BBK - Sáng 12/12, tại hội trường tỉnh, UBND tỉnh Bắc Kạn tổ chức Hội nghị “Giải pháp nâng cao các chỉ số về kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn". Sự kiện thu hút sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh. Báo Bắc Kạn tường thuật trực tiếp Hội nghị này, mời quý độc giả quan tâm theo dõi.
11h35': Đồng chí Phạm Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu bế mạc Hội nghị.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Hưng phát biểu bế mạc Hội nghị. |
Đồng chí đánh giá: Khó khăn lớn nhất trong chuyển đổi số của các doanh nghiệp đó là thay đổi thói quen. Để thay đổi thói quen trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của một doanh nghiệp phụ thuộc chủ yếu vào quyết tâm của người đứng đầu. Thách thức lớn nhất của chuyển đổi số trong doanh nghiệp là nhận thức. Chuyển đổi số là vấn đề nhận thức chứ không phải là vấn đề công nghệ, là chuyện dám làm, dám thay đổi thói quen, cách làm mới hay không dám làm của người lãnh đạo. Như vậy, chuyển đổi số có thành công hay không hoàn toàn phụ thuộc với người lãnh đạo doanh nghiệp.
Để triển khai có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế số, xã hội số, đặc biệt là hoạt động chuyển đổi số cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị: Các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân về chuyển đổi số nói chung và kinh tế số, xã hội số nói riêng; chú trọng việc khơi gợi tinh thần chủ động, quyết tâm thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số trong mỗi người dân, doanh nghiệp.
Sở Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển nền tảng số quốc gia trên địa bàn tỉnh; tiếp tục tổ chức các lớp bồi dưỡng, đào tạo kỹ năng số cho cán bộ, doanh nghiệp, người dân. Chủ động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số; nghiên cứu thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp số. Đề nghị Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh phối hợp đánh giá xếp loại mức độ chuyển đổi số trong doanh nghiệp; quan tâm, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tỉnh thực hiện quá trình chuyển đổi số.
Lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn đề nghị Vụ Kinh tế số và Xã hội số – Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tỉnh Bắc Kạn triển khai các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số cho doanh nghiệp một cách hiệu quả, thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Tin tưởng rằng sự thành công về chuyển đổi số trong doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Bắc Kạn trong thời gian tới.
Đại diện các doanh nghiệp, HTX tham dự Hội nghị Giải pháp nâng cao các chỉ số về kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. |
11h10': Thảo luận, trao đổi, giải đáp thắc mắc giữa các đại biểu dự Hội nghị với đại diện Vụ Kinh tế số và Xã hội số, một số sở, ngành liên quan của tỉnh và các doanh nghiệp cung cấp nền tảng chuyển đổi số cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Kạn. |
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư nhận định: Chuyển đổi số liên quan đến vận mệnh của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động. Tuy nhiên còn nhiều doanh nghiệp chưa nắm rõ các giải pháp chuyển đổi số. Mặc dù Sở có triển khai hỗ trợ chuyển đổi số từ nguồn của Bộ KH&ĐT, tuy nhiên số lượng doanh nghiệp tham gia còn ít. Đề ra những giải pháp để doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ hiệu quả hơn vào hoạt động chuyển đổi số.
Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông trao đổi thêm về việc khuyến khích doanh nghiệp, HTX tỉnh Bắc Kạn mạnh dạn dùng thử các phần mềm, giải pháp chuyển đổi số, nền tảng số do các nhà cung cấp lĩnh vực CNTT triển khai.
10h50': Ông Nguyễn Danh Thắng, Trưởng phòng Kinh doanh - Viettel Bắc Kạn tham luận về chủ đề Viettel đồng hành cùng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) Chuyển đổi số toàn diện - Khôi phục và tăng trưởng sau Covid -19.
Ông Nguyễn Danh Thắng giới thiệu các phân hệ chính của Hệ sinh thái VESS. |
Trong đó, ông Thắng giới thiệu tổng quan về doanh nghiệp SME tại Việt Nam; nhu cầu chuyển đổi số của SME trong trạng thái bình thường mới; hệ sinh thái giải pháp số Viettel cho SME.
