Bắc Kạn tích cực chuyển đổi số

BBK - Để thực hiện mục tiêu xây dựng tỉnh Bắc Kạn phát triển nhanh, bền vững, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được tỉnh xác định là tăng cường công tác chuyển đổi số. Kết quả thực hiện thời gian qua cho thấy, một số mục tiêu của tỉnh đã đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Những kết quả đạt được bước đầu

Về hạ tầng, nền tảng kỹ thuật trong phát triển chính quyền số: Đến nay 100% cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đã có mạng internet và hệ thống mạng nội bộ; 100% cán bộ, công chức tại cơ quan nhà nước 3 cấp tỉnh, huyện, xã được trang bị máy tính làm việc.

Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh Bắc Kạn được thiết kế theo kiến trúc phân lớp bảo mật và sử dụng các công nghệ hiện đại, đáp ứng yêu cầu sử dụng của các hệ thống dịch vụ và ứng dụng của tỉnh như: Phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc; phần mềm Một cửa điện tử, Một cửa điện tử liên thông và dịch vụ công trực tuyến mức độ cao. Hệ thống thư điện tử công vụ đã cấp gần 7.000 tài khoản. Hầu hết cán bộ, công chức, viên chức đã có thói quen chỉ sử dụng thư điện tử công vụ trong trao đổi công việc chuyên môn.

Cán bộ, công chức, viên chức huyện Pác Nặm tích cực ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

Cán bộ, công chức, viên chức huyện Pác Nặm tích cực ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

Toàn tỉnh hiện có 6.233km cáp quang, 672 trạm BTS, 07 cột ăng ten sử dụng chung cơ sở hạ tầng, 01 trạm điều khiển thông tin di động, nhờ vậy 100% xã, phường, thị trấn được phủ sóng di động 2G/3G/4G; quang hóa 100% hạ tầng đường truyền tới các cơ quan, đơn vị, địa phương; 100% cơ quan, đơn vị, địa phương được kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng và được chuẩn hóa kết nối giám sát 4 cấp hành chính; số thuê bao điện thoại đạt 284.135 thuê bao kết nối, bảo đảm liên thông liên tục.

Về hiện trạng cơ sở dữ liệu, đã được sử dụng tại các cơ quan như: Cơ sở dữ liệu (CSDL) về cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng: Hệ thống và CSDL đưa vào sử dụng từ tháng 12/2019 với 146 đơn vị sử dụng, đã cập nhật được trên 12.000 hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh.

Các nghiệp vụ chuyên môn về quản lý đất đai được thao tác và xử lý trực tiếp trên phần mềm và thực hiện trên môi trường mạng; CSDL đất đai được đưa vào hoạt động đã phục vụ tốt công tác chỉnh lý biến động đất đai, cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai nhanh gọn, chính xác. Hệ thống Quản lý hồ sơ sức khỏe toàn dân hiện được duy trì triển khai tại 129 đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh. Kết nối đồng bộ dữ liệu với Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Sở Giao thông vận tải, đến nay đã cập nhật 47.675 hồ sơ cấp mới, 83.181 hồ sơ cấp đổi giấy phép lái xe.

Công ty TNHH Hà Diệp, thành phố Bắc Kạn tích cực ứng dụng công nghệ thông tin để quảng bá và bán sản phẩm trà hoa vàng.

Công ty TNHH Hà Diệp, thành phố Bắc Kạn tích cực ứng dụng công nghệ thông tin để quảng bá và bán sản phẩm trà hoa vàng.

Có thể thấy rằng: Việc chỉ đạo, đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong thời qua đã giúp chỉ số xếp hạng DTI của tỉnh Bắc Kạn tăng đáng kể so với năm 2020, hiện nay tỉnh Bắc Kạn đứng thứ 51 trên toàn quốc về chỉ số xếp hạng chuyển đổi số; đứng thứ 55 toàn quốc về chính quyền số; đứng thứ 39 toàn quốc về kinh tế số; đứng thứ 42 toàn quốc về xã hội số.

Nỗ lực khắc phục khó khăn, hoàn thành các mục tiêu đề ra

Đồng chí Hoàng Văn Thiên, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Phó Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Bắc Kạn.

Đồng chí Hoàng Văn Thiên, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Phó Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Bắc Kạn.

Theo đồng chí Hoàng Văn Thiên, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Phó Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Bắc Kạn chia sẻ: Bên cạnh những kết quả đã đạt được, so với các tỉnh/thành phố khác trong cả nước, điểm xếp hạng các chỉ số thành phần về thể chế số, an toàn thông tin mạng và nhóm chỉ số hoạt động của chính quyền số, xã hội số của Bắc Kạn vẫn còn thấp.

Tỉnh chưa có nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung; chưa triển khai nền tảng số quản trị tổng thể, thống nhất toàn tỉnh phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan nhà nước; kinh phí dành cho hoạt động chuyển đổi số hằng năm còn thấp; công tác đảm bảo an toàn thông tin cho chuyển đổi số chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu.

Do vậy, để khắc phục những hạn chế nêu trên và đảm bảo phấn đấu đạt mục tiêu Đề án tổng thể chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030, trong đó có chỉ tiêu hằng năm “Chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh tăng từ 2 bậc trở lên”, thì việc tiếp tục quan tâm, triển khai các dự án, nhiệm vụ chuyển đổi số trong năm 2023 và những năm tiếp theo là cần thiết. Qua đó nâng cao hơn nữa thứ hạng chỉ số chuyển đổi số của Bắc Kạn trong thời gian tới.

Cùng với đó, tỉnh tiếp tục quan tâm, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực và thu hút nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân trong tỉnh tích cực tham gia các hoạt động xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số gắn với đảm bảo an toàn thông tin trên môi trường số.

Phát huy sự sáng tạo của người dân; đặt người dân, doanh nghiệp vào vị trí trung tâm, hướng tới xây dựng chính quyền kiến tạo phục vụ, mang lại tiện ích, hiệu quả cao nhất cho người dân và doanh nghiệp. Qua đó góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao hiệu lực quản lý của chính quyền các cấp và chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn tỉnh./.

Xem thêm

Video

Đọc báo in