Bắc Kạn chú trọng sản xuất vụ đông

Trong những năm gần đây, vụ đông thực sự là vụ sản xuất chính, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác, nâng cao thu nhập cho người dân.

Theo kế hoạch, vụ đông năm 2022, toàn tỉnh trồng 1.550ha, tập trung sản xuất các loại cây trồng như: Ngô, khoai tây, khoai lang, rau màu các loại… Phấn đấu tổng sản lượng các loại cây trồng vụ đông đạt trên 17.948 tấn.

Ông Mã Văn Nghiệp, tổ Phiêng My, phường Huyền Tụng (TP. Bắc Kạn) chăm sóc vườn dâu tây.
Ông Mã Văn Nghiệp, tổ Phiêng My, phường Huyền Tụng (TP. Bắc Kạn) chăm sóc vườn dâu tây.

Với mục tiêu sản xuất các loại cây trồng vụ đông theo hướng thâm canh, tăng năng suất, chất lượng cây trồng; từ đó tăng hiệu quả kinh tế cho người sản xuất, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2022, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tăng cường hướng dẫn nông dân gieo trồng đảm bảo theo khung thời vụ đối với từng loại cây trồng; thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật từ khâu gieo trồng, chăm sóc đến thu hoạch; áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế rủi ro do thiên tai, dịch bệnh; tăng cường cơ giới hóa trong các khâu canh tác, giảm tối đa chi phí đầu vào trong sản xuất.

Bố trí cơ cấu giống hợp lý cho từng vùng sản xuất, khuyến cáo người dân sử dụng các giống có năng suất, chất lượng tốt, có khả năng chống chịu sâu bệnh, phù hợp với khả năng đầu tư thâm canh của địa phương. Đối với cây rau các loại, hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp canh tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng cường sử dụng các loại phân hữu cơ, thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học…

Cây trồng vụ đông năm 2022 có sự chuyển dịch từ nhóm cây trồng có giá trị kinh tế thấp sang cây trồng có giá trị cao hơn. Một số loại cây như khoai tây, củ cải, rau cải Nhật, củ kiệu, ngô sinh khối có thị trường đầu ra ổn định, góp phần gia tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích. Trên cơ sở đất đai, nhu cầu thị trường, tập quán và kinh nghiệm canh tác để gieo trồng các loại rau cho phù hợp như cải bắp, su hào, súp lơ, đậu cô ve, đậu Hà Lan, rau cải các loại, dưa chuột, cà chua…

Hiện nay, các địa phương đã bố trí thời vụ cây trồng phù hợp, huy động các nguồn lực từ các chương trình, dự án để hỗ trợ người dân sản xuất vụ đông. Việc áp dụng cơ giới hóa trong các khâu làm đất ngày càng được người dân quan tâm đầu tư. Cơ cấu giống, vật tư nông nghiệp được kiểm soát chặt chẽ hơn và cung ứng đầy đủ, đảm bảo chất lượng. Hầu hết, các sản phẩm cây trồng tạo ra có giá bán ổn định, đã hình thành chuỗi liên kết sản xuất với các công ty, doanh nghiệp đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.

Thời điểm hiện nay, nhiều loại cây đã lên xanh hoặc ra quả như ngô đông, cà chua, dưa chuột, bí. Các loại cây ưa lạnh như cây khoai tây đang thời vụ gieo trồng; cây rau, đậu các loại (cải ăn lá, súp lơ, bắp cải, đậu cô ve...) tổ chức  trồng rải vụ để tránh tình trạng dư thừa nguồn cung, giá thấp.

Cà chua ở phường Huyền Tụng (TP. Bắc Kạn) đã được thu bán.
Cà chua ở phường Huyền Tụng (TP. Bắc Kạn) đã được thu bán.

Ưu điểm sản phẩm nông nghiệp vụ đông đều là sản phẩm hàng hóa. Nhiều sản phẩm như khoai tây, ớt, rau cải, củ cải, củ kiệu… được bao tiêu sản phẩm. Không những thế, nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn đầu tư nguồn vốn lớn để trồng các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như dưa lưới, dâu tây… Ông Mã Văn Nghiệp, người trồng hơn 5.000m2 dâu tây trong nhà lưới ở tổ Phiêng My, phường Huyền Tụng (TP. Bắc Kạn) chia sẻ: “Dâu tây ưa lạnh nên chỉ trồng vào vụ đông. Thời điểm trồng phù hợp vào khoảng tháng 10, tháng 11, sau đó duy trì chăm sóc, thu hái đến tháng 2, tháng 3 của năm sau. Hiện vườn dâu tây đã ra hoa, khoảng nửa tháng nữa bắt đầu cho những lứa quả đầu tiên, sản phẩm năm 2021 không đủ tiêu thụ trên thị trường trong tỉnh".

Đồng chí Nguyễn Hoàng Tùng, Chi cục trưởng, Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng Bắc Kạn cho biết: Việc sản xuất vụ đông trên địa bàn tỉnh được phát triển khá toàn diện với đa dạng sản phẩm; được hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ổn định. Tuy nhiên, sản xuất vụ đông năm 2022 cũng gặp một số khó khăn như giá phân bón tăng cao, hệ thống thủy lợi phục vụ nhu cầu tưới vụ đông còn hạn chế; việc liên kết sản xuất còn gặp nhiều khó khăn do diện tích đất sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ.

Dẫu còn nhiều khó khăn nhưng sản xuất vụ đông ở tỉnh Bắc Kạn đã theo hướng thâm canh, tăng năng suất, chất lượng cây trồng, từ đó tăng hiệu quả kinh tế từ sản phẩm. Cùng với đó, các cơ quan chuyên môn, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã chú trọng làm cầu nối liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, đảm bảo đầu ra ổn định để người dân yên tâm sản xuất. Qua đó, đưa vụ đông thực sự là vụ sản xuất chính, góp phần nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác và nâng cao thu nhập cho người dân./.

Phan Quý

Xem thêm

Video

Đọc báo in