Ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển nông nghiệp, nông thôn

Những năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu cho tỉnh triển khai hoạt động khoa học công nghệ (KH&CN) bám sát nhiệm vụ của địa phương, kiên trì thực hiện mục tiêu lấy nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và chuyển giao công nghệ mới vào sản xuất và đời sống là nhiệm vụ trọng tâm.

Giai đoạn 2008-2020, Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu triển khai thực hiện 157 nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước, trong đó 68,3% (108/157) nhiệm vụ thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Những kết quả nổi bật thông qua các đề tài, dự án cho thấy, KH&CN đã tiên phong xây dựng các mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Tiêu biểu như: Mô hình ứng dụng KHCN sản xuất chè Shan tuyết theo hướng hữu cơ, VietGAP tại xã Bằng Phúc (Chợ Đồn), góp phần tăng năng suất chè trên 15%. Việc chế biến 03 sản phẩm hồng trà, bạch trà và trà xanh theo quy trình công nghệ tiên tiến đã nâng cao giá trị kinh tế lên gấp đôi. Hay như mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cải tạo và phát triển vùng sản xuất chè hàng hóa tại các huyện Chợ Mới, Ba Bể, đến nay bắt đầu đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Chất lượng chè chế biến theo quy trình công nghệ được nâng lên rõ rệt, giá bán cao hơn so với sản phẩm thông thường. Tại huyện Bạch Thông, mô hình trồng mới và thâm canh cam sành theo hướng VietGAP ở các xã Dương Phong, Quang Thuận cho năng suất tăng 15 - 20%, chất lượng cao hơn so với diện tích ngoài mô hình.

Mô hình trồng mới và thâm canh cam sành Bắc Kạn theo hướng VietGAP ở xã Dương Phong (Bạch Thông) đã cho năng suất tăng 15-20%.
Mô hình trồng mới và thâm canh cam sành theo hướng VietGAP ở xã Dương Phong (Bạch Thông).

Ngành Khoa học và Công nghệ đã quan tâm ứng dụng tiến bộ trong việc tuyển chọn giống vật nuôi và sử dụng giống cây trồng mới có chất lượng trong sản xuất nông, lâm nghiệp. Điển hình như: Tuyển chọn giống vịt bầu cổ xanh phát triển thành sản phẩm hàng hóa, tạo ra sản phẩm chất lượng tốt, tạo dựng thương hiệu để nâng cao khả năng cạnh tranh và giá trị gia tăng cho sản phẩm; khảo nghiệm và tuyển chọn giống lúa ĐS1, VAAS 16 thuộc dòng Japonica phù hợp với điều kiện của tỉnh, phát triển với quy mô sản xuất hàng hóa, (vụ xuân năm 2020 đạt khoảng 550ha). Thông qua ứng dụng tiến bộ KHCN, nhiều giống cây ăn quả mới được đưa vào sản xuất nhằm đa dạng hoá sản phẩm nông nghiệp như: Lê VH6, cam Xã Đoài, bưởi Diễn… Tại các huyện Ba Bể, Chợ Mới,nhữnggiống chè mới, chất lượng cao như PH8, Kim Tuyên đã được đưa vào trồng theo hướng VietGAP và hữu cơ. Đặc biệt, cây chè hoa vàng trồng thử nghiệm được đánh giá phù hợp với điều kiện của tỉnh, có thể phát triển ở quy mô phù hợp. Ngoài ra, các địa phương còn trồng thử nghiệm một số giống cây trồng mới, làm nguyên liệu chế biến và phục vụ xuất khẩu, như gừng trâu, củ kiệu, dưa chuột Nhật Bản, cà gai leo…

Để nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân, ngành KH&CN đã chủ động xây dựng quy trình kỹ thuật, hoàn thiện công nghệ sản xuất một số sản phẩm đặc sản của tỉnh. Các đề tài, dự án triển khai đã chuyển giao quy trình sản xuất, hoàn thiện quy trình công nghệ chế biến cho người dân và các hợp tác xã, như: Quy trình kỹ thuật sản xuất chè VietGAP, hữu cơ; kỹ thuật sản xuất sản phẩm chè Shan tuyết, chè trung du chất lượng cao; nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất tinh dầu, trà hoà tan từ quả quýt; quy trình chăm sóc, thu hái và sơ chế cây dược liệu cà gai leo... Các dự án còn hỗ trợ thiết kế logo, bao bì, nhãn mác, kết nối thị trường, giúp người dân, cơ sở sản xuất tiêu thụ sản phẩm.

Hướng tới khẳng định thương hiệu các nông sản, sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh của tỉnh, cùng với sự vào cuộc của các cấp, ngành, Sở Khoa học và Công nghệ đã chú trọng công tác xây dựng thương hiệu, bảo hộ sở hữu trí tuệ. Đến nay, Sở đã tham mưu trình Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bảo hộ Chỉ dẫn địa lý Bắc Kạn cho các sản phẩm: Hồng không hạt, quýt và miến dong; bảo hộ Nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm: Miến dong, gạo Bao thai Chợ Đồn, gạo nếp Khẩu Nua Lếch Ngân Sơn, chè Shan tuyết Bằng Phúc (Chợ Đồn). Sở đang phối hợp hoàn thiện hồ sơ trình cấp Chỉ dẫn địa lý Bắc Kạn cho sản phẩm vịt bầu cổ xanh và đăng ký chương trình phát triển tài sản trí tuệ cho một số sản phẩm của địa phương. Việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đã và đang có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo môi trường đầu tư, duy trì lợi thế cạnh tranh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đặc sản; bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.

Những thành tựu quan trọng của KH&CN trong các hoạt động phục vụ nông nghiệp, nông thôn, nông dân thời gian qua đã góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Qua đó hình thành các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa; xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo chuyển biến tích cực trong sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.

A.T

Xem thêm

Video

Đọc báo in