Cao Bằng hội tụ và lan tỏa giá trị di sản Công viên địa chất Toàn cầu:

BÀI 4: CAO BẰNG - ĐIỂM HẸN GẦN GŨI, THÂN THIỆN, GIÀU BẢN SẮC

Vinh dự, tự hào đại diện cho cả nước tổ chức Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của mạng lưới Công viên địa chất (CVĐC) Toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 tại Cao Bằng (APGN-8), đến nay, tỉnh phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và Bộ Ngoại giao Việt Nam hoàn thành công tác chuẩn bị cho sự kiện diễn ra thành công tốt đẹp...

Nối gần khoảng cách từ các châu lục đến với Cao Bằng

Trước thềm diễn ra hội nghị, Cao Bằng - vùng đất biên cương nơi địa đầu Tổ quốc tuy đường còn xa, nhiều cách trở nhưng đang được nối gần lại với các quốc gia, trở thành tâm điểm chú ý của cả nước và bạn bè quốc tế tham dự Hội nghị APGN-8. Bởi Cao Bằng làm tốt vai trò “chủ nhà” thân thiện, mến khách, hơn nữa còn đảm nhiệm vai trò “sứ giả”, góp phần kiến tạo hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới. Đó không chỉ là nhiệm vụ của các cấp, ngành chức năng mà còn là trách nhiệm của mỗi công dân - Đồng chí Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức hội nghị cho biết.

Để đại biểu đến Cao Bằng rút ngắn khoảng cách, làm các thủ tục visa nhanh gọn, không gặp quan ngại, rào cản về làm thủ tục và tiết kiệm thời gian, từ tháng 4/2024, Ban Tổ chức công bố Cổng đăng ký đại biểu tham dự Hội nghị APGN-8, địa chỉ truy cập https://www.apgn2024.vn/vi để đăng ký tham dự, gửi bài phát biểu, tài liệu tham luận hội thảo và thông tin về đoàn. Ban Tổ chức phối hợp với cơ quan chức năng hỗ trợ làm thủ tục visa qua cảng hàng không và một số cửa khẩu biên giới Việt Nam - Trung Quốc; hỗ trợ hoàn thiện các bài tham luận, bài phát biểu. Đối với những đoàn có mối quan hệ chia sẻ CVĐC với Cao Bằng những năm trước từ châu Âu, Ban Tổ chức gửi giấy mời từ rất sớm để hỗ trợ làm thủ tục.

Đại biểu, khách quý các nước mới đặt chân đến Việt Nam được các tình nguyện viên, đại diện các dân tộc thiểu số Cao Bằng mặc trang phục dân tộc tiếp đón tại Cảng hàng không Sân bay quốc tế Nội Bài, các cặp cửa khẩu Việt Nam - Trung Quốc.

Với sự hỗ trợ tận tình làm các thủ tục rất sớm, nhanh gọn, thông tin thông suốt của Ban Tổ chức nên nhiều đại biểu nước ngoài dù ở xa, chưa đến Cao Bằng nhưng đã cảm nhận được sự tiếp đón chu đáo, nồng nhiệt, không gặp bất cứ vướng mắc gì về thủ tục nên bày tỏ rất hài lòng, mong muốn sớm đến Cao Bằng.

Để đại biểu các nước cảm nhận Cao Bằng đang gần hơn, trên các chuyến bay, cảng hàng không Việt Nam và các phương tiện truyền thông nước bạn đăng tải, quảng bá về CVĐC Non nước Cao Bằng và giới thiệu về hội nghị để đại biểu, khách quý tuy chưa đến nhưng cảm nhận được Cao Bằng tươi đẹp đang gần hơn, hiện hữu trước mắt, tạo dấu ấn thân thiện, đoàn kết giữa các quốc gia - Ông Vi Trần Thùy, Giám đốc Ban Quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng cho biết.

Thân thiện, nồng hậu, mến khách

Đến nay, công tác chuẩn bị Hội nghị APGN-8 hoàn thành về nội dung nghị sự, hậu cần, cơ sở vật chất diễn ra hội nghị, nơi lưu trú của đại biểu, khách quý, đón tiếp khách mời, đảm bảo an ninh trật tự…

Đại biểu, khách quý từ các nước mới đặt chân đến Việt Nam từ giây phút đầu tiên đã thấy sự đón tiếp nồng hậu của Cao Bằng, ngay tại Cảng hàng không Sân bay quốc tế Nội Bài, các cặp cửa khẩu Việt Nam - Trung Quốc, gồm: Thủy Khẩu - Tà Lùng, Long Bang - Trà Lĩnh, Bình Mãng - Sóc Giang của tỉnh và cửa khẩu Hữu nghị Quan của Lạng Sơn, Ban Tổ chức bố trí đặt các pano, áp phích, song ngữ Anh - Việt, Việt - Trung, trình chiếu clip ngắn giới thiệu về Cao Bằng và biểu tượng APGN-8; bố trí cán bộ, tình nguyện viên, đại diện các dân tộc thiểu số Cao Bằng mặc trang phục các dân tộc để chào và tiếp đón đại biểu.

