Sáng 07/12, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội thảo báo chí quốc tế “Quản trị tòa soạn báo chí số: Lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm ở khu vực ASEAN”.
Trong phiên thảo luận đầu tiên với chủ đề “Lý luận chung về quản trị tòa soạn số”, đại diện lãnh đạo các cơ quan báo chí, các nhà báo trong nước và khu vực đã chia sẻ kinh nghiệm về công cuộc chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí ở các nước, cũng như những chính sách, giải pháp của các nhà nước trong việc hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số báo chí, truyền thông.
Mở rộng các nền tảng để tăng độ tiếp cận độc giả
Tại phiên đầu tiên, nhà báo WU Rui Ming (Báo Shin Min Daily News, Hiệp hội Truyền thông và Xuất bản Sáng tạo của Singapore) trình bày tham luận với chủ đề “Từ mô hình tòa soạn truyền thống đến mô hình hội tụ và mô hình tòa soạn số: Vai trò và điều kiện chuyển đổi”.
Giới thiệu về lịch sử hình thành, phát triển cũng như cách thức hoạt động của báo Shin Min Daily News, ông Wu cho biết, do là một tờ báo in, nên Shin Min Daily News xác định phải đón đầu tin tức, thắt chặt quy trình duyệt tin bài khi kết thúc thời hạn nhận tin với lúc 12 giờ trưa. Song song, tờ báo này cũng tăng tương tác với độc giả bằng đường dây nóng hoạt động 24/7 để tiếp nhận phản hồi của độc giả.
Trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, Shin Min Daily News cũng đã có sự thay đổi mạnh mẽ từ hình thức trình bày thông tin trên báo sang hình thức mới để tăng tính hấp dẫn với độc giả.
Nhà báo WU Rui Ming (Báo Shin Min Daily News, Hiệp hội Truyền thông và Xuất bản Sáng tạo của Singapore) cho rằng, các mô hình toà soạn truyền thống cần mở rộng và tận dụng sức mạnh của các nền tảng số để tăng cường tương tác với độc giả. |
Cụ thể, ngoài việc đưa tin dưới dạng truyền thống (báo giấy), tờ báo này cũng lựa chọn các bản tin quan trọng để livestream trên Facebook; tận dụng lợi thế của các nền tảng khác như Instagram, TikTok…
Ngoài ra, tờ báo cũng thực hiện mô hình “báo số” dưới hình thức website, trong đó cho phép độc giả mua thẻ thành viên/trả phí để tiếp cận ấn phẩm truyền thống.
“Chúng tôi đã và đang tiếp tục cập nhật các kỹ năng của chính mình cho phù hợp với quá trình chuyển đổi số đang diễn ra nhanh chóng”, ông Wu nói.
Diễn giả tới từ Singapore cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều thách thức trong quá trình chuyển đổi số hiện nay đối với tờ báo của ông nói riêng, cũng như các mô hình toà soạn truyền thống nói chung như vấn đề tin giả, áp lực về nhân lực, yêu cầu mới về công nghệ…
Cùng chung quan điểm, ông Khieu Kola, Cố vấn Chủ tịch, Ủy viên Ban chấp hành Câu lạc bộ các nhà báo Campuchia (CCJ) cho rằng: Cách mạng chuyển đổi số là sự kết hợp giữa những quy trình và tư duy, từ đó tác động lớn đến xã hội.
Hiện, Campuchia đang tích cực áp dụng công nghệ số trong các bộ ngành và tổ chức công, góp phần phát triển quá trình chuyển đổi số Chính phủ với mục tiêu nhằm tăng cường cung cấp dịch vụ công kịp thời.
Ông Khieu Kola phát biểu tại hội thảo. |
Trong năm 2023 và 2024, CCJ nhận thức rõ việc cần đào tạo và kết nối khoảng 500 nhà báo thành viên để thích ứng với môi trường công nghệ và chuyển đổi số. Thế nhưng, truyền thông Campuchia còn gặp khó khi chuyển đổi số chưa được phủ rộng rãi.
Các cơ quan báo chí Campuchia cũng hiểu rõ cần thích ứng sớm để theo dòng xu hướng và “sống sót” trong môi trường đầy cạnh tranh.
