Tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến thấp

BBK - Việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến được xem là khâu quan trọng trong tiến trình cải cách hành chính và triển khai xây dựng chính quyền điện tử. Tuy nhiên, hiện số người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại huyện Na Rì còn thấp, đòi hỏi cần có giải pháp phù hợp của cấp, ngành chức năng.
Người dân thực hiện các thủ tục hành chính trực tiếp tại Bộ phận "một cửa" huyện Na Rì.

Người dân thực hiện các thủ tục hành chính trực tiếp tại Bộ phận "một cửa" huyện Na Rì.

Anh Trương Văn Quỳnh, xã Kim Lư chia sẻ về việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Ngày đầu tuần, rất đông người dân có mặt tại Bộ phận “một cửa” của huyện Na Rì để làm thủ tục hành chính, trong đó có anh Trương Văn Quỳnh, xã Kim Lư đến nộp giấy tờ thực hiện các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp.

Các thủ tục này anh có thể nộp trực tuyến thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia, các giấy tờ gốc chuyển qua dịch vụ bưu chính công ích. Tuy nhiên, khi được hỏi, anh Quỳnh lại không biết thông tin này: "Tôi dùng điện thoại thông minh từ lâu rồi, nhưng chủ yếu để đọc tin tức và chuyển khoản thanh toán khi mua bán, còn về hồ sơ trực tuyến chưa rành lắm nên cứ ra huyện làm cho dễ".

Năm nay có con vào học lớp 1, với sự hỗ trợ của người quen, chị Hoàng Thị Thoa, thôn Nà Noong, xã Trần Phú nộp hồ sơ xin học cho con bằng hình thức trực tuyến. Chị Thoa cho biết, đã nghe nói về dịch vụ công trực tuyến từ lâu nhưng gia đình chưa nộp hồ sơ, giấy tờ qua môi trường mạng bao giờ mà chỉ ra UBND xã hay lên tận huyện để làm trực tiếp. "Qua lần nộp hồ sơ trực tuyến cho con vào lớp 1, tôi nghĩ dịch vụ công trực tuyến có nhiều lợi ích và không khó để thực hiện".

Hiện nay, các thủ tục hành chính đều có thể thực hiện trực tuyến một phần hoặc toàn trình thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia. Tuy nhiên tỷ lệ người dân ở huyện Na Rì biết, sử dụng các dịch vụ này còn thấp. Theo thống kê của huyện, đến đầu tháng 7/2023, toàn huyện chỉ có 1.170/9.188 thủ tục trực tuyến, chiếm tỷ lệ hơn 12,7%, đạt thấp so với chỉ tiêu đề ra. Nguyên nhân là do công tác tuyên truyền, phổ biến tại các địa phương còn chưa hiệu quả; kỹ năng, hiểu biết, nhận thức của người dân còn thấp; nhiều thôn bản vùng cao chưa kết nối được internet. Bên cạnh đó, việc nộp hồ sơ trực tuyến còn gặp một số bất cập về nhân lực, kỹ thuật và quy trình, thủ tục. Một bộ phận người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số "ngại" thao tác trên phần mềm do hạn chế về kỹ năng, trình độ...

Trao đổi về giải pháp nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, ông Lương Thanh Luyện, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin, Phó Trưởng ban chỉ đạo Xây dựng chính quyền điện tử huyện Na Rì cho biết: Huyện sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân biết đến và sử dụng nhiều hơn dịch vụ công trực tuyến, phát huy tinh thần gương mẫu của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong sử dụng phương thức giao dịch hiện đại này. Tiếp tục tập huấn cho cán bộ ở Bộ phận “một cửa” của huyện về việc hướng dẫn người dân tạo tài khoản khi đến giao dịch. Khuyến khích các xã, thị trấn sử dụng nhóm mạng xã hội để chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ người dân vùng khó khăn tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Phát huy vai trò và trách nhiệm của Tổ công nghệ số cộng đồng ở mỗi địa phương.

Sử dụng dịch vụ công trực tuyến giúp giảm thời gian gửi/nhận hồ sơ, giảm công sức và tăng hiệu quả kinh tế - xã hội. Người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện bất kỳ lúc nào, ở đâu khi có máy tính, điện thoại thông minh được kết nối internet. Với những tiện ích đó, nếu được phổ biến rộng rãi và hướng dẫn tận tình, người dân sẽ dần tiếp cận và hào hứng sử dụng các dịch vụ này./.

Xem thêm

Video

Đọc báo in