Khi đại dịch Covid-19 diễn ra, trên 90% doanh nghiệp vừa và nhỏ chịu ảnh hưởng tiêu cực, doanh thu bị sụt giảm, thị trường truyền thống bị thu hẹp. Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số chính là chìa khóa giúp các SMEs giải quyết vấn đề của mình. Ông Nguyễn Danh Thắng giới thiệu một số giải pháp, sản phẩm trong hệ sinh thái do Viettel sáng tạo để phục vụ cho doanh nghiệp chuyển đổi số toàn diện.
10h32': Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Trưởng ban Chiến lược sản phẩm - Giám đốc Ban Chuyển đổi số Tập đoàn VNPT Việt Nam tham luận về "VNPT đồng hành chuyển đổi số tại Bắc Kạn".
Trong đó, ông Nguyễn Đức Kiên nêu một số kinh nghiệm của VNPT trong lĩnh vực chuyển đổi số; đề xuất một số giải pháp tham gia chuyển đổi số tại Bắc Kạn; đề xuất kế hoạch thực hiện. Về giải pháp sẽ áp dụng gồm những nội dung như: Tư vấn chuyển đổi số toàn diện tỉnh Bắc Kạn; giải pháp VNPT oneGov; giải pháp định danh điện tử eKYC; trợ lý ảo VNPT Assitant; đảm bảo an toàn - an ninh mạng; nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu VXP (LGSP); hệ sinh thái an sinh xã hội (VNPT ASXH); hệ thông tin Đảng viên (Sổ tay Đảng viên); hệ sinh thái phát triển Kinh tế số - oneSME; giải pháp hợp đồng điện tử - VNPT eContract... Đề xuất các giải pháp xã hội số - thanh toán trực tuyến... Đồng thời ông Nguyễn Đức Kiên khẳng định VNPT sẽ đồng hành với tỉnh Bắc Kạn trong chuyển đổi số.
10h15': Ông Nguyễn Kim Dũng, Giám đốc Trung tâm CĐS - Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tham luận về chủ đề "Chuyển đổi số - xu hướng tất yếu của doanh nghiệp tỉnh Bắc Kạn trong hội nhập và phát triển".
Ông Dũng nhận định chuyển đổi số đã và đang tác động sâu sắc đến mọi hoạt động của người dân, doanh nghiệp. Phân tích các giá trị quan trọng của chuyển đổi số với hoạt động của doanh nghiệp, như: tăng sự hài lòng của khách hàng; tiếp cận được nhiều khách hàng hơn; cải tiến và tự động hóa quy trình giúp tăng năng suất và hiệu quả sản xuất kinh doanh; xóa bỏ mọi khoảng cách trong tổ chức và kết nối; về dữ liệu có thể cải tiến, dự báo, ra quyết định nhanh chóng thông qua môi trường số hóa…
Ông Nguyễn Kim Dũng đề xuất tỉnh có các chương trình hỗ trợ mạnh mẽ một vài doanh nghiệp tỉnh Bắc Kạn chuyển đổi số thành công, trở thành hình mẫu điển hình về chuyển đổi số cho cộng đồng doanh nghiệp Bắc Kạn. Xây dựng các chương trình đào tạo nhận thức kỹ năng về chuyển đổi số cho người lao động. Đối với các doanh nghiệp cần chủ động học hỏi các mô hình thành công, áp dụng quyết liệt vào sản xuất kinh doanh.
Vụ trưởng Trần Minh Tuấn nêu một số ý tưởng, định hướng, kế hoạch phát triển kinh tế số, xã hội số cho tỉnh Bắc Kạn đến 2025.
Vụ trưởng Trần Minh Tuấn gợi ý cho Bắc Kạn một số nội dung để triển khai hiệu quả chuyển đổi số. |
“Thông minh hóa” mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu và phát triển bền vững là mục tiêu khi triển khai xây dựng kinh tế số. Mục tiêu đến 2025 là: 100% phần mềm dùng chung Bắc Kạn tích hợp Vpostcode; Mỗi hộ gia đình một mã địa chỉ bưu chính; 100% thôn phủ sóng băng rộng di động; mỗi người dân có 1 smartphone; 80 - 90% hộ gia đình có 1 đường cáp quang; mỗi người dân có 1 định danh điện tử - công dân điện tử; mỗi người dân có 1 tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt; mỗi hộ gia đình tham gia sàn TMĐT cho các sản phẩm nông nghiệp; phát triển doanh nghiệp công nghệ số để thúc đẩy chuyển đổi số cho các ngành nông nghiệp, y tế, giáo dục, du lịch, môi trường; nâng cao tỷ lệ chi ngân sách cho các dịch vụ và giải pháp an toàn, an ninh mạng và chuyển đổi số...
