Tiềm năng nông nghiệp lớn
Bắc Kạn hiện có hơn 50.000ha, diện tích cây nông nghiệp các loại, gồm cây lương thực, chất bột, rau màu, cây công nghiệp, cây ăn quả… trên 374.000ha đất có rừng, trong đó hơn 102.000ha rừng trồng, với các loại cây như quế, mỡ, keo, hồi… Đây là những lợi thế để phát triển các vùng trồng hàng hóa, cây lấy gỗ, cây dược liệu.
Để phát huy thế mạnh đó, năm 2020 tỉnh Bắc Kạn ban hành Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, giai đoạn 2020-2025. Theo đó, rà soát, cơ cấu lại một số cây lương thực, cây công nghiệp, chăn nuôi, thủy sản trên từng vùng sản xuất; quy hoạch quỹ đất nông nghiệp theo vùng, hướng tới phát triển sản phẩm chủ lực; chuyển đổi tổ chức sản xuất từ phân tán, nhỏ lẻ sang tập trung quy mô lớn, có sự tham gia của các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), tổ chức sản xuất theo chuỗi tiêu thụ nông sản, nhằm nâng cao giá trị gia tăng.
Sau 4 năm thực hiện Đề án, nhiều địa phương của tỉnh từng bước phát huy được lợi thế vùng trồng, lựa chọn được các loại cây trồng phù hợp với tiềm năng, thổ nhưỡng, khí hậu, hình thành vùng chuyên canh tập trung, như: Vùng mơ tại xã Cao Kỳ (Chợ Mới); dong riềng tại các huyện: Na Rì, Ba Bể; cam quýt tại các huyện: Bạch Thông, Na Rì; hồng không hạt tại các huyện: Chợ Đồn, Ba Bể. Vùng sản xuất hữu cơ, VietGAP, nông nghiệp thông minh được quan tâm, các chuỗi sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm hình thành. Đến nay, toàn tỉnh có trên 3.000ha lúa chất lượng cao, gồm các giống lúa Japonica, Bao thai, lúa nếp Khẩu Nua Lếch…, ở các huyện: Chợ Đồn, Bạch Thông, Ba Bể, Pác Nặm, Ngân Sơn; trên 1.200ha thực hiện sản xuất theo quy trình hữu cơ, nhiều diện tích đất ruộng kém hiệu quả được chuyển đổi sang trồng cây hằng năm, đem lại giá trị kinh tế cao, như: Rau màu, bí xanh thơm, cây dược liệu, thạch đen... đạt từ 90 -150 triệu đồng/ha/năm; cây ăn quả như cam, quýt, thanh long..., đạt trung bình từ 110 - 130 triệu đồng/ha/năm, gấp hơn 02 lần so với canh tác lúa.
Rừng trồng tại tỉnh bắt đầu chuyển từ trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn và rừng trồng đa mục đích. Tỉnh cũng có các cơ chế, chính sách để thu hút các doanh nghiệp, tổ chức tham gia vào hoạt động sản xuất, chế biến, xuất khẩu, cấp chứng chỉ rừng bền vững FSC. Đối với cây dược liệu, hiện có khoảng 600ha, tỉnh đã quy hoạch vùng trồng dược liệu và quy hoạch xây dựng nhà máy chế biến dược liệu tại huyện Ba Bể.
Thích ứng để phát triển
Nông nghiệp là ngành thường xuyên phải chịu tác động từ biến đổi khí hậu, với các loại hình thiên tai phổ biến như: Hạn hán, mưa lũ, dông lốc, đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất của người dân. Năm 2024, thiên tai đã khiến hơn 5.000ha diện tích nông, lâm nghiệp, thủy sản bị vùi lấp, ngập úng; dịch bệnh trên gia súc như: Dịch tả lợn châu Phi hoành hành, kéo dài; bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò khiến cho nhiều hộ chăn nuôi bị thiệt hại... Từ những thực tế này, buộc ngành chức năng cùng các địa phương trong tỉnh cần phải có các biện pháp chủ động đối phó, thích ứng.
Khắc phục những khó khăn, sẵn sàng bước vào kỷ nguyên vươn mình, lĩnh vực nông nghiệp cần có những giải pháp cụ thể, tạo ra “cú hích” mang tính đột phá. Ông Triệu Đức Văn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh nhận định: Thời gian tới, ngành tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo ra sản phẩm sạch và an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường; liên kết sản xuất và nâng cao chuỗi giá trị, để tăng thu nhập cho dân cư khu vực nông thôn. Nghiên cứu xây dựng phương án sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, để bảo đảm ổn định sản xuất. Chú trọng sản xuất an toàn, sản xuất hữu cơ, khuyến khích chăn nuôi an toàn dịch bệnh, hình thành các trang trại cung cấp con giống, chăn nuôi thương phẩm.
Thường xuyên cập nhật tín hiệu thị trường, để xác định chủng loại, tiêu chuẩn trong sản phẩm cần sản xuất. Lấy doanh nghiệp, HTX dẫn dắt hình thành các chuỗi giá trị ngành hàng nông sản theo yêu cầu thị trường. Khuyến khích các doanh nghiệp, HTX khởi nghiệp, lập nghiệp về lĩnh vực chế biến nông sản. Đánh giá lại năng lực các HTX, để có giải pháp hỗ trợ thúc đẩy phát triển, trở thành hạt nhân nòng cốt trong sản xuất nông nghiệp. Tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, nhằm thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm.../.