Thành phố Bắc Kạn tăng cường vệ sinh ATTP trong kinh doanh thức ăn đường phố

Thành phố Bắc Kạn là nơi có nhiều điểm kinh doanh thực phẩm, quán ăn đường phố- tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm (ATTP), do đó được chọn thực hiện mô hình điểm bảo đảm ATTP trong kinh doanh thức ăn đường phố. Qua triển khai, công tác vệ sinh ATTP trong kinh doanh thức ăn đường phố trên địa bàn thành phố được kiểm soát chặt chẽ, góp phần bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng.

Kiểm tra ATTP tại cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn Phường Sông Cầu
Lực lượng chức năng kiểm tra ATTP tại cơ sở kinh doanh thực phẩm tại phường Sông Cầu.

Theo thống kê của Trung tâm Y tế thành phố Bắc Kạn, trên địa bàn hiện có gần 1.000 cơ sở thực phẩm, trong đó có gần 250 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, tập trung chủ yếu ở các phường: Đức Xuân, Sông Cầu, Nguyễn Thị Minh Khai và Phùng Chí Kiên. Những năm qua, ngành chức năng thành phố Bắc Kạn đã tăng cường đẩy mạnh hoạt động truyền thông, tổ chức các đoàn liên ngành kiểm tra ATTP nhằm giám sát, ngăn ngừa mối nguy cơ gây ô nhiễm thực phẩm vào địa phương. Do đó, chất lượng vệ sinh ATTP trong kinh doanh thức ăn đường phố trên địa bàn thành phố được kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng.

Để góp phần giảm thiểu ngộ độc thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, từ năm 2018, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh phối hợp với Trung tâm Y tế thành phố, UBND phường Đức Xuân và Sông Cầu triển khai thực hiện mô hình điểm bảo đảm ATTP trong kinh doanh thức ăn đường phố, với các hoạt động như: Cung cấp kiến thức bảo đảm ATTP cho các nhóm đối tượng là chủ và nhân viên các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Tổ chức 10 lớp cung cấp kiến thức, kỹ năng truyền thông về ATTP cho 540 lượt học viên là cán bộ tổ dân phố, y tế tổ phố; 10 lớp cung cấp kiến thức bảo đảm ATTP trong kinh doanh thức ăn đường phố cho 340 lượt học viên là chủ và nhân viên trực tiếp kinh doanh. Treo pano, bảng nguyên tắc vàng trong chế biến thực phẩm tại nhà văn hóa tổ dân phố; in cuốn “Cẩm nang hướng dẫn đảm bảo an toàn thực phẩm trong lựa chọn và chế biến thực phẩm” cung cấp cho các nhân viên y tế tổ phố để hướng dẫn người tiêu dùng trên địa bàn được biết.

Qua hơn 2 năm triển khai mô hình cho thấy: Tỷ lệ người kinh doanh thức ăn đường phố hiểu biết kiến thức về ATTP năm sau tăng cao hơn năm trước. Tỷ lệ quán ăn đường phố chấp hành tốt các yêu cầu về điều kiện kinh doanh (có đủ trang phục bảo hộ, có mũ, khẩu trang và sử dụng găng tay nilon khi tiếp xúc với thực phẩm) tăng lên 75,6%.

Cùng với xây dựng và duy trì mô hình điểm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã xây dựng kế hoạch lấy mẫu giám sát mối nguy gây ô nhiễm thực phẩm đối với các loại thực phẩm chế biến sẵn, ăn ngay tại các quán kinh doanh thực phẩm chín, thức ăn đường phố trên địa bàn thành phố Bắc Kạn. Kết quả cho thấy, tỷ lệ mẫu đạt các chỉ tiêu về hóa là 99,4%; số mẫu đạt các chỉ tiêu vi sinh vật là 94,8%.

Tuy nhiên, qua triển khai cũng cho thấy việc bảo đảm ATTP quán ăn đường phố trên địa bàn thành phố Bắc Kạn vẫn còn một số hạn chế như: Công tác tuyên truyền chưa được đầy đủ và thường xuyên nên nhận thức của một số chủ cơ sở thực phẩm trong việc thực hiện các quy định của nhà nước về ATTP còn hạn chế. Các cơ sở kinh doanh thực phẩm còn vi phạm chủ yếu ở các nội dung như không đảm bảo vệ sinh cơ sở, sắp xếp hàng hóa chưa đảm bảo theo quy định. Một số cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố chưa thực hiện khám sức khỏe định kỳ, chưa thực hiện tập huấn kiến thức ATTP…

Để bảo đảm an toàn trong kinh doanh thức ăn đường phố, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh khuyến cáo: Đối với các cơ sở kinh doanh cố định, địa điểm kinh doanh phải cách biệt nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm; các mặt hàng kinh doanh phải được bày bán trên bàn, giá, kệ, phương tiện bảo đảm vệ sinh ATTP, mỹ quan đường phố; nguyên liệu để chế biến thức ăn đường phố phải bảo đảm ATTP, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; dụng cụ ăn uống, chứa đựng thực phẩm phải bảo đảm an toàn vệ sinh; bao gói và các vật liệu tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không được gây ô nhiễm và thôi nhiễm vào thực phẩm; có dụng cụ che nắng, mưa, bụi bẩn, côn trùng và động vật gây hại; có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ việc chế biến, kinh doanh.

Đối với các cơ sở bán hàng rong không có địa điểm cố định, chỉ được bán các loại thức ăn có thể bảo đảm được vệ sinh ATTP khi đi bán rong; có phương tiện đảm bảo yêu cầu vệ sinh ATTP, phải bảo đảm kín, tránh được mưa, nắng, gió, bụi, ruồi, nhặng và luôn giữ được thức ăn sạch, không bị ô nhiễm; dụng cụ đựng thức ăn phải bảo đảm vệ sinh; nguyên liệu chế biến phải được chọn lọc, có nguồn gốc an toàn, không bị mốc và ô nhiễm; quy trình chế biến phải bảo đảm an toàn, tuyệt đối không sử dụng các chất phụ gia, chất bảo quản độc hại.

Đối với các cơ sở bán thực phẩm trong khu lễ, hội, trước khi tổ chức, chủ cơ sở phải đăng ký với ban tổ chức lễ hội về mặt hàng kinh doanh, ký cam kết bảo đảm an toàn về nguồn gốc nguyên liệu để chế biến thực phẩm, cam kết chấp hành đầy đủ các quy định về điều kiện bảo đảm ATTP; nơi chế biến phải sạch sẽ, cách xa nguồn ô nhiễm, có đủ dụng cụ, phương tiện để chế biến; nơi ăn uống phải sạch sẽ, có bàn kê cao cách mặt đất 60cm, có đủ dụng cụ chứa đựng chất thải, rác thải và thu gom đúng quy định.

Người tiêu dùng nên mua thực phẩm chín, ăn ngay ở những quầy hàng có địa điểm cách xa nguồn ô nhiễm (thùng rác, cống, rãnh…); có dụng cụ che chắn nắng, mưa, gió, bụi (tủ kính); có đủ dụng cụ chứa đựng và bảo đảm an toàn; lựa chọn các cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP./.

Việt Bắc

Xem thêm

Video

Đọc báo in