Thể chế phải thông thoáng, giao thông phải thông suốt, quản lý phải thông minh để phát triển ngành du lịch Việt Nam nhanh, bền vững

BBK -Đó là phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững sáng 15/11. Hội nghị tổ chức theo hình thức trực tiếp tại trụ sở Chính phủ và kết nối trực tuyến toàn quốc. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì.
Đại biểu tham dự tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn

Đại biểu tham dự tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn

Tham dự tại điểm cầu tỉnh có các đồng chí: Nguyễn Đăng Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Duy Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh.

Theo báo cáo tại Hội nghị, do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày, năm 2023, trong bối cảnh quốc tế, trong nước còn nhiều thách thức, song với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nỗ lực của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sự tích cực của các bộ, ngành, địa phương, sự đồng hành của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, ngành du lịch Việt Nam đã đạt được một số kết quả nổi bật như:

Cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch tiếp tục được rà soát, điều chỉnh, bổ sung và ban hành kịp thời. Sản phẩm du lịch được làm mới, hấp dẫn hơn và có khả năng cạnh tranh tốt hơn. Nhiều điểm đến mới được đầu tư, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch được cải thiện. Công tác phát triển du lịch được phát triển đặt trong tổng thể công tác văn hóa đối ngoại, bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa, hoạt động thể thao, hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại. Các sự kiện du lịch được tổ chức có trọng tâm, trọng điểm, có sức hấp dẫn, lan tỏa tại các địa phương, nhận thức của toàn xã hội về vai trò, vị trí, đóng góp của ngành du lịch có chuyển biến tích cực.

Trong 10 tháng đầu năm 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 10 triệu lượt, tăng gấp 4,6 lần so với cùng kỳ năm trước, vượt chỉ tiêu kế hoạch cả năm; khách nội địa đạt 98,7 triệu lượt khách; tổng thu từ khách du lịch đạt 582,6 nghìn tỷ đồng. Theo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, du lịch là một điểm sáng trong phục hồi nền kinh tế, kết quả phục hồi du lịch có tác động lan tỏa tới nhiều lĩnh vực, góp phần cải thiện ba động lực tăng trưởng của nền kinh tế là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng…

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành du lịch Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam phục hồi tương đối chậm, chưa đáp ứng kỳ vọng của các đồng chí lãnh đạo, của ngành, của cộng đồng doanh nghiệp.

Tại Hội nghị, các đại biểu báo cáo tham luận, tập trung đề xuất định hướng, giải pháp nhằm tạo ra đột phá trong phục hồi và phát triển du lịch.

Đại biểu nghe Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận hội nghị

Đại biểu nghe Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục nâng cao nhận thức tầm quan trọng; giá trị ngành du lịch văn hóa. Từ đó chủ động, tích cực phối hợp triển khai trong hoạt động du lịch. Phát triển hệ sinh thái du lịch toàn diện, nhanh, bền vững, nhưng phải có tính hiệu quả cao. Xây dựng thương hiệu du lịch đặc sắc của Việt Nam, dựa trên nguồn lực con người, nguồn lực thiên nhiên và truyền thống văn hóa của đất nước Việt Nam. Phải phối hợp, liên kết chặt chẽ, hiệu quả giữa các doanh nghiệp; giữa các hiệp hội liên quan; giữa các địa phương trong phát triển du lịch. Xây dựng chuỗi liên kết phát triển du lịch quốc gia với toàn cầu. Tiếp tục phát triển ngành du lịch Việt Nam nhanh, bền vững theo hướng thể chế phải thông thoáng, giao thông phải thông suốt, quản lý phải thông minh…/.

Xem thêm

Video

Đọc báo in