Tự tin về chất lượng, doanh nghiệp Bắc Kạn chú trọng truy xuất nguồn gốc sản phẩm

BBK -Việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa là nhu cầu phổ biến của người tiêu dùng hiện nay, do đó, doanh nghiệp, HTX nắm bắt xu hướng, quan tâm đầu tư truy xuất nguồn gốc sản phẩm, giải pháp để sản xuất, kinh doanh bền vững.

Bà Nông Thị Biệt, Giám đốc HTX Minh Anh (TP.Bắc Kạn) chuyên sản xuất các loại nấm ăn, nấm dược liệu chia sẻ: “HTX chúng tôi không ngại đầu tư trong thực hiện truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm. Hiện nay, HTX Minh Anh có tất cả 23 tem nhãn cho 23 sản phẩm phục vụ truy xuất nguồn gốc của người tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều người tiêu dùng chưa quan tâm nhiều đến các sản phẩm có nguồn gốc cũng như chưa ưu tiên sử dụng các sản phẩm này. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp, HTX khi chi phí đầu tư cao hơn nhưng vẫn phải cạnh tranh giá bằng các sản phẩm không rõ nguồn gốc trên thị trường”.

HTX Minh Anh hiện nay có 23 sản phẩm từ nấm ăn, nấm dược liệu đều có tem nhãn truy xuất nguồn gốc.

HTX Minh Anh hiện nay có 23 sản phẩm từ nấm ăn, nấm dược liệu đều có tem nhãn truy xuất nguồn gốc.

Có mặt tại gian hàng rau, quả ở trung tâm thương mại Vincom Plaza Bắc Kạn, chị Hoàng Thị Tâm, một khách hàng đến từ huyện Na Rì chia sẻ: Vào Vincom thì các mặt hàng đều có tem nhãn để truy xuất nguồn gốc nên yên tâm hơn khi mua ở chợ, thế nhưng thường có thói quen tiện đâu mua đó. Tôi sẽ phải thay đổi nhận thức để bảo vệ sức khỏe cho mình, cho người thân”.

Chị Nguyễn Hải Yến, TP. Bắc Kạn cho biết: Từ khi có hệ thống trung tâm thương mại Vincom và một số siêu thị trên địa bàn, tôi đã rất ít khi mua rau, quả bán trôi nổi bên ngoài khi không có tem nhãn, địa chỉ xuất xứ rõ ràng, vì thế vào Vincom, siêu thị mua tôi cảm thấy yên tâm hơn”.

Khách hàng tham quan sản phẩm trưng bày tại "Sắc thu hồ Ba Bể" năm 2023

Khách hàng tham quan sản phẩm trưng bày tại "Sắc thu hồ Ba Bể" năm 2023

Trong khi nguồn cung ứng hàng hóa trên thị trường ngày càng đa dạng thì việc truy xuất nguồn gốc đang trở thành nhu cầu lớn của người tiêu dùng. Việc này một mặt giúp cho hàng hóa phong phú hơn, nhưng cũng gây khó khăn cho người tiêu dùng khi không thể nhận biết được hàng hóa mà mình sử dụng có nguồn gốc đảm bảo hay không, chính vì vậy, người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn đến việc truy xuất nguồn gốc.

Giai đoạn 2018-2022, tỉnh Bắc Kạn đã đề xuất Cục Phát triển thị trường & Doanh nghiệp KHCN trình Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét, bổ sung nhiệm vụ xây dựng thương hiệu (đăng ký nhãn hiệu, xây dựng bộ tiêu chuẩn, đăng ký sử dụng mã số, mã vùng, ghi nhãn hàng hóa và truy xuất nguồn gốc). Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân, HTX, doanh nghiệp đăng ký mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc, đăng ký nhãn hiệu; tăng cường công tác truyền thông tới người tiêu dùng về các ứng dụng và giá trị của việc truy xuất nguồn gốc và thúc đẩy sử dụng các sản phẩm có truy xuất nguồn gốc.

Tỉnh Bắc Kạn ban hành Quyết định số 1633/QĐ-UBND ngày 9/9/2020 về việc ban hành Kế hoạch về “Đề án triển khai áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc” trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, Quyết định số 790/QĐ-UBND ngày 02/6/2021 về việc phê duyệt danh mục sản phẩm hàng hóa chủ lực trọng điểm của tỉnh cần ưu tiên triển khai truy xuất nguồn gốc giai đoạn 2021-2025; tổ chức các lớp tập huấn về truy xuất nguồn gốc, mã số mã vạch sản phẩm hàng hoá trên địa bàn tỉnh; điều tra khảo sát đối với các doanh nghiệp, HTX, đánh giá thực trạng sản xuất sản phẩm hàng hóa; triển khai hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng, cập nhật dữ liệu phù hợp các tiêu chuẩn Việt Nam về truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm chủ lực trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Đình Điệp, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Kạn: Từ năm 2018 đến nay, sở KH&CN phối hợp với cơ quan liên quan kiểm tra về tiêu chuẩn, chất lượng và ghi nhãn hàng hóa tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, với hơn 8.900 sản phẩm hàng hóa được kiểm tra về tiêu chuẩn, chất lượng và ghi nhãn hàng hóa. Chấp hành quy định về đo lường chất lượng theo quy định nhằm giảm thiểu hiện tượng gian lận trong thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; mã số, mã vạch truy xuất hàng hóa góp phần phát triển bền vững cho các doanh nghiệp, HTX.

Xem thêm

Video

Đọc báo in