Trên cung đường đưa đại biểu từ cảng hàng không và các cửa khẩu biên giới Việt - Trung về đến thành phố Cao Bằng, Ban Tổ chức lựa chọn các điểm dừng chân nghỉ, thực đơn dùng bữa phù hợp với bản sắc miền núi để đại biểu cảm nhận được sự tận tình, chu đáo mang đậm dấu ấn bản sắc Cao Bằng.

Em Quý Lan, tình nguyện viên, sinh viên Học viện Ngoại giao, người mẫu mặc quần áo dân tộc Cao Bằng chào đón đại biểu tại Cảng hàng không Sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội hào hứng chia sẻ: Được tham gia làm tình nguyện viên đón đại biểu nước ngoài đến dự hội nghị, em và các bạn rất vinh dự, tự hào, đồng thời thấy rõ nhiệm vụ của mình nên thời gian qua, em tích cực tham gia lớp tập huấn lễ tân, luôn trau dồi nâng cao ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp để đón đại biểu được chu đáo nhất, tạo ấn tượng sâu sắc với đại biểu quốc tế về con người, văn hóa Cao Bằng.

Hơn 100 tình nguyện viên tham gia tiếp đón, lễ tân, hướng dẫn đại biểu nước ngoài dự hội nghị có kiến thức ngoại ngữ, am hiểu về CVĐC Non nước Cao Bằng, được tập huấn lễ tân ngoại giao, sẵn sàng phối hợp nhịp nhàng với Ban Tổ chức để tiếp đón, đưa đón đại biểu di chuyển, tham dự các hoạt động diễn ra trước, trong và sau hội nghị với sự nồng hậu, nhiệt tình, chu đáo. Tổ chức tập huấn, khảo sát thực địa tại các điểm di sản cho các em tình nguyện viên, giáo viên tiếng Anh để giới thiệu sâu sắc, đậm nét về các di sản CVĐC Non nước Cao Bằng cho đại biểu, khách quý.

Sản phẩm làng nghề truyền thống giấy bản sẽ là quà tặng độc đáo giành cho các đại biểu tham gia hội nghị và khách du lịch khi đến Cao Bằng.

Các chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn, đối tác của CVĐV Non nước Cao Bằng - nơi tiếp đón đại biểu, khách quý đã chuẩn bị sẵn sàng về lễ tân, hậu cần, đặc biệt chuẩn bị thực đơn mang đậm ẩm thực Cao Bằng để giới thiệu, quảng bá về ẩm thực đặc sắc riêng của Cao Bằng. Anh Lê Quang Sáng, Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh Khách sạn Mường Thanh Luxury (Thành phố) cho biết: Khách sạn Mường Thanh Luxury Cao Bằng là một trong những cơ sở lưu trú được tỉnh lựa chọn đón và phục vụ khách đến dự Hội nghị APGN-8. Tại khách sạn công tác chuẩn bị đã sẵn sàng từ nhân lực đến cơ sở vật chất. Hiện, khách sạn có quy mô 223 phòng nghỉ có thể phục vụ cho khoảng 450 - 500 khách. Các phòng được đầu tư trang thiết bị hiện đại, sạch sẽ với đầy đủ tiện nghi. 130 nhân viên ở tất cả các bộ phận đều được đào tạo chuyên môn và được tham gia các lớp đào tạo nâng cao nghiệp vụ. Khách sạn đưa ra nhiều thực đơn phục vụ các món ăn đáp ứng nhu cầu của khách.

Quà tặng đại biểu, khách quý được lựa chọn sản phẩm làng nghề truyền thống, thân thiện với môi trường như đồ lưu niệm làm từ giấy bản, đất nung (ngói máng), hương thơm làm từ vỏ cây bản địa… Giới thiệu với bạn bè quốc tế về sức sáng tạo, sự khéo léo trong lao động sản xuất của cộng đồng các dân tộc thiểu số Cao Bằng được lưu truyền lâu đời.

Không gian văn hóa ấn tượng, đặc sắc riêng có

Cao Bằng là miền đất cổ, văn hóa đa dạng, giàu bản sắc để đại biểu, khách quý được tận hưởng không gian văn hóa riêng có của Cao Bằng, Ban Tổ chức chỉ đạo xây dựng kịch bản không gian hội nghị vừa thắm tình đoàn kết các quốc gia vừa thể hiện không gian văn hóa đặc sắc của Cao Bằng.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí trung ương, địa phương, các huyện, Thành phố xây dựng kế hoạch tuyên truyền giá trị đặc sắc CVĐC Non nước Cao Bằng trước, trong và sau hội nghị; các huyện, Thành phố treo băng rôn, khẩu hiệu, cờ pano, màn hình LED tuyên truyền hội nghị và phát thanh trên loa các hoạt động sự kiện hội nghị. Huy động người dân các điểm di sản CVĐC Non nước Cao Bằng làm vệ sinh môi trường, mặc trang phục dân tộc truyền thống đón tiếp đại biểu và du khách khi đến trải nghiệm.