CCJ đang tập trung vào chuyển đổi kỹ thuật số trong lĩnh vực truyền thông của Campuchia. Trong đó bao gồm 3 kiến nghị quan trọng của Chính phủ bao gồm Chính phủ số, kinh tế số và thương mại điện tử. Từ đó đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung của Campuchia.
Chuyển đổi số bao gồm cả thách thức và cơ hội
Trình bày tham luận về Chiến lược chuyển đổi số báo chí ở Việt Nam, bà Đặng Thị Phương Thảo, Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh, chuyển đổi số là xu thế tất yếu và cũng là áp lực tích cực đối với các cơ quan báo chí Việt Nam và với độc giả, thúc đẩy cơ quan báo chí phải thay đổi để tồn tại và phát triển trong thời đại số hiện nay.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, trong khi một số cơ quan báo chí đã tích cực, đóng vai trò dẫn dắt trong chuyển đổi số bằng cách thay đổi cách thức thể hiện, tiếp cận độc giả, vẫn còn nhiều cơ quan báo chí Việt Nam vẫn đang do dự, băn khoăn trong thực hiện chuyển đổi số.
Với vai trò cơ quan quản lý nhà nước, bà Phương Thảo cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có những bước đi cụ thể để hỗ trợ các cơ quan báo chí Việt Nam trong công cuộc chuyển đổi số. Trong đó, việc Chính phủ ban hành Chiến lược chuyển đổi số quốc gia đã tạo hành lang pháp lý giúp các bộ, ngành hỗ trợ công cuộc chuyển đổi số báo chí đi đúng hướng và phát triển.
Bà Đặng Thị Phương Thảo, Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông trình bày tham luận tại hội thảo. |
Về các nội dung hỗ trợ cụ thể, Bộ đã xây dựng bản đồ công nghệ số trong cả lĩnh vực báo chí và xuất bản, cùng với đó là bộ tiêu chí trưởng thành chuyển đổi số dự kiến sẽ được công bố cuối tháng 12 năm nay, qua đó giúp đánh giá các cơ quan báo chí đang ở mức độ nào về chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân sự, công nghệ và sản phẩm số để có đánh giá thực trạng và các bước đi tiếp theo.
Ngoài ra, bộ cũng hỗ trợ các cơ quan báo chí bảo vệ bản quyền trên môi trường số, đo quét vi phạm bản quyền, đào tạo nguồn nhân lực và hỗ trợ “nắn dòng” kinh tế báo chí khi xây dựng các danh sách những cơ quan báo chí chính thống để hướng các nhãn hàng đầu tư vào các kênh truyền thông báo chí lành mạnh.
Bà Phương Thảo cũng nhấn mạnh, để công cuộc chuyển đổi số báo chí thành công, nhận thức của các tòa báo cần thực sự thay đổi để đầu tư hơn vào công cuộc này, đồng thời kết hợp chặt chẽ giữa 3 nhà: Nhà báo, nhà công nghệ và nhà quảng cáo để thực hiện chuyển đổi số hiệu quả cả về nội dung và kinh tế báo chí.
Bên cạnh đó, cần có các chính sách đầu tư, đãi ngộ để thu hút nguồn nhân lực đặc biệt là về công nghệ cho chuyển đổi số, cùng với tích cực ứng dụng công nghệ để đo quét sắc thái thông tin và phản hồi của người đọc để có các nội dung phù hợp.
TS Phạm Thị Thành, Tổng Biên tập Tạp chí Thông tin, Khoa học lý luận chính trị. |
Đồng tình với quan điểm trên, Tiến sĩ Phạm Thị Thành - Tổng Biên tập Tạp chí Thông tin, Khoa học lý luận chính trị cho rằng, trong chuyển đổi số, một số công nghệ có vai trò trụ cột như: Trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, công nghệ phân tích dữ liệu, công nghệ chuỗi khối, công nghệ internet vạn vật...
Chuyển đổi số hoạt động báo chí đã được khẳng định là xu thế tất yếu. Đó là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện về quy trình xuất bản, mô hình hoạt động và phương thức sản xuất của các cơ quan báo chí và người làm báo.