Vụ trưởng Trần Minh Tuấn khẳng định: Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp cung cấp giải pháp chuyển đổi số tạo điều kiện cho doanh nghiệp Bắc Kạn như: Miễn phí sử dụng năm đầu, giảm phí sử dụng trong năm tiếp theo... Hỗ trợ mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Bắc Kạn tiếp cận, sử dụng các giải pháp Kinh tế số... |
9h12': Đồng chí Trần Minh Tuấn, Vụ Trưởng Vụ KTS và XHS Bộ TT&TT phát biểu về Định hướng phát triển kinh tế số - xã hội số tỉnh Bắc Kạn đến 2025.
Đồng chí Trần Minh Tuấn, Vụ Trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông. |
Bài phát biểu nêu những nhận định, đánh giá về hạ tầng nền tảng số cần có tại Bắc Kạn, như: Hóa đơn điện tử, sàn thương mại điện tử, phát thanh truyền hình... Giới thiệu những mô hình có nét tương đồng, áp dụng công nghệ chuỗi khối Blockchain; các mô hình phát triển nông nghiệp thông minh, chuyển đổi số nông nghiệp để Bắc Kạn có thể tham khảo, xây dựng chính quyền số, xã hội số và kinh tế số. Khuyến khích tỉnh Bắc Kạn mạnh dạn ứng dụng công nghệ số, xây dựng kinh tế số để thu hút doanh nghiệp vào đầu tư tại tỉnh. Trong việc xây dựng kinh tế số nông nghiệp, nhiều kinh nghiệm của Israel như "Mô hình hợp tác xã Moshav" tạo nhiều giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp. Từng người dân vừa ứng dụng tốt công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh, phân phối, tiếp thị, vừa chính là người giới thiệu mô hình thu hút khách du lịch tới trải nghiệm, sử dụng sản phẩm.
Vụ trưởng Trần Minh Tuấn nhấn mạnh những tiện ích khi triển khai kinh tế số, ứng dụng công nghệ thanh toán không dùng tiền mặt, mô hình chợ 4.0; xây dựng mô hình xã hội số trong các lĩnh vực như Y tế, văn hóa... Xã hội số là xã hội tích hợp công nghệ số một cách tự nhiên và mặc định vào mọi mặt đời sống, người dân được kết nối, có khả năng tương tác và thành thạo kỹ năng số để sử dụng các dịch vụ số, từ đó, hình thành các mối quan hệ mới trong môi trường số, hình thành thói quen số và văn hóa số.
Đưa hoạt động của người dân lên môi trường số bằng nền tảng số Việt Nam, như: Liên lạc, trình duyệt và công cụ tìm kiếm, mạng xã hội, bản đồ số, đi lại, mua sắm, giao hàng, tin tức, học tập, sức khỏe, du lịch, thanh toán, giải trí, họp trực tuyến, an toàn thông tin mạng... Về nhân lực, xây dựng cách tiếp cận mới thông qua xây dựng các Tổ công nghệ số cộng đồng; liên kết đào tạo từ xa...
8h50': Đồng chí Nông Văn Niệp, Phó Giám đốc phụ trách Sở Thông tin và Truyền thông trình bày Báo cáo Kết quả chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn.
