềm năng, có thế mạnh, hội tụ được các yếu tố về chất lượng, đạt tiêu chuẩn theo quy định, có kiểu dáng bao bì đẹp, hiện đại, phù hợp, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng… để nâng hạng sao và dự thi sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia.
Tập trung vào nhóm sản phẩm tiềm năng chủ lực
Hiện nay sản phẩm OCOP của các địa phương đã có nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực về mẫu mã và chất lượng, nhưng việc đáp ứng số lượng lớn sản phẩm khi thị trường yêu cầu vẫn còn hạn chế. Nguyên nhân là do chưa phát triển đồng bộ về sản xuất nông nghiệp từ quy hoạch đến việc đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, công tác sơ chế, bảo quản. Một số sản phẩm nông sản OCOP của địa phương là các mặt hàng rau, củ quả tươi mang tính chất mùa vụ, chưa có sự đầu tư về công nghệ bảo quản, chế biến sâu sau thu hoạch dẫn đến thời gian sản phẩm có mặt trên thị trường rất ngắn, giá thành chưa cao. Hoạt động tiếp cận thị trường, áp dụng công nghệ và cải tiến vào sản xuất còn hạn chế.
Hiện nay theo Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá sản phẩm OCOP ban hành tại Quyết định 148/QĐ-TTg ngày 24/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ, một số tiêu chí chấm điểm 10 chưa có hướng dẫn cụ thể, gây khó khăn trong công tác hỗ trợ chủ thể hoàn thiện hồ sơ sản phẩm tham gia Chương trình. Khả năng tiếp cận, sử dụng công nghệ thông tin của bộ phận lớn hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh còn hạn chế dẫn đến việc cập nhật, kê khai thông tin sản phẩm sử dụng mã số mã vạch trên trang web vnpc.gs1.org.vn của Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia gặp nhiều khó khăn.
Với mục tiêu năm 2024 phấn đấu toàn tỉnh phát triển ít nhất 20 sản phẩm mới, căn cứ văn bản đăng ký sản phẩm tham gia Chương trình OCOP năm 2024 của UBND các xã, phường, UBND các huyện, thành phố đã chủ trì tổ chức hội nghị xét chọn ý tưởng phù hợp của sản phẩm so với mục tiêu, quan điểm của Chương trình. Kết quả họp xét trong 6 tháng đầu năm 2024, có 77 sản phẩm đủ điều kiện tham gia Chương trình OCOP năm 2024.
Vừa qua, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương tổ chức họp Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cấp trung ương năm 2024. Miến dong Tài Hoan của Hợp tác xã Tài Hoan (Na Rì) được đánh giá lại và tiếp tục được công nhận đạt chuẩn OCOP 5 sao năm 2024.
Bà Nguyễn Thị Hoan, Giám đốc Hợp tác xã Tài Hoan, xã Côn Minh (Na Rì) cho biết: “Miến dong Tài Hoan chỉ thực sự được đông đảo người tiêu dùng trên thị trường biết đến sau khi được công nhận là sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 04 sao cấp tỉnh. Hợp tác xã đang ngày càng nâng cao chất lượng và số lượng của sản phẩm. Điều này có được không chỉ ở sự nỗ lực của bản thân hợp tác xã mà còn nhờ sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, ngành, địa phương trong thời gian qua. Với việc tiếp tục được công nhận đạt sản phẩm OCOP 5 sao, miến dong của Hợp tác xã Tài Hoan tự tin tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại để vươn ra thế giới, không chỉ là Cộng hòa Séc như hiện nay mà còn đến các thị trường "khó tính" và tiềm năng khác, qua đó thúc đẩy phát triển sản xuất của Hợp tác xã, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương”.
Theo ông Dương Văn Hoàn, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh: Hiện nay số lượng sản phẩm đạt 3 – 4 sao là chủ yếu trong tổng số sản phẩm OCOP của tỉnh, chính vì vậy cần phải tiếp tục củng cố nâng cấp, hoàn thiện để các sản phẩm trên đạt thứ hạng cao hơn như OCOP 5 sao. Để phát huy được hết các thế mạnh địa phương, từng bước khắc phục những khó khăn trong định hướng doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển sản phẩm OCOP 5 sao của tỉnh, cần phải tập trung phát triển sản phẩm có tiềm năng lợi thế; chuẩn hóa các vùng nguyên liệu sản xuất sản phẩm OCOP; xây dựng, củng cố và phát triển các thương hiệu sản phẩm OCOP của địa phương. Đồng thời tăng cường tham gia xúc tiến thương mại, chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển sản phẩm OCOP, trong đó tập trung cho nhóm sản phẩm OCOP tiềm năng 5 sao. Chú trọng lựa chọn được các sản phẩm tiềm năng, hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm, trọng tâm là các sản phẩm chủ lực để chuẩn hóa 5 sao, đưa OCOP Bắc Kạn vươn ra thị trường trong và ngoài nước”./.