Tối ưu hệ sinh thái báo chí
Chia sẻ tổng quan về Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), ông Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết, đến nay, VOV là cơ quan báo chí Việt Nam duy nhất có đầy đủ 4 loại hình báo chí gồm phát thanh, truyền hình, báo in và báo điện tử. Ngoài ra, VOV phủ rộng với nhiều ngôn ngữ dân tộc thiểu số nhất (13 ngôn ngữ), nhiều ngôn ngữ nước ngoài nhất (13 ngôn ngữ).
Nói rõ hơn về hệ sinh thái nội dung số của VOV, đài đang tập trung xây dựng các nền tảng phân phối nội dung số và đẩy mạnh truyền thông trên môi trường số, cụ thể qua 3 kênh là phát thanh, truyền hình và báo điện tử. Trong đó, mỗi loại hình truyền thông có xu hướng phát triển theo hướng chuyên sâu và chuyên nghiệp của từng loại hình báo chí. Truyền hình tập trung vào hình ảnh và video, phát thanh chủ yếu vào âm thanh và báo điện tử là tích hợp đa phương tiện.
Ông Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam trình bày tham luận tại hội thảo. |
VOV đã và đang xây dựng một hệ sinh thái linh hoạt dựa trên công nghệ, ở đó các đơn vị nội dung có thể chia sẻ nguồn lực và tài nguyên một cách hiệu quả. Phát triển cơ chế và giao thức để dễ dàng chia sẻ thông tin, nội dung, và kỹ năng giữa đội ngũ phóng viên, biên tập viên.
“Đài xác định tầm nhìn trong hệ sinh thái báo chí số là xây dựng một môi trường nội dung đa dạng và phong phú, cung cấp thông tin từ nhiều góc độ và chủ đề khác nhau, hướng tới sự hiện đại và sáng tạo trong cách tiếp cận nội dung và truyền thông để đảm bảo thu hút độc giả ở mọi độ tuổi và sở thích”, ông Hùng cho biết.
Trong thời gian tới, mục tiêu của VOV đặt ưu tiên phát triển những yếu tố về áp dụng công nghệ và đào tạo nhân lực. Cụ thể, tiếp tục số hoá quy trình sản xuất gồm các công đoạn thu thập, lưu trữ, chia sẻ, lập lịch, phát và truyền thông, phân phối nội dung trên mọi loại hình, nền tảng (bao gồm các nền tảng truyền thống, nền tảng số của riêng VOV và các nền tảng mạng xã hội, xuyên biên giới).
Cùng với đó, nâng cao nhận thức cho các cấp lãnh đạo và nhân viên để có nhìn nhận đúng đắn, kịp thời về hệ sinh thái báo chí số; đào tạo “kỹ sư phần mềm”, “kỹ sư quản trị hệ thống”, “kỹ sư phân tích dữ liệu” để khai thác và đủ khả năng quản lý, vận hành và phát triển hệ thống công nghệ thông tin trong kỷ nguyên số.
Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng Nền tảng truyền hình số quốc gia VTVgo, TS Phạm Anh Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm Sản xuất và phát triển nội dung số (VTV Digital), Đài Truyền hình Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cho biết, với mục tiêu "xem TV mọi lúc, mọi nơi, mọi thiết bị", VTVgo được ra đời vào tháng 4/2015, là sản phẩm của quá trình chuyển đổi số kéo dài hơn 10 năm tại Đài Truyền hình Việt Nam, nhằm bắt kịp xu thế chuyển dịch của khán giả từ truyền hình truyền thống sang các nền tảng truyền thông số.
Tính đến nay, Nền tảng truyền hình số quốc gia VTVgo đã được cài đặt và sử dụng trên 42 triệu thiết bị, hơn 8 triệu khán giả thường xuyên sử dụng với trung bình 240 triệu lượt xem hằng tháng. VTVgo đã có mặt trên mọi hệ điều hành và trên mọi kho ứng dụng di động và TV thông minh, thay thế cho phương tiện truyền dẫn qua vệ tinh các nội dung của Đài Truyền hình Việt Nam ra nước ngoài với hơn 1 triệu khán giả sử dụng thường xuyên ở 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2018, VTVgo vinh dự được trao tặng Giải thưởng Công nghệ số Việt Nam.