Phó Giám đốc phụ trách Sở Thông tin và Truyền thông, ông Nông Văn Niệp. |
Theo đó, nhận thức về chuyển đổi số của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, công chức, viên chức; các doanh nghiệp và Nhân dân đã bước đầu chuyển biến tích cực. Hầu hết các đơn vị cung cấp dịch vụ điện nước, viễn thông và truyền thông, y tế, giáo dục, các hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh đã triển khai phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối, kinh doanh, một số chợ trên địa bàn tỉnh đã sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân bước đầu tích cực tham gia hoạt động trên các sàn TMĐT, sử dụng các ứng dụng, nền tảng số như: Sổ sức khoẻ điện tử, ứng dụng liên lạc zalo, Cổng dịch vụ công của tỉnh, đăng ký và sử dụng tài khoản trên các thiết bị thông minh thanh toán không dùng tiền mặt, ứng dụng công dân số, thanh toán bằng mã QR tại chợ triển khai mô hình Chợ điện tử 4.0... Việc này đã đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, như thu thập được nhiều thông tin đa chiều từ khách hàng, giảm chi phí, rút ngắn thời gian, khoảng cách cho việc xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Qua đánh giá cho thấy, bên cạnh kết quả đạt được, nhận thức về vai trò của chuyển đổi số của một số doanh nghiệp, hợp tác xã chưa cao; các doanh nghiệp chưa mạnh dạn trong việc đầu tư sử dụng các nền tảng số, giải pháp công nghệ mới trong sản xuất kinh doanh. Tỉnh chỉ ra những hạn chế, nguyên nhân, đồng thời đề ra những giải pháp tập trung vào những nội dung như:
8h35': Hội nghị xem video clip Bắc Kạn với chuyển đổi, do Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện.
Phóng sự về chuyển đổi số tại Bắc Kạn
8h26': Đồng chí Nguyễn Đăng Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu khai mạc Hội nghị.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình phát biểu khai mạc Hội nghị. |
Bài phát biểu nêu rõ, nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, thời gian qua, quá trình xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số của tỉnh Bắc Kạn được thực hiện theo định hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa cơ quan nhà nước, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội.
Với việc đẩy mạnh các giải pháp, phần mềm ứng dụng CNTT trong chỉ đạo, điều hành, thúc đẩy quá trình hình thành chính quyền số, kinh tế số, xã hội số cùng với sự quyết tâm, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Bắc Kạn; sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, trong 02 năm vừa qua, tỉnh Bắc Kạn đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong xây dựng hạ tầng viễn thông và CNTT, ứng dụng CNTT, phát triển chính quyền điện tử, xây dựng đô thị thông minh.
Hiện toàn tỉnh có khoảng 1.200 doanh nghiệp và 340 hợp tác xã. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đã và đang đóng góp tích cực vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn người lao động trên địa bàn tỉnh. |
Đến nay, nhiều doanh nghiệp của tỉnh đã ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đã đạt 100%; tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh đạt 70%; tỷ lệ thôn/bản được phủ sóng internet cáp quang băng rộng đạt 96%; tỷ lệ người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử đạt 82%. Các hoạt động mại điện tử, mua bán trực tuyến, quảng cáo trực tuyến, sử dụng ví điện tử, thanh toán trực tuyến đang dần trở thành xu hướng được đông đảo doanh nghiệp và người dân tham gia.
Bên cạnh những kết quả đạt được bước đầu, xét về tổng thể, hoạt động kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế như: Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân về kinh tế số, xã hội số chưa được quan tâm thực hiện thường xuyên; khả năng tiếp cận của doanh nghiệp và người dân còn hạn chế; tỉnh chưa có nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư, hoạt động công nghệ số; việc phát triển kinh tế số ICT còn chậm…
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn, thông qua hội nghị góp phần nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, các hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh về ý nghĩa, tầm quan trọng của hoạt động chuyển đổi số, kinh tế số đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời tăng cường sự tham gia và đồng hành cùng với các cơ quan chức năng của tỉnh trong việc xác định nội dung, giải pháp, lộ trình thực hiện chuyển đổi số của doanh nghiệp đảm bảo chất lượng, hiệu quả.
Lãnh đạo tỉnh tham dự Hội nghị. |
8h20': Hội nghị khai mạc.
Dự hội nghị có các đồng chí: Trần Minh Tuấn, Vụ Trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông; Nguyễn Đăng Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Duy Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Quang cảnh Hội nghị. |
Đăng Bách - Trần Tuyến - Văn Lạ