Để từng bước chuyển dịch sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, thành phố Bắc Kạn đã tăng cường triển khai nhiều mô hình ứng dụng khoa học công nghệ cho người dân.
Mô hình trồng thâm canh cây Cam Vinh tại hộ ông Triệu Đình Đốc, thôn Nà Chuông, xã Nông Thượng cho quả năm đầu tiên. |
Bà Vũ Thị Kiểm, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố cho biết: Năm 2022 Trung tâm đã tổ chức 34 lớp tập huấn, trang bị kiến thức sản xuất cho hơn 1.020 người dân. Bên cạnh duy trì 03 mô hình ứng dụng KHCN, Trung tâm đã triển khai 04 mô hình mới, đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần khai thác hiệu quả đất đai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Về chăn nuôi, thành phố triển khai Dự án liên kết sản xuất chuỗi giá trị gắn với tiêu thị sản phẩm lợn thịt siêu nạc tại xã Nông Thượng, do HTX nông nghiệp Hùng Tuyết chủ trì. Dự án có 15 hộ tham gia, tổng quy mô nuôi 400 con lợn, kinh phí Nhà nước hỗ trợ trên 877 triệu đồng. Qua đánh giá cho thấy, tỷ lệ lợn sống đạt 99%, trọng lượng trung bình khi xuất chuồng đạt 100kg/con. Lợi nhuận của lợn thương phẩm khi liên kết tiêu thụ với HTX đạt hơn 1,5 triệu đồng/con, tổng thu nhập của toàn dự án đạt trên 608 triệu đồng.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc HTX nông nghiệp Hùng Tuyết đánh giá: Trước đây bà con chỉ nuôi lợn bản địa theo phương pháp truyền thống nên hiệu quả thấp. Nay tham gia Dự án, bà con biết chọn giống mới, áp dụng chế độ chăm sóc và phòng bệnh đúng kỹ thuật nên lợn lớn nhanh. Đặc biệt là sau 3 chu kỳ nuôi, chưa có lợn của hộ nào mắc các bệnh như: Dịch tả lợn châu Phi, tai xanh, lép-tô, lở mồm long móng…
Về trồng trọt, nhiều mô hình đạt kết quả tốt, mở ra triển vọng phát triển kinh tế cho người dân, như: Mô hình trồng thâm canh cây nghệ nếp đỏ liên kết theo chuỗi giá trị được triển khai tại xã Nông Thượng và phường Huyền Tụng với quy mô 7ha, 49 hộ dân tham gia. Qua đánh giá, năng suất nghệ của mô hình đạt 30 tấn/ha, cho thu nhập 90 triệu đồng/ha. HTX nông nghiệp Tân Thành chủ trì thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trồng cây trám, thực hiện tại các xã Dương Quang và Nông Thượng với quy mô 29ha/13 hộ tham gia, kinh phí Nhà nước hỗ trợ 500 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp triển khai mô hình trồng thâm canh cây cam Vinh tại xã Nông Thượng với quy mô 10ha/21 hộ dân tham gia. Sau 3 năm, cây cam sinh trưởng phát triển tốt, ít sâu bệnh, đã bói quả với mẫu mã đẹp, khi chín rất thơm ngọt. Ông Triệu Đình Đốc, người dân thôn Nà Chuông cho hay: "Dự án trang bị rất nhiều kiến thức bổ ích cho chúng tôi. Bà con mong muốn thành phố tiếp tục triển khai các dự án với giống cây trồng mới để phát triển kinh tế hiệu quả".
Đối với cây lúa, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp triển khai 02 mô hình, gồm: Mô hình ứng dụng Hệ thống thâm canh tổng hợp trong sản xuất lúa SRI vụ xuân với diện tích 15ha/95 hộ dân tham gia, tại xã Nông Thượng và các phường Đức Xuân, Nguyễn Minh Khai. Mô hình cải tạo nâng cao chất lượng đất trồng lúa nước vụ mùa, thực hiện tại xã Dương Quang với diện tích 54ha/330 hộ dân tham gia. Qua đánh giá, lúa của các mô hình đạt năng suất cao, đồng thời góp phần cải tạo đất trồng lúa cho người dân...
Định hướng của tỉnh cũng như thành phố là phát triển nông nghiệp bền vững, hiệu quả theo hướng sản xuất hàng hóa xanh - sạch - an toàn gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ. Việc triển khai các mô hình, dự án ứng dụng KHCN vào sản xuất đã góp phần giúp tổng sản lượng lương thực có hạt của TP. năm 2022 ước đạt 4.107 tấn, vượt kế hoạch đề ra. Diện tích đất canh tác đạt thu nhập 100 triệu đồng/ha/năm trở lên được 222ha, tăng 5% so với cùng kỳ. Những kết quả đạt được của thành phố đã góp phần tích cực thực hiện Đề án Cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới./.
Đăng Bách