TS Phạm Anh Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm Sản xuất và phát triển nội dung số (VTV Digital), Đài Truyền hình Việt Nam. |
Nhờ sự thành công và phổ biến của VTVgo đối với người dùng Internet tại Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông đã quyết định chọn đây là Nền tảng truyền hình số quốc gia, mở ra những tiềm năng to lớn cho VTVgo khi trở thành một tập hợp của hơn 80 kênh truyền hình trong một nền tảng OTT, phủ sóng toàn quốc.
Trong tương lai gần, VTVgo sẽ được cài đặt sẵn trên tất cả các TV thông minh được bán, phân phối và sử dụng tại Việt Nam, giúp khán giả tiếp cận các kênh truyền hình một cách đơn giản nhất.
Cùng với tầm nhìn chiến lược và những bước đi cụ thể trong tiến trình chuyển đổi số của Đài Truyền hình Việt Nam, cũng như được định vị trong chiến lược chuyển đổi số toàn diện của Chính phủ, VTVgo hướng đến mục tiêu trở thành một nền tảng truyền thông toàn diện trên Internet và có thể cạnh tranh sòng phẳng về tầm ảnh hưởng với các nền tảng xuyên biên giới, bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.
Đề xuất thành lập mạng lưới truyền thông Đông Nam Á
Trong tham luận với chủ đề “Chuyển đổi giá trị tương hỗ giữa Nhà xuất bản và Công ty nền tảng số trong kỷ nguyên báo chí trí tuệ nhân tạo”, ông Agus Sudibyo, Chủ tịch Hội đồng Giám sát Cơ quan phát thanh truyền hình công cộng TVRI, Hội Nhà báo Indonesia nêu ra thực trạng đáng lo ngại tại Indonesia.
Cụ thể, theo ông Agus, tại Indonesia hiện nay, 80% tin tức đang bị kiểm soát bởi Google và Facebook. Các nền tảng này cũng chiếm tới 70% doanh thu quảng cáo; đồng thời thu thập dữ liệu người dùng, bán dữ liệu này cho các nhà quảng cáo.
Agus Sudibyo, Chủ tịch Hội đồng Giám sát Cơ quan phát thanh truyền hình công cộng TVRI, Hội Nhà báo Indonesia trình bày tham luận tại hội thảo. |
“2 năm trước đây, Hội Nhà báo Indonesia và Chính phủ đã cố gắng xây dựng những điều luật mới về quyền xuất bản trên nền tảng số để hỗ trợ báo chí lành mạnh. Ở đây, chúng tôi nhấn mạnh đến sự hài hoà giữa đơn vị xuất bản và các nền tảng số. Chúng tôi đề nghị các nền tảng số phải đàm phán để làm rõ trách nhiệm chia sẻ kế hoạch minh bạch giữa các bên. Điều luật cũng đặt ra quy định tránh phân bổ, thương mại hoá các nội dung không phù hợp với tiêu chí báo chí lành mạnh”, ông Agus Sudibyo nhấn mạnh.
Với thách thức này, đại diện đến từ Indonesia đề xuất thành lập mạng lưới truyền thông ASEAN để hướng tới truyền thông bền vững; trong đó nhấn mạnh sự hợp tác giữa các quốc gia để giải quyết vấn đề chung.
Cần sớm hoàn thiện chiến lược chuyển đổi số báo chí của từng tòa soạn
Chia sẻ thực tiễn triển khai mô hình tòa soạn số ở Báo Nhân Dân - một trong những tòa soạn đang đi đầu trong chuyển đổi số tại Việt Nam, ông Ngô Việt Anh, Phó Trưởng Ban Nhân Dân điện tử cho biết, thời gian qua, Báo Nhân Dân đã và đang đẩy nhanh thực hiện chiến lược multi-platform (đa nền tảng) và xu hướng digital-first, hướng đến tiếp cận thế hệ digital đang trưởng thành dần, ngày càng đông đảo hơn.
Theo đó, thông tin được ưu tiên đưa lên báo điện tử, thông tin xuất hiện bất cứ nơi nào có độc giả và chủ động đưa tin đến với độc giả thay vì cách tiếp cận truyền thống là độc giả tìm đến với thông tin.
Ngoài ra, Báo cũng hợp tác với các đối tác quốc tế Chartbeat phát triển công cụ đo lường, phân tích dữ liệu hành vi, nhu cầu độc giả, nhằm giúp tòa soạn cung cấp thông tin đúng nhu cầu của bạn đọc, tối ưu thời gian bạn đọc lưu lại trên báo (time on site) và lượng truy cập (pageviews).