Tại Thành phố bố trí cắm cờ Việt Nam, hồng kỳ và cờ biểu tượng của hội nghị trên các tuyến phố chính, trung tâm hội nghị; chuẩn bị tốt các điều kiện cơ sở vật chất xây dựng các chương trình, hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao (tái hiện Lễ cầu mùa, thờ Mẹ Trăng, Lễ hội Nàng Hai)… chuỗi hoạt động triển lãm, giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề truyền thống, ẩm thực… tại Trung tâm Hội nghị tỉnh và Phố đi bộ Kim Đồng, Chương trình đại hội nhạc trên sông Bằng Giang với nhiều tiết mục hấp dẫn, đặc sắc.

Đặc biệt, chương trình nghệ thuật hoành tráng trong ngày khai mạc hội nghị và chương trình nghệ thuật văn hóa Tày, Nùng, Mông, Dao tại Phố đi bộ Kim Đồng (ngày 12 - 13/9/2024) được chuẩn bị, xây dựng kịch bản, dàn dựng, luyện tập công phu để đại biểu, khách quý quốc tế và mọi miền Tổ quốc thưởng thức, trải nghiệm. Chương trình nghệ thuật sẽ chọn bài Then tiêu biểu có trong “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái Việt Nam” (có nghi lễ Then của người Tày Cao Bằng) được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại để biểu diễn cho đại biểu, khách quý được trải nghiệm.

Không gian trưng bày, triển lãm tranh “Sắc màu Non nước Cao Bằng” sẵn sàng phục vụ khách quốc tế và trong nước đến tham quan, khám phá.

Cùng với không gian văn hóa nghệ thuật đặc sắc, Ban Tổ chức còn tổ chức các hoạt động triển lãm ảnh mỹ thuật giới thiệu, quảng bá CVĐC với những phong cảnh đẹp, không gian văn hóa đặc sắc dân tộc thiểu số trong vùng CVĐC; gian hàng giới thiệu các sản vật, sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề các huyện, Thành phố; các gian hàng giới thiệu, quảng bá CVĐC trong nước như: Hà Giang, Lạng Sơn, Đắk Nông và các quốc gia đến tham dự hội nghị…

Ông Nickolas Zouros, Chủ tịch Mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO vui mừng khi vừa dặt chân đến Cao Bằng đã được sự đón tiếp nồng hậu của các đồng chí lãnh đạo tỉnh và nhân dân các dân tộc. Ông rất tin tưởng vào sự chuẩn bị chu đáo của đơn vị chủ nhà cho Hội nghị APGN-8. Ông Nickolas Zouros bày tỏ: Những nỗ lực của Cao Bằng trong xây dựng CVĐC toàn cầu thời gian qua và các công tác chuẩn bị cho Hội nghị APGN-8 đã thể hiện được cam kết mạnh mẽ của CVĐC Cao Bằng đối với mạng lưới CVĐC toàn cầu. Mong muốn các đại biểu dự hội nghị lần này sẽ có một trải nghiệm tuyệt vời tại CVĐC Non nước Cao Bằng, tìm hiểu về vùng đất, lịch sử, văn hóa và con người cũng như các hoạt động của CVĐC Non nước Cao Bằng trong 6 năm qua.

Với sự chuẩn bị công phu của các cấp, ngành và nhân dân ủng hộ, đại biểu, khách quý trong nước và quốc tế đến dự Hội nghị APGN-8 tại Cao Bằng luôn nhận được sự tiếp đón thân thiện, nồng hậu, mến khách và giàu bản sắc văn hóa. Đây là cơ hội vàng để Cao Bằng quảng bá về các giá trị di sản đặc sắc riêng có của CVĐC Non nước Cao Bằng với bạn bè quốc tế; làm lan tỏa thông điệp của hội nghị “Cộng đồng địa phương và phát triển bền vững trong vùng CVĐC”, kết nối, hợp tác giữa các CVĐC về phát triển kinh tế - xã hội, du lịch, thúc đẩy phát triển mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO lên nấc thang mới.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc: Hội nghị là sự kiện quan trọng để các thành viên của mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương, các nhà nghiên cứu, quản lý, các học giả từ các nước thành viên có cơ hội được gặp gỡ, kết nối, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm để không ngừng hoàn thiện công tác xây dựng, vận hành và phát huy vai trò CVĐC toàn cầu gắn với các mục tiêu phát triển bền vững. Hội nghị lần này không chỉ là sự kiện của riêng tỉnh Cao Bằng mà còn là ngày hội của các địa phương đang sở hữu danh hiệu UNESCO, qua đó góp phần định vị Cao Bằng nói riêng, các địa phương của Việt Nam nói chung trên bản đồ di sản thế giới. Đây vừa là cơ hội để tăng cường kết nối hợp tác quốc tế, vừa là dịp quảng bá đưa các địa phương Việt Nam ra thế giới và đưa thế giới đến gần hơn với Việt Nam./.

Xem thêm

Video

Đọc báo in