Tâm tư nguyên vọng của người dân
Tại buổi tiếp xúc, đối thoại, các ý kiến, kiến nghị của người dân bày tỏ với lãnh đạo tỉnh và các cấp có thẩm quyền đều trên tinh thần xây dựng, thẳng thắn, cởi mở, nêu rõ vấn đề, tuần tự phát biểu ý kiến theo thứ tự điều hành của chủ trì hội nghị.
Ông Lý Văn Dũng, thôn Đồng Luông, xã Quảng Chu cho biết: Gia đình có thửa đất đã sử dụng hơn 20 năm và chưa đăng ký việc trồng rừng với Công ty Cổ phần SAHABAK. Nhưng hiện nay phía Công ty đã đo đạc, kiểm đếm vào diện tích thửa đất của gia đình. Thửa đất có diện tích hơn 1ha nhưng phía Công ty đo được hơn 0,8ha, do vậy gia đình chưa đồng ý ký vào biên bản thống nhất kiểm đếm.
Theo ông Nguyễn Ngọc Khương, Trưởng thôn Đồng Luông, xã Quảng Chu: Hiện nay trong thôn có nhiều hộ dân chưa đồng thuận ký vào biên bản thống kê, kiểm đếm do đơn vị tư vấn thực hiện là vì trong biên bản ghi nội dung tài sản gắn liền với đất có Công ty Cổ phần SAHABAK là đồng sở hữu 25%. Tuy nhiên những diện tích cây trồng này là do người dân tự bỏ vốn đầu tư 100%, không liên quan đến Công ty Cổ phần SAHABAK, do vậy cần làm rõ nội dung này.
Tương tự, bà Đỗ Thị Linh, thôn Đồng Luông nêu ý kiến mong muốn UBND huyện Chợ Mới tạo điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ các hộ dân trong thôn thành lập hợp tác xã hoặc thành lập công ty để người dân được tham gia sản xuất, kinh doanh trên phần diện tích đất rừng mà người dân đã canh tác từ nhiều đời nay.
Ông Nguyễn Văn Quang, thôn Làng Chẽ nêu ý kiến mong muốn các cấp có thẩm quyền làm rõ nguồn gốc đất canh tác từ trước khi có Lâm trường Chợ Mới thì phần đất nào của dân canh tác từ những năm 1960 sử dụng trồng lúa, trồng ngô, làm nương rẫy, rồi sau đó trồng rừng và sau đó phần đất này lại giao cho Công ty Cổ phần SAHABAK thì có những diện tích nào chồng lấn với đất của người dân hay không? Và Công ty Cổ phần SAHABAK phá sản do hoạt động không hiệu quả, do vậy các công ty khác đến đầu tư cần xem xét, đánh giá năng lực cụ thể.
Ý kiến của cơ quan chức năng và kết luận của lãnh đạo tỉnh
Sau 11 lượt ý kiến, kiến nghị của người dân, lãnh đạo đại diện các Sở: Tài nguyên và Môi trường; Tài chính; lãnh đạo UBND huyện Chợ Mới; Công ty TNHH Tư vấn khảo sát thiết kế Nông, lâm nghiệp Bắc Kạn (đơn vị đo đạc, kiểm đếm) đã trả lời những nội dung liên quan mà người dân đã nêu.
Kết luận buổi tiếp xúc, đối thoại, đồng chí Nông Quang Nhất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá buổi đối thoại thể hiện tinh thần dân chủ, khách quan, người dân nêu ý kiến, kiến nghị chính đáng, với tâm tư, nguyện vọng của mình đề nghị làm rõ một số nội dung còn vướng mắc. Đây là sự việc đã xảy ra và tồn tại trong nhiều năm, một phần do công tác quản lý đất đai, hồ sơ chưa chặt chẽ dẫn đến những vướng mắc hiện nay.
Để giải quyết những vướng mắc này, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Các hộ dân đã nêu ý kiến về nguồn gốc đất do gia đình đã sử dụng canh tác từ lâu, đề nghị được giao đất thì cung cấp các hồ sơ, tài liệu, bảo đảm căn cứ pháp luật cho xã, cho huyện để tổng hợp. Nếu đủ điều kiện theo quy định thì huyện Chợ Mới tiến hành cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Về ý kiến mong muốn thành lập hợp tác xã hoặc công ty cho người dân để từ đó giao đất cho người dân tổ chức sản xuất thì các cơ quan chuyên môn của xã Quảng Chu và cơ quan chuyên môn của huyện Chợ Mới chủ động phối hợp thực hiện hướng dẫn các thủ tục, hồ sơ nếu người dân có nhu cầu; bảo đảm đúng quy định, đúng quy hoạch, đúng mục đích sử dụng.
Các thôn có các hộ dân còn thắc mắc về việc thống kê, kiểm đếm thì lập danh sách đầy đủ; đơn vị tư vấn chủ động phối hợp với xã Quảng Chu, với các thôn và những hộ dân còn thắc mắc đến kiểm đếm cụ thể để tạo sự đồng thuận của người dân. Những hộ được UBND tỉnh mời đến tiếp xúc đối thoại nhưng vắng mặt thì các hộ đã đến thông tin lại để nắm nội dung giải quyết.
Trường hợp các đơn vị, cơ quan chức năng đã thực hiện đo đạc, kiểm đếm, đầy đủ mà các hộ dân vẫn không đồng ý ký biên bản xác nhận thì các cấp có thẩm quyền từ xã đến tỉnh sẽ tổng hợp và thực hiện các bước tiếp theo theo quy định của pháp luật./. (Hết)