Nhà báo Ngô Việt Anh trình bày tại hội thảo. |
Đồng thời, ứng dụng công nghệ, sử dụng các tools (công cụ) miễn phí như Flourish, Infogram... vào quy trình sản xuất các sản phẩm trực quan, dữ liệu; đẩy mạnh phát triển Fanpage Báo Nhân Dân trên các mạng xã hội Facebook, TikTok; khai trương nhiều trang thông tin đặc biệt nhằm tiếp tục hiện thực hóa chiến lược phát triển đa nền tảng, đa phương tiện…
Đặc biệt, một điểm nhấn về chuyển đổi số của Báo Nhân Dân được ông Ngô Việt Anh đề cập đó là việc xây dựng các sản phẩm Tri thức chuyên sâu. Với khẩu hiệu “Mọi câu hỏi đều có lời giải”, chuyên mục đặc biệt này nhằm đón đầu xu hướng báo chí chuyên sâu, báo chí dữ liệu nhằm cung cấp kiến thức tổng quan, chuyên sâu với cách trình bày công phu, đa phương tiện, hấp dẫn.
Tri thức chuyên sâu bao gồm đa dạng lĩnh vực như chính trị, kinh tế, xã hội, khoa học, công nghệ, văn hóa, thể thao… Hơn 1 năm kể từ khi ra mắt (tháng 7/2022), Báo Nhân Dân đã xây dựng hơn 60 nội dung Tri thức chuyên sâu phân loại theo 5 nhóm gồm: sự kiện, vấn đề, nhân vật, địa danh, tổ chức.
Về triển khai mô hình tòa soạn số, ông Ngô Việt Anh cho biết, tháng 6/2023, Tòa soạn hội tụ Nhân Dân điện tử được khánh thành trên khu vực có diện tích hơn 400m2. Tòa soạn hội tụ hiện đại sẽ tận dụng tối đa nguồn lực, sản xuất thông tin theo phương thức tích hợp, thể hiện linh hoạt và phù hợp với từng nền tảng, từng nhóm đối tượng bạn đọc.
Đề xuất một số giải pháp hoàn thiện mô hình tòa soạn số ở các cơ quan đa phương tiện chủ lực, Phó Trưởng Ban Nhân Dân điện tử cho rằng cần sớm xây dựng, bổ sung, hoàn thiện chiến lược chuyển đổi số báo chí của các tòa soạn trong giai đoạn 5-10 năm tới.
Theo nhà báo Ngô Việt Anh, các tòa soạn cần xác định rõ chiến lược, con đường về chuyển đổi số, trong đó nhấn mạnh vào nhận thức và thay đổi cách thức làm việc của cán bộ, nhân viên... |
“Khi tòa soạn có chiến lược, con đường rõ ràng về chuyển đổi số sẽ thay đổi nhận thức và thay đổi cách thức làm việc của cán bộ, nhân viên, cơ cấu hoạt động như một cơ quan sản xuất và phân phối nội dung đa nền tảng, đa phương tiện”, ông Ngô Việt Anh nói.
Bên cạnh đó, ông Ngô Việt Anh cũng cho rằng cần đầu tư mạnh mẽ cho công nghệ, đổi mới và phát triển theo mô hình “cơ quan báo chí-công nghệ” (media-tech) - nâng cao năng lực công nghệ để hỗ trợ cho lĩnh vực chuyên môn là báo chí; xây dựng quy trình vận hành tòa soạn số theo hướng “digital-first”; và khuyến khích tinh thần đổi mới sáng tạo trong cả tòa soạn.
“Chuyển đổi số không chỉ là tạo ra sản phẩm mới, cách thức tiếp cận mới với độc giả, thậm chí tạo ra cả văn hóa mới trong tòa soạn. Tinh thần tự đào tạo, đổi mới sáng tạo phải là yếu tố sống còn quyết định thành công của chuyển đổi số”, Phó Trưởng Ban Nhân Dân điện tử nhấn mạnh.
Cũng trong phiên thảo luận, các đại biểu cũng trao đổi về các vấn đề chung quanh việc thúc đẩy chuyển đổi số, quản trị toà soạn số để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của độc giả, khán